Ngày đăng 15/05/2024 | 12:00 AM

Trung Quốc: Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển công trình xanh, thấp carbon

(BXD) Tận dụng phế thải xây dựng để làm vật liệu xây tường chất lượng cao, xây dựng các công trình, dự án theo mô hình tiền chế lắp ghép, hấp thụ năng lượng tự nhiên để các căn phòng tự điều phối nhiệt độ để trở nên mát mẻ vào mùa hè và ấm áp hơn vào mùa đông…Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những mô hình công trình xanh đã đi vào đời sống của người dân, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, vừa giúp nâng cao chất lượng đời sống con người. Hội nghị công tác Xây dựng Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc mới đây đã đề xuất thúc đẩy ổn định tính trung hòa carbon trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đạt đỉnh carbon ngành xây dựng vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển việc xây dựng các công trình nhà ở mới, công trình cô

Xây dựng là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon chủ đạo ở Trung Quốc,  đồng thời là lĩnh vực trọng tâm, then chốt để Trung Quốc phát triển kinh tế và tiến đến mục tiêu đạt đỉnh carbon, trung hòa carbon vào năm 2030. “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Công trình xanh và bảo tồn năng lượng tòa nhà” do Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn ban hành trước đây đã nêu rõ: đến năm 2025, toàn bộ các công trình xây mới ở các thành phố và thị trấn sẽ được chuyển hướng hoàn toàn sang xây dựng xanh, hoàn thành việc chuyển đổi cải tạo theo hướng tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện có với diện tích khoảng 350 triệu m2, xây dựng các công trình zero carbon và tiêu thụ năng lượng tối thiểu với diện tích khoảng 50 triệu m2, mô hình nhà tiền chế sẽ chiếm khoảng 30% tổng diện tích công trình xây dựng.


Len đá cách nhiệt

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ diện tích công trình xanh xây mới của Trung Quốc đã chiếm hơn 90%, diện tích các công trình xanh trên toàn quốc tăng từ 4 triệu m2 năm 2012 lên hơn 2 tỷ m2 vào năm 2021. Trong năm 2021, tỷ lệ công trình xanh xây mới tại các thành phố, thị trấn đạt 84% tổng diện tích xây dựng, các công trình được công nhận xếp hạng sao là 25.000 công trình, 2.134 sản phẩm vật liệu xây dựng xanh được cấp chứng nhận.

Nâng cao mức độ “xanh” của vật liệu xây dựng

Trong dự án cải tạo khuôn viên các trường học tại Thâm Quyến, thay vì sử dụng cấu trúc xây dựng bằng cát xám truyền thống, dự án sử dụng cấu trúc hỗn hợp của ván ép pallet và len sợi đá cách nhiệt. Ban quản lý dự án cho biết, ván ép pallet được làm chủ yếu từ vật liệu cơ bản là xi măng, thêm tro bay từ các nhà máy điện, đùn ép dưới áp suất cao và môi trường chân không, không chỉ giúp hạ thấp mức tiêu thụ năng lượng mà còn giảm đáng kể mức độ phát thải. Hơn nữa, thay vì sử dụng phương pháp trát vữa để xây tường truyền thống, dự án sử dụng các tấm ốp tường nhựa composite, có tác dụng cách nhiệt và giữ nhiệt tốt, không chỉ giúp làm giảm mức tiêu thụ năng lượng của công trình mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn cao về cách âm và chống cháy.

Việc tối ưu hóa sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng các công trình, dự án đã trở nên phổ biến trên toàn quốc gia. Được coi là bộ phận quan trọng nhất của tổng thể công trình, vật liệu xây dựng sẽ quyết định trực tiếp mức độ xanh của công trình. Theo các thống kê cho thấy, cứ trong mỗi 10.000 NDT giá trị sản lượng ngành xây dựng, ít nhất 3.500 NDT được tiêu thụ cho đầu tư vật liệu xây dựng. Với vai trò là ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đóng góp một giá trị sản lượng cao, nhưng cũng tiêu thụ nhiều nằng lượng và hạn ngạch phát thải cao.


