Từ tháng 3/2020, Xi măng Lam Thạch đã đầu tư dây chuyền công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường dùng để làm nhiên liệu thay thế than đốt cho lò nung clinker. Dây chuyền thiết bị đã đầu tư có thể thay than được đến 40%. Toàn bộ dây chuyền thiết bị công nghệ đồng xử lý được trang bị đồng bộ cùng với hệ thống kiểm tra, đo lường và điều khiển tự động tiên tiến trên thế giới cho phép sử dụng một cách tối ưu các nguyên, nhiên liệu tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho biết, đối với nhà máy xi măng thì năng lượng tiêu tốn nhất là than cám cho quá trình sản xuất clinker. Hiện nay doanh nghiệp đã sử dụng nguyên liệu thay thế là các sản phẩm thải của nhà máy giày, nhà máy da, nhà máy giấy, nhà máy may… Tất cả những sản phẩm chất thải công nghiệp thông thường không thể tái chế được mà khi đốt sinh ra năng lượng thì doanh nghiệp thu gom để thay thế một phần than cám. Hiện, Xi măng Lam Thạch đã tiết kiệm 13,2 tỷ đồng/năm nhờ đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu thay thế trong lò nung clinker.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có nhiều cái giải pháp tiết giảm điện năng tiêu thụ cho sản xuất như lắp đặt các thiết bị biến tần để giảm tiêu hao điện, lắp hệ thống điện mặt trời áp mái để phục vụ cho sinh hoạt. Hiện nay, doanh nghiệp đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi để triển khai đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò nung clinker, sẽ khởi công vào cuối năm 2024.
Hiện nay, tại nhà máy Xi măng Lam Thạch đang vận hành dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại sản xuất clinker bằng lò quay theo phương pháp khô, có tháp trao đổi nhiệt 5 tầng cyclone và bồng phân hủy để nâng năng suất lò từ 1.200 tấn/ngày lên 1.800 tấn/ngày, giảm tiêu hao nhiệt từ 950 kcal/kg clinker xuống cò 760 kcal/kg clinker.
Theo anh Phạm Trường Sơn, Phó phòng Công nghệ trung tâm, nhà máy Xi măng Lam Thạch, công việc chính tại phòng trung tâm là theo dõi, giám sát và điều chỉnh toànbộ hoạt động của hệ thống: từ khâu chuẩn bị các loại nguyên vật liệu; nghiền nguyên vật liệu; nung clinker và cuối cùng là nghiền thành các loại xi măng và đóng bao. Hệ thống dây chuyền được đầu tư hiện đại, đồng bộ và được điều khiển tự động, mọi hoạt động đều được theo dõi từ các màn hình vận hành và các cái camera giám sát liên tục 24/7.
Bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na uy cho biết, thông qua dự án Na Uy hy vọng có thể giúp ngành Xi măng Việt Nam nâng cao năng lực xử lý chất thải nhựa không tái chế và góp phần thực hiện mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Là ngành sản xuất sử dụng khối lượng lớn nguyên, nhiên liệu hóa thạch với hoạt động đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường Xi măng Lam Thạch kỳ vọng sẽ góp phần giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu hóa thạch không tái tạo, giảm chi phí giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh và góp phần giảm phát thải CO₂.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh chia sẻ, hiện nay lượng than cám của doanh nghiệp cũng đã giảm được đáng kể do sử dụng nguyên liệu thay thế và điện năng cũng đã giảm được khoảng 10% so với mức tiêu hao điện năng bình thường sản xuất xi măng và clinker. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Dự kiến cuối năm 2025 sẽ đi vào hoạt động, hệ thống phát điện nhiệt khí thải này có thể cung cấp khoảng 70% điện năng cho sản xuất.
Việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong công nghiệp trong đó có ngành Xi măng là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp nâng cao lợi nhuận đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia.