Ngày đăng 30/09/2024 | 12:00 AM

Nhiều dấu ấn trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Xây dựng

(BXD) Ngày 30/9/2024, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Công nghệ ngành Xây dựng, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý; chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp, sinh viên các trường Đại học thuộc Bộ Xây dựng. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Mục tiêu của diễn đàn nhằm giới thiệu các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: quy hoạch kiến trúc, hạ tầng đô thị, hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật của một số lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết, đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2012-2021, đang triển khai thực hiện Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2022-2030 và đã đạt được những thành tựu nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sau:

Thứ nhất là nghiên cứu để hoàn thiện thể chế: đây là nhóm nghiên cứu để ưu tiên nguồn lực thực hiện, kết quả của những nghiên cứu này đã đánh giá những tồn tại, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, như sửa đổi Luật xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua năm 2020 (Luật 62/2020/QH14); xây dựng Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua và ban hành Luật số 40/2019/QH14; sửa đổi Luật Nhà ở 2014 được Quốc hội thông qua và ban hành Luật số 27/2023/QH15; sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 được Quốc hội thông qua và ban hành Luật số 29/2023/QH15; hiện nay đang tiến hành sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị và nông thông cùng 2 dự án xây dựng Luật mới (Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý đô thị). Bên cạnh đó, nhiều văn bản dưới Luật cũng là kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học công nghệ.

Thứ hai là nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn: các công trình xây dựng được thiết kế, thi công, nghiệm thu đều phải dựa vào hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia Ngành là chuẩn mực, là yêu cầu bắt buộc để mỗi công trình xây dựng đảm bảo an toàn chịu lực, an toàn cháy và đảm bảo công năng, tiện nghi khi sử dụng. Do đó, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật là sự thể hiện sinh động của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành xây dựng.

Thứ ba là nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn: những năm qua, Bộ Xây dựng triển khai nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và một số lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong lĩnh vực quản lý của ngành như: nghiên cứu ứng dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, đến nay Bộ Xây dựng đã gửi Bộ Khoa học và công nghệ để công bố 3 tiêu chuẩn về BIM, đã xây dựng lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và được Thủ tướng phê duyệt (tháng 3/2023), nghiên cứu chế tạo máy in 3D trong chế tạo vật liệu xây dựng tính năng cao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Xây dựng.

Nhiều vấn đề mới và phát sinh từ thực tiễn cũng đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu giải quyết như nghiên cứu xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than để làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp, xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.

Để ngành Xây dựng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, theo Vụ trưởng Vụ Ngọc Anh, thời gian tới ngành Xây dựng sẽ tập trung nâng cao hơn nữa trình độ làm chủ việc thiết kế, thi công các công trình có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp (không gian ngầm, công trình ngầm, dạng điểm, dạng tuyến có chiều sâu lớn hơn 30 m, nhà cao trên 150m...); ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xây dựng tiên tiến, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm mức phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình của Chính phủ; nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện và bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng vật liệu tái chế trong công trình xây dựng;

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương pháp luận công tác quy hoạch xây dựng; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý đô thị, kiến trúc đô thị và nông thôn, theo hướng bền vững, hiện đại, có bản sắc và phù hợp với điều kiện phát triển từng địa phương; ứng dụng các công nghệ thông minh, tiên tiến hiện đại trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống kỹ thuật trong và ngoài nhà; nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Xây dựng; nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thành việc biên soạn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo lộ trình đã được phê duyệt; đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Xây dựng.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh chủ đề đổi mới sáng tạo trong ngành Xây dựng, như: chính sách phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành; thông tin công nghệ mới ngành xây dựng; hoàn thiện và thực thi hiệu quả các giải pháp nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành Xây dựng. Nhiều chuyên gia đánh giá cao những kết quả đạt được trong đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nói chung, ngành Xây dựng nói riêng sẽ ngày càng đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đưa ngành Xây dựng ngày càng phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế.

Trần Hà

Tin có liên quan

Loading ...