Tấm ván pallet

Sự phát triển của vật liệu xây dựng xanh không thể tách rời với quy hoạch cấp cao. Năm 2013, Quốc Vụ viện đã ban hành “Kế hoạch hành động Xây dựng xanh” do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia phối hợp cùng Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn xây dựng, trong đó đã chỉ rõ các yêu cầu để đẩy mạnh phát triển vật liệu xây dựng xanh. Năm 2014, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn phối hợp cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin ban hành “Các biện pháp hành chính để đánh giá và xếp hạng vật liệu xây dụng xanh”, trong đó đã chính thức lảm rõ định nghĩa “vật liệu xây dựng xanh”. Năm 2016, Văn phòng Quốc Vụ viện ban hành “Ý kiến về việc thiết lập Hệ thống ghi nhãn, chứng nhận tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh”, đánh dấu sự phát triển vật liệu xây dựng xanh chính thức bước sang giai đoạn phát triển mới. Năm 2019, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế thị trường, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã cùng phối hợp ban hành "Kế hoạch thực hiện Chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh", đánh dấu việc đánh giá vật liệu xây dựng xanh đã được chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức chứng nhận. Năm 2020, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành "Thông báo về việc thí điểm hỗ trợ phát triển vật liệu xây dựng xanh để nâng cao chất lượng công trình thông qua mua sắm công", thực hiện các công tác thí điểm mua sắm từ sự hỗ trợ của chính phủ, thúc đẩy nâng cao chất lượng công trình, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình. Năm 2022, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, Bộ Sinh thái và Môi trường, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn phối hợp cùng ban hành "Kế hoạch thực hiện đỉnh carbon của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng", đánh dấu ngành này sẽ bước vào giai đoạn phát triển xanh mới.                      

Hiện nay, phát triển vật liệu xây dựng xanh đã trở thành vấn đề bắt buộc phải giải quyết; không còn là sự lựa chọn ưu tiên nữa mà đã trở thành sự lựa chọn bắt buộc – theo ông Loan Quân, Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các mô hình xây dựng chất lượng cao như công trình xanh, công trình tiền chế, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình zero carbon và tiêu thụ năng lượng tối thiểu đã đi vào guồng quay phát triển nhanh chóng, tạo ra nhu cầu thị trường lớn cho việc ứng dụng vật liệu xây dựng xanh. Trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, tỷ lệ ứng dụng vật liệu xây dựng xanh trong  các công trình đô thị mới sẽ đạt 70%, việc chọn lựa vật liệu xây dựng xanh đã liên tục được đưa vào hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh, quá trình thực hiện phát triển hệ thống công trình xanh chất lượng cao và các dự án thí điểm mua sắm hỗ trợ của chính phủ. Vai trò của các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh được ví như “giấy chứng nhận sức khỏe”, “hộ chiếu” cho sự phát triển bền vững, nổi bật của ngành Vật liệu xây dựng nói riêng và ngành Xây dựng nói chung.


Ốp tường nhựa composite

Nếu không tối ưu hóa mức độ xanh của vật liệu xây dựng, đồng nghĩa với không thể “xanh hóa” các công trình, dự án. Ngày nay, các vật liệu xây dựng truyền thống như gạch và vữa ốp tường ngoài ngày càng khó tìm thấy trong các công trình xây mới, chúng đã được thay thế bằng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và vật liệu xây dựng mới, bao gồm: vật liệu cách nhiệt tiết kiệm năng lượng, tấp ốp tường mới, sơn chống thấm vật liệu chống thấm, các giải pháp công nghệ xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng. Việc đẩy mạnh áp dụng các công nghệ và vật liệu mới sẽ giúp các công trình, dự án trở nên an toàn hơn, có độ bền cao hơn, cao cấp hơn và tạo nên một không gian sống, làm việc, sinh hoạt thoải mái hơn.

Công trình tiền chế - giải pháp hiện thực hóa phát triển xanh

Ông Trịnh Hạo - Phó Viện trưởng Viện Giải pháp hệ thống, Viện Nghiên cứu và thiết kế kiến trúc Sany cho biết, việc sản xuất độc lập tường SPCS của Tập đoàn Sany hoàn toàn được sản xuất trong các nhà máy dây chuyền tự động. Các cấu kiện tường được vận chuyển đến công trường theo từng lô để lắp ráp, mô hình đúc sẵn được áp dụng để chế tạo toàn bộ các vật liệu dầm, cột, tường tấm, sau đó được lắp ráp hoàn chỉnh thành công trình trên bề mặt và móng dưới lòng đất. Việc chế tạo theo mô hình tiền chế không chỉ giúp giảm nhẹ trọng lượng của các bộ phận công trình, thuận tiện hơn trong quá trình nâng hạ, đơn giản hơn trong phương thức kết nối, mà còn giúp cải thiện hiệu quả mức độ an toàn, giảm thiểu đáng kế các nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn xây dựng tại chỗ.

