Ngày đăng 30/09/2024 | 12:00 AM

Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất và thử nghiệm vật liệu xây dựng

(BXD) Tại diễn đàn Công nghệ ngành Xây dựng diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9/2024, TS. Vũ Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đang trở thành một xu hướng quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, tính bền vững và hiệu quả kinh tế của công trình. Sự đổi mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và độ bền của công trình mà còn hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thời gian qua, Viện Vật liệu xây dựng đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng mô hình in 3D trong chế tạo bê tông. Đây là một phương pháp xây dựng tiên tiến sử dụng máy in 3D để tạo ra các cấu kiện bê tông thông qua việc xếp chồng lớp bê tông theo mô hình kỹ thuật số đã thiết kế sẵn; phù hợp với chiến lược phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong ngành xây dựng ở nước ta nhằm hiện thực hoá Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

TS. Vũ Văn Dũng trình bày tại diễn đàn Công nghệ ngành Xây dựng diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9/2024

Viện Vật liệu xây dựng cũng đã nghiên cứu công nghệ sử dụng tro bay nhiệt điện thay thế cốt liệu tự nhiên để chế tạo tấm tường rỗng đúc sẵn theo công nghệ đùn ép. Theo đó, có thể sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong nước để chế tạo tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép với hàm lượng tro xỉ nhiệt điện thay thế tối đa 100% cốt liệu thiên nhiên. Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm cốt liệu cho sản xuất bê tông nói chung và sản phẩm tấm tường nói riêng là một giải pháp hữu ích về cả mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, Viện cũng đã nghiên cứu sử dụng thạch cao phospho để sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền móng đường giao thông, vật liệu san lấp mặt bằng công trình xây dựng.

Hiện nay, Viện đang tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ xử lý bã thải thạch cao phospho của nhà máy phân bón DAP - Đình Vũ sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông, vật liệu san lấp công trình xây dựng”. Dự án đã thiết kế và lắp đặt 1 dây chuyền xử lý bã thải thạch cao phospho với công suất khoảng 250.000 tấn/năm; sản xuất thử nghiệm 50.000 tấn phụ gia xi măng, 50.000 tấn vật liệu san lấp công trình xây dựng, 50.000 tấn vật liệu làm nền và móng đường giao thông; xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia thạch cao phospho làm vật liệu san lấp công trình xây dựng, vật liệu làm nền và móng đường giao thông.

Bên cạnh đó, Viện cũng tích cực triển khai các hoạt động thử nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng nhằm xác định độ lọt khí công trình; xác định chỉ số phản xạ năng lượng mặt trời - SRI; xác định hệ số dẫn nhiệt của vật liệu; xác định hiệu suất nhiệt của hệ thống cửa, kính. Thử nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho công trình xanh nhằm xác định hoạt độ phóng xạ tự nhiên của vật liệu ISO 19581; xác định đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm mốc của vật liệu; xác định đặc tính an toàn sức khỏe; xác định đặc tính âm học công trình.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của tập thể các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật liệu xây dựng, TS. Vũ Văn Dũng tin tưởng lĩnh vực vật liệu xây dựng ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa trong đổi mới sáng tạo phát triển công nghệ sản xuất và thử nghiệm vật liệu xây dựng.

Trần Hà

Tin có liên quan

Loading ...