Ngày đăng 16/10/2024 | 12:00 AM

Thái Bình: Hiệu quả mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Lập

(BXD) Thực hiện Nghị quyết Đại Hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, đặc biệt là thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tân Lập đã cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; trong đó, phải kể đến mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Chính mô hình này đã tạo nguồn quỹ hội và góp phần để địa phương hoàn thiện vững chắc tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.


Hội viên phụ nữ xã Tân Lập thực hiện thu gom phế liệu

Về Tân Lập bây giờ đi đến đâu cũng thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, không còn tình trạng xả thải bừa bãi hay các bãi rác tự phát. Cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp đã tô điểm cho diện mạo làng quê đang đà phát triển. Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã được biết: Địa phương cán đích nông thôn mới năm 2014, lúc ấy tiêu chí môi trường còn có hạn chế so với các tiêu chí còn lại. Song bây giờ thì lại rất vững chắc bởi vấn đề rác thải đã được xử lý triệt để. Có được kết quả này phải kể đến sự đóng góp tích cực của Hội LHPN xã với mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã và đang được các gia đình thực hiện hiệu quả.


Mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được Hội LHPN xã Tân Lập triển khai thực hiện từ năm 2019 thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Thực hiện mô hình này, rác thải được phân loại ngay tại hộ gia đình. Rác hữu cơ dùng làm phân bón cho cây trồng hoặc thức ăn chăn nuôi. Rác vô cơ được tập kết, chuyển về khu xử lý. Trong quá trình phân loại, thu gom những phế liệu có thể tái chế được tập trung về một điểm, bán tạo nguồn quỹ hội. Nguồn quỹ này sẽ dùng để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Việc làm tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Chị Vũ Thị Nga, hội viên phụ nữ thôn Trà Khê chia sẻ: Phân loại rác thải tại nguồn đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là lan tỏa việc thực hành tiết kiệm, giúp đỡ, sẻ chia với chị em có hoàn cảnh khó khăn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.  

5 năm qua, từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, Hội LHPN xã Tân Lập đã quyên góp được gần 60 triệu đồng, giúp đỡ 320 lượt đối tượng bằng các việc làm thiết thực như: tặng gạo hàng tháng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro đột xuất; trao quà cho trẻ mồ côi; tặng thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ xóa nhà ở xuống cấp cho phụ nữ đơn thân không nơi nương tựa.


Chị Trần Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập cho biết: Triển khai thực hiện mô hình này là để tuyên tuyền hội viên giữ gìn vệ sinh từ gia đình đến nơi công cộng. Đồng thời, vận động hội viên thực hành tiết kiệm tạo nguồn kinh phí giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ngay trong tổ chức mình. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hoàn thiện vững chắc tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.  

Nhận thấy rõ hiệu quả mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của Hội LHPN, từ năm 2023, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập đã đưa vào quy chế hoạt động trong công tác vệ sinh môi trường ở địa phương. Quy chế đã cụ thể hóa quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Coi việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan.

Có thể nói, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của Hội LHPN xã Tân Lập đã lan tỏa sâu rộng; góp phần xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.                                                       


Theo vuthu.thaibinh.gov.vn

Tin có liên quan

Loading ...