Xây dựng tiền chế mang tính chất là xây dựng theo dạng khối, vật liệu được sản xuất tích hợp, tự động hóa tại dây chuyền các nhà máy, có thể làm giảm ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Hồ Gia Hi, Kiến trúc sư cao cấp của Học viện Nghiên cứu Xây dựng Trung Quốc cho biết, phương pháp xây dựng theo mô hình tiền chế đã đạt được hiệu quả lớn trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm phế thải xây dựng, giảm phát thải carbon ra môi trường, giảm tiêu thụ tài nguyên nước và tiết kiệm vật liệu xây dựng như gỗ và vữa xi măng. Bên cạnh đó, mô hình tiền chế cũng giúp thay đổi cơ bản tình trạng lộn xộn, nhếch nhác trên các công trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí và môi trường âm thanh như bụi và tiếng ồn, từ đó cải thiện không gian đô thị và tạo điều kiện cho việc xây dựng nền văn minh sinh thái. Hơn nữa, sự phát triển của công nghiệp hóa xây dựng mới sẽ giúp Trung Quốc thay đổi hoàn toàn môi trường cạnh tranh trước đây về công nghệ xây dựng và hàm lượng kỹ thuật thấp, giá nhân công, từ đó tạo tự tích hợp chặt chẽ giữa các quy trình sản xuất, giữa công nghiệp xây dựng với thông tin hóa, chú trọng vào các tiến bộ công nghệ và đổi mới mô hình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn lao động, định hình thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp, hình thành năng lực cạnh tranh cốt lõi, lợi thế dẫn đầu cho các doanh nghiệp.


Tỷ lệ diện tích công trình tiền chế tại Trung Quốc tăng mạnh qua các năm

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển ngành xây dựng do Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn ban hành nêu rõ, cần phát triển mạnh mẽ mô hình công trình tiền chế. Cần thiết lập một hệ thống sản xuất và thiết kế tiêu chuẩn cho các công trình tiền chế, thúc đẩy nâng cấp sản xuất và xây dựng một cách thông minh, mở rộng phạm vi sử dụng các cấu kiện và bộ phận vật liệu được tiêu chuẩn hóa, đồng thời nâng cao lợi ích toàn diện của các công trình tiền chế. Trước đó, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn đã liên tiếp ban hành “Các ý kiến hướng dẫn phối hợp phát triển giữa xây dựng thông minh và công nghiệp hóa xây dựng”, “Một sô sý kiến về việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa xây dựng mới”, trong đó đã cụ thể hóa các mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp an toàn, hướng dẫn chính quyền các địa phương xây dựng hệ thống biện pháp hỗ trợ cụ thể  về phê duyệt quy hoạch, cung ứng đất đai, tài chính…để thúc đẩy phát triển mô hình công trình tiền chế. Tháng 11 năm 2022, Văn phòng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn đã ban hành “Danh sách kinh nghiệm tái cấu trúc sản xuất và quảng bá phát triển mô hình công trình tiền chế (đợt 1)”, trong đó tóm tắt tổng hợp các kinh nghiệm thực tiễn về hướng dẫn chính sách xây dựng công trình tiền chế, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển trên phạm vi rộng rãi để tạo hiệu ứng cho việc thí điểm xây dựng các dự án.

