Ngày đăng 19/12/2023 | 12:00 AM

Phương pháp giám sát chất hóa học và ô nhiễm nước ngầm theo quy định châu Âu

(BXD) Nguồn nước ngầm đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động của con người. Ở một số khu vực, mực nước ngầm đã giảm và điều này dẫn đến những tác động tiêu cực đến số lượng và chất lượng nước cũng như các hệ sinh thái quan trọng phụ thuộc vào nước ngầm.

Châu Âu là một châu lục bao gồm rất nhiều quốc gia. Bởi vậy những yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước tại châu Âu cũng vô cùng phong phú như yếu tố: nông nghiệp, xả thải, công nghiệp, khai thác mỏ, và cả yếu tố chính trị. Yếu tố chính trị không kém phần quan trọng, nghe có vẻ không thực tiễn nhưng chính yếu tố này lại có ảnh hưởng nhất định tới chất lượng nước ở một số quốc gia châu Âu. Về cơ bản những quốc gia ở phần hạ lưu các con sông sẽ có chất lượng nước kém hơn và bị những quốc gia ở phía thượng lưu kiểm soát sự có ô nhiễm hay không và ô nhiễm đến mức độ nào. Bởi việc việc tranh chấp hay những bất đồng sẽ dễ dàng xảy ra một khi các nước đều không có những thống nhất chung liên quan tới chất lượng nước này. Ô nhiễm nguồn nước ở châu Âu ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả người dân, thậm chí nguồn nước máy bị nhiễm bệnh có thể gây ra bệnh tật, ốm đau và nhiều vấn đề khác.


Ô nhiễm nước ngầm

Liên minh châu Âu đã ban hành một số chỉ thị nhằm bảo vệ nước ngầm khỏi ô nhiễm và suy thoái: Chỉ thị Khung về Nước, Chỉ thị về Nước ngầm, Chỉ thị Nitrat và Chỉ thị về bãi rác. Năm 2009, EU cũng tài trợ cho một dự án 5 năm có tên GENESIS. Dự án được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Môi trường Na Uy (Bioforsk) và có sự tham gia của 25 đối tác từ 17 quốc gia. Mục tiêu của GENESIS là tích hợp kiến thức khoa học mới và hiện có vào việc phát triển các phương pháp, khái niệm và công cụ để quản lý tốt hơn tài nguyên nước ngầm. Một trong những nhiệm vụ chính của dự án là đưa ra các đề xuất sửa đổi các quy định.

Khung Chỉ thị Nước hiện nay đang liệt kê 45 chất ô nhiễm được gọi là các chất ưu tiên phải xử lý. Để có chất lượng nước tốt, một nguồn nước chỉ được phép chứa một lượng nhỏ các chất này. Tuy nhiên, cũng có hơn 100.000 chất hóa học khác nhau mà chúng ta sử dụng mỗi ngày và cuối cùng đều thải vào nguồn nước. Vì vậy, hầu hết các chất hóa học mà chúng ta sử dụng không được đưa vào Khung Chỉ thị nước của EU. Thực tế là giám sát từng chất một là rất tốn kém, do vậy thường thì người ta bỏ qua phần lớn các hóa chất  có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, hầu hết các chất ưu tiên  phải xử lý đã được loại bỏ không sử dụng nữa và được thay thế bằng các chất hóa học khác với ảnh hưởng giống như những loại kia.

Thêm chất mới vào danh sách là một tiến trình chính trị phức tạp và cồng kềnh. Hơn nữa, khung Chỉ thị cho đến nay đã được giới hạn ở những thử nghiệm các chất riêng lẻ để thành lập tiêu chuẩn cho từng chất. Nhưng, thực tế các chất ô nhiễm không ảnh hưởng đến môi trường riêng lẻ, các độc chất có xu hướng tác động ảnh hưởng lẫn nhau và khi nó kết hợp thì độc tính sẽ còn cao hơn nhiều.

Do đó, các nhà nghiên cứu khuyên rằng, nếu có thể, công tác giám sát của nước chất lượng nên được chuyển từ các phân tích hóa học các chất riêng lẻ sang phương pháp như kiểm tra tổng thể những ảnh hưởng sinh học đến nguồn nước.  Điều này có nghĩa rằng tất cả các chất có tác dụng sinh học sẽ được ghi lại, bao gồm cả các chất hỗn hợp, những phân tích hóa học đắt tiền sẽ chỉ cần áp dụng ở những nơi có ảnh hưởng  vượt quá ngưỡng cho phép.

Liên minh châu Âu đã xây dựng Mô hình phân tích nhận thức DPSIR (Động lực chi phối, Áp lực, Hiện trạng, Tác động, ứng phó) là khuôn khổ phân tích để đạt được mục tiêu trạng thái nước ngầm tốt. Khung này tìm cách phân tích và đánh giá các vấn đề môi trường bằng cách tập hợp các ngành khoa học khác nhau, các nhà quản lý môi trường và các bên liên quan và giải quyết chúng bằng cách kết hợp phát triển bền vững. DPSIR đã được sử dụng để xác định các tác động và áp lực đối với tài nguyên nước ngầm nhằm đạt được mục tiêu có trạng thái tốt trên khắp châu Âu. Theo cách tiếp cận này, ‘Động lực là một hoạt động do con người tạo ra có thể ảnh hưởng đến môi trường; ‘Áp lực’ là tác động trực tiếp”; và 'Tác động' là tác động môi trường của Áp lực. 'Trạng thái' là điều kiện môi trường do Áp lực và 'ứng phó' là các biện pháp được thực hiện để cải thiện Trạng thái.

