Ngày đăng 29/11/2024 | 12:00 AM

Hà Nội: Cần thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn

(BXD) Hiện nay, mỗi ngày các đô thị nước ta thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60% - 65%. Tại Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam”, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đã nêu nhiều giải pháp xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, thời gian qua, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nước ta đang đối mặt với áp lực rất lớn khi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Trong khi đó, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải lại đang đối mặt với nhiều khó khăn, như: nhận thức của người dân về phân loại rác còn hạn chế, hệ thống thu gom và xử lý chưa đồng bộ, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và khung pháp lý chưa hoàn thiện cũng là những trở ngại lớn.

Tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe, thu nhận ý kiến trao đổi, thảo luận, đánh giá của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và các nhà quản lý về những kết quả đã đạt được, cũng như đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WorldBank), dự báo đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 54 triệu tấn. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình từ 10 đến 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp.

Trong khi đó, phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta chủ yếu là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản, các bãi chôn lấp tập trung cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% - 65% lượng rác thải. Do đó, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn; có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế và xử lý rác thải để đạt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại...

 


 

dangcongsan.vn

Tin có liên quan

Loading ...