Khắp nơi trên cả nước đều đang đẩy mạnh việc phát triển mô hình công trình tiền chế dựa trên điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp phát triển giữa xây dựng thông minh và công nghiệp hóa xây dựng. Thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã triển khai cung cấp các ưu đãi và trợ cấp cho việc xây dựng hệ thống nhà cho thuê giá rẻ theo mô hình nhà tiền chế (bao gồm cả nhà ở tại một số khu vực nông thôn) trên các quận, huyện thuộc địa bàn thành phố. Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã thống kê cụ thể chi phí lắp ráp gia tăng của các dự án thuộc đầu tư chính phủ, từ đó giải quyết hiệu quả các vướng mắc về cơ sở hạch toán đầu tư của các đơn vị thi công. Tỉnh Sơn Đông đã triển khai xây dựng 3 cụm công nghiệp tập trung theo mô hình tiền chế đúc sẵn ở thủ phủ Tế Nam, bán đảo Giao Đông và miền Nam Sơn Đông; xây dựng 34 cơ sở sản xuất cấp quốc gia và 121 cơ sở sản xuất cấp tỉnh cũng theo mô hình tiền chế. Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên tích cực thúc đẩy việc sản xuất các cấu kiện đúc sẵn trong các dự án trên địa bàn thành phố (các bộ phận của mạng lưới đường ống đô thị, hơn 20 điểm nút giao thông đô thị…). Tỉnh Phúc Kiến đã hỗ trợ 9 doanh nghiệp trọng điểm thành lập các cơ sở đào tạo phương pháp xây dựng tiền chế cho đội ngũ công nhân xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 5.500 công nhân xây dựng đã được đào tạo một cách thành thục.

Diện tích của hệ thống công trình tiền chế tại Trung Quốc đã tăng mạnh từ 72,6 triệu m2 năm 2015 lên 740 triệu m2 năm 2021; tỷ lệ các công trình được xây mới theo mô hình tiền chế cũng tăng tương ứng từ 2,7% lên 24,5%. Quy mô của thị trường xây dựng tiền chế quốc gia đã đạt hơn 2 nghìn tỷ NDT, hơn 500 dự án thí điểm công trình tiền chế đã được triển khai, hoàn thiện, 328 cơ sở sản xuất công nghiệp tiền chế đã được vận hành, phát triển. Trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, số lượng các đơn vị sản xuất linh kiện tiền chế đúc sẵn đã tăng từ dưới 200 lên 1.157, quy mô thị trường thiết bị sản xuất và vận chuyển chuyên dụng đã vượt quá 10 tỷ NDT, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các loại hình robot xây dựng và ngành công nghiệp thông tin xây dựng. Chuỗi thiết kế, sản xuất, thi công xây dựng, trang trí nội thất công trình tiền chế và các dây chuyền công nghiệp hỗ trợ có liên quan khác bước đầu được hình thành. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống công trình tiền chế đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi và nâng cấp toàn bộ quy trình kỹ thuật xây dựng, cải thiện chất lượng, trình độ của lĩnh vực xây dựng Trung Quốc theo định hướng xanh, thấp carbon, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Phát triển xanh, thấp carbon dựa trên đổi mới khoa học công nghệ

Ông Diệp Thanh - Chủ tịch Viện nghiên cứu Xây dựng tỉnh Thâm Quyến tự hào khẳng định công trình Jianke Building (Kiến Khoa Đại Lầu) là tòa nhà “biết thở”. Đây là công trình xanh ba sao kiểu mẫu đã áp dụng thành công khái niệm cộng sinh trong toàn bộ quy trình xây dựng từ khâu thiết kế đến vận hành, áp dụng khoảng 40 biện pháp kỹ thuật xanh, bao gồm: thiết kế tiết kiệm năng lượng thụ động, chiếu sáng và thông gió tự nhiên, đất ngập nước nhân tạo, phủ xanh đa chiều và tiết kiệm bổ sung năng lượng gió – mặt trời, tường rèm quang điện, điều hòa nhiệt độ - độ ẩm độc lập…, với mức tiêu thụ tài nguyên tối thiểu, tạo nên một môi trường sống an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình phục hồi môi trường sinh thái, đạt được sự chung sống hài hòa giữa thiên nhiên hoa lá, cây cỏ, côn trùng, chim chóc và con người.

So với các tòa nhà văn phòng cùng loại ở Thâm Quyến, tòa nhà Kiến Khoa có thể giảm bớt chi phí vận hành khoảng 1,5 triệu NDT mỗi năm, trong đó, tiết kiệm khoảng 1,45 triệu NDT chi phí điện, 54.000 NDT chi phí nước, 610 tấn than và 1600 tấn khí thải carbon dioxide.