Mô hình DPSIR mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường), Áp lực (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường), Hiện trạng (hiện trạng chất lượng môi trường), Tác động (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái), Đáp ứng (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).


Sơ đồ mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR

Trong dự án GENESIS, bảy loại chất tự nhiên hoặc tổng hợp đã được phân tích bằng cách sử dụng mô hình DPSIR và đối với mỗi chất, các nguồn ô nhiễm và các lộ trình gây ô nhiễm chính đã được xem xét.

Các chất xuất hiện tự nhiên được đưa vào đánh giá là các nguyên tố vi lượng, hạt nhân phóng xạ và chất dinh dưỡng, tập trung vào việc đánh giá tải lượng nền tự nhiên của chất ô nhiễm. Các nguyên tố vi lượng xuất hiện  trong môi trường và những rủi ro mà chúng gây ra đối với nước ngầm và con người là do nồng độ quá cao. Các hạt nhân phóng xạ tạo thành một thành phần phổ biến, và có khả năng gây hại cho môi trường, vì bức xạ ion hóa có tác dụng gây ung thư và gây đột biến đối với các sinh vật sống. Nhiễm mặn là nguyên nhân chính làm suy thoái chất lượng nước ngầm, đặc biệt là ở các vùng ven biển, trong khi các chất dinh dưỡng (chủ yếu là nitơ và phốt pho) thường có lợi cho sự phát triển của thực vật.

Các chất tổng hợp được xem xét trong dự án GENESIS là thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nông nghiệp và đô thị; các chất có nguồn gốc từ dầu thô; và chất gây ô nhiễm nước thải hữu cơ (OWC's), là những chất gây ô nhiễm nước ngầm mới nổi quan trọng nhất và bao gồm tất cả các hợp chất hữu cơ vi lượng có thể xâm nhập vào nước thông qua hệ thống nước thải.

Mô hình DPSIR hiện tại chưa được triển khai đầy đủ. Mô hình DPSIR yêu cầu phát triển các mô hình khái niệm giải thích nồng độ hóa chất được tìm thấy trong tài nguyên nước ngầm. Điểm khởi đầu của những mô hình như vậy là Động lực tạo ra Áp lực. Các phụ lục của Chỉ thị Nước ngầm, bao gồm các chất cần theo dõi, liệt kê một số hợp chất hoặc nguyên tố. Việc giám sát ô nhiễm nước ngầm trong ngành nông nghiệp, giám sát ít nhất ba loại hợp chất (nguyên tố vi lượng, thuốc trừ sâu và chất dinh dưỡng). Đối với các nguồn ô nhiễm nước ngầm từ hộ gia đình và các ngành công nghiệp khác, các hợp chất chỉ được giám sát bởi các nguyên tố vi lượng và bởi hai phân tử đến từ loại chất gây ô nhiễm dầu thô. Chỉ thị về nước ngầm sửa đổi yêu cầu giám sát nhiều chỉ số hơn đối với ô nhiễm công nghiệp và hộ gia đình.

Hơn nữa, không thể áp dụng mô hình DPSIR cho các chất ô nhiễm mới nổi do thiếu mô hình khái niệm để đánh giá phản ứng tác động. Những chất gây ô nhiễm mới nổi này bao gồm các chất mới (tức là OWC) và các quy trình mới (tức là các nguồn ô nhiễm điểm) mà không thể thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết. Vì vậy, việc nghiên cứu những chất này là rất quan trọng để bảo vệ nước ngầm và nghiên cứu sẽ phải tập trung vào những chủ đề đó trong tương lai.

Giám sát tích hợp cũng yêu cầu tích hợp các mô hình phản ứng tác động (như DPSIR) với các mô hình khái niệm khác nhau để hiển thị những thay đổi tiềm tàng đã biết hoặc dự đoán về tài nguyên nước ngầm, cũng như để cải thiện chính mô hình DPSIR. Đặc biệt, việc bảo vệ nguồn nước ngầm đòi hỏi phải phát triển:

- Các mô hình khái niệm địa chất thủy văn mô tả dòng nước đến và đi từ hệ thống nước ngầm, dòng chảy trong hệ thống, áp lực trong các tầng chứa nước gần đó và trong Hệ sinh thái phụ thuộc nước ngầm (Groundwater Dependent Ecosystems - GDE);

- Các mô hình khái niệm địa hóa mô tả nồng độ điển hình được tìm thấy trong nguồn nước ngầm nông và sâu và trong GDE;

- Các mô hình khái niệm sinh thái liên kết các quá trình quan trọng nhất liên quan đến thủy văn và địa hóa học với hệ thực vật và động vật phù hợp nhất và xác định cách chúng dựa vào các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH và các chất có trong nước ngầm.

Mỗi thành phố châu Âu đều có các quy định, luật và hướng dẫn khác nhau giúp cải thiện nguồn nước. Tùy thuộc vào từng khu vực mà những quy định đó có thể rất nghiêm ngặt hay lỏng lẻo. Điều quan trọng là những cư dân sống ở những khu vực có quy định lỏng lẻo hơn nên có động thái tác động tới chính quyền địa phương để khuyến khích họ áp dụng những chính sách chất lượng nước tốt hơn. Đây là cách duy nhất  để có thể cải thiện nguồn nước  đáng kể trên toàn châu Âu.

Nguồn: https://www.globalwaterforum.org/

ND: Mai Anh

Admin

Tin có liên quan

Loading ...