Các công trình xanh giống như tòa nhà Kiến Khoa đang trở nên ngày càng phổ biến. Trong những năm gần đây, nhờ sự thuận lợi về mặt chính sách, công trình xanh Trung Quốc đã có bước phát triển nhảy vọt. Từ năm 2019, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn đã đề xuất một cách có hệ thống khái niệm, mục tiêu phát triển và tiến trình thực hiện phát triển công trình xanh thông qua bộ giáo trình “Xây dựng đô thị và nông thôn – Cam kết phát triển xanh”. Sau đó, các dự án thí điểm xây dựng xanh đã lần lượt được triển khai tại các tỉnh Hồ Nam, thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), thành phố Thường Châu (tỉnh Giang Tô) để khám phá việc áp dụng hệ thống công nghệ xây dựng xanh trong quản lý, triển khai thực hiện và nghiệm thu đánh giá các công trình, dự án. Đồng thời, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn cũng đã tổ chức biên soạn “Hướng dẫn kỹ thuật Xxy dựng xanh (Thử nghiệm)”, không chỉ cung cấp các hướng dẫn chi tiết cho việc triển khai các dự án thí điểm, mà còn tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển xây dựng xanh trên toàn quốc một cách tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ mạnh mẽ quá trình thực hiện phát triển xanh toàn diện tại Trung Quốc. Tỷ lệ công trình xanh tại các tỉnh, thành phố, thị trấn trong tổng diện tích các công trình xây mới tại Trung Quốc đã tăng mạnh từ 2% năm 2012 lên 77% năm 2020. Hiện tại, mục tiêu đạt 65% mức độ tiết kiệm năng lượng trong xây dựng đã cơ bản đạt được; hơn 10 tỉnh, thành phố, trong đó bao gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh, Giang Tô, Hà Bắc, Sơn Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến đã đặt ra yêu cầu cho các công trình xây mới là phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về công trình xanh. Bắc Kinh, Thượng Hải và một số địa phương khác cũng yêu cầu rằng, các công trình thuộc đầu tư chính phủ và các công trình công cộng lớn phải thực hiện các tiêu chuẩn công trình xanh từ 2 sao trở lên. Giang Tô, Chiết Giang và 15 địa phương khác đã bann hành “Quy định về Công trình Xanh” của địa phương mình cùng một số các văn bản pháp lý để hỗ trợ việc thúc đẩy phát triển công trình xanh. Tính đến cuối năm 2021, có tổng cộng 8,591 tỷ m2 công trình xanh đã được xây dựng trên toàn quốc.



Thi công ốp vật liệu cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng ngoài tường bao của công trình 

Để thích ứng với sự phát triển vượt bậc về công trình xanh Trung Quốc, sự thay đổi mang tính cách mạng trong cơ cấu cung cấp năng lượng công trình và phương pháp ứng dụng, nên các công ty, doanh nghiệp trong toàn ngành xây dựng cần cùng nhau thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật xây dựng, cũng như chuyển đổi và nâng cấp toàn diện chuỗi công nghiệp xây dựng xanh, thấp carbon một cách có hệ thống. Ví dụ, hiện nay độ dày của vật liệu cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng ốp tường đã dày khoảng 15 – 18cm; nếu các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng được nâng cao hơn nữa, tấm “áo khoác” này có thể phải dày thêm, sẽ gây ra nguy cơ bị dễ bị bung, lớp cách nhiệt rơi ra và dễ gây cháy. Vậy nên, trong tương lai, cần phát triển các vật liệu tích hợp mới vừa có tác dụng cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng, nhưng mỏng hơn, chống cháy tốt hơn và có độ bền cao hơn. Ông Ngô Cảnh Sơn - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo tồn năng lượng công trình Trung Quốc cho biết, ngoài vật liệu cách nhiệt, các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thấp carbon khác như cửa ra vào, cửa sổ tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao, bê tông hiệu suất cao, sơn chống thấm cho các khớp xây dựng đúc sẵn…, tất cả đều cần được hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật một cách mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình.

Trang Tin tức Xây dựng Trung Quốc, tháng 12/2023

ND: Ngọc Anh

 

Tin có liên quan

Loading ...