Ngày đăng 13/12/2023 | 12:00 AM

Định dạng cuộc sống: Ảnh hưởng của khí hậu tới kiến trúc

(BXD) Ở mức độ đáng kể, cách sống của mỗi người phụ thuộc vào thành phố, quốc gia và khí hậu, phong tục và văn hóa, chứ không phải là căn hộ của mình. Mỗi người đều có quyền mơ ước về những định dạng khác của cuộc sống, so với hiện thực - Địa Trung Hải, châu Âu hay vùng nhiệt đới. Bài viết này sẽ xem xét ảnh hưởng của các hình thái khí hậu khác nhau tới lối sống, phong cách sống tại các khu vực khác nhau trên thế giới, đồng thời tổng hợp những giải pháp tiện nghi và sáng tạo nhất cho cuộc sống của người dân bản địa.

Khí hậu Địa Trung Hải: mặt trời và biện pháp tránh nắng

Có lẽ hấp dẫn nhất trong các hình thái khí hậu là khí hậu Địa Trung Hải. Với mùa hè dài và khô, mùa đông ngắn, mùa thu và mùa xuân ấm áp, kiểu khí hậu nơi đây cũng có những đặc điểm không dễ chịu chút nào. Chẳng hạn, mưa nhiều trong khoảng thời gian tháng 11-tháng 1, trong khi đó từ tháng 6 - tháng 8 lại không có giọt mưa nào, độ ẩm cao và gió mạnh. Vào mùa đông nhiệt độ trung bình +10 - +15°c, vào mùa hè +30°C, vào mùa xuân và mùa thu khoảng +18 - +25°.Tây Ban Nha,Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, California và đông nam Australia đặc trưng bởi nền nhiệt độ này.

Sân thượng của một căn hộ, bao quanh bởi những bức tường bê tông trong tòa chung cư ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Nóng, rất nóng = sân thượng, bể bơi và đài phun nước lớn, cửa sổ nhỏ

Một trong những đặc điểm về mặt thẩm mỹ của kiến ​​​​trúc Địa Trung Hải là sự đa dạng của ban công, sân thượng, hàng hiên và các sân nhỏ bên trong, với số lượng lớn và những kiểu thiết kế thú vị có thể thu hút bất kỳ du khách nào. Tuy nhiên, về bản chất, các hạng mục này xuất hiện bởi nếu không sẽ không thể sống trong khu vực khí hậu như vậy. Trong những thiết kế hiện đại, khái niệm này được mở rộng hơn.

Kiến trúc điển hình một biệt thự tư nhân ở Ma rốc, với bể bơi, đài phun nước trang trí cho sân trong

Tháng 7 và tháng 8 ở Địa Trung Hải ngột ngạt, đôi khi không khí vô cùng ẩm ướt, vì vậy ở trong phòng ngay cả khi có điều hòa cũng gặp nhiều vấn đề. Phương án tốt nhất là không khí trong lành ngoài hiên nhà (sân thượng, lô gia được bao bọc bởi ba hoặc tốt nhất là bốn bức tường bê tông lớn). Ngoài ra còn có sự góp mặt của các hồ bơi và đài phun nước (thông thường làm tiểu cảnh trang trí sân sau, sân trong và sân thượng). Ngâm mình hàng giờ đồng hồ trong bể nước sẽ là một điều xa xỉ đối với cư dân Bắc Âu, song đối với người dân Địa Trung Hải nếu mong muốn mức tiện nghi sống cao, đơn giản đây là điều bắt buộc. Còn những cửa sổ nhỏ với rèm cửa dày giúp cư dân ẩn tránh cái nắng chói chang bên ngoài vào tháng 7-8 hàng năm.

Trong các thiết kế nhà chung cư và biệt thự tư nhân hiện đại, những vấn đề này được giải quyết theo nhiều cách. Trước hết, các sân thượng ngày càng trở nên rộng rãi hơn đồng thời được che tránh ánh nắng mặt trời, và số lượng sân thượng cũng ngày càng tăng. Trong một căn hộ ba phòng rộng 100 m2 được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2020) có thể có từ 3 đến 4 ban công / sân thượng / lô gia.

Kiến trúc hiện đại một tòa nhà dân cư ở Tây Ban Nha, với các sân thượng được che nắng bởi những mái hiên bê tông nhô ra

Tiếp theo, lắp kính toàn cảnh được tất cả người dân mong muốn, với cửa chớp kim loại tự động có thể cản 90% ánh sáng mặt trời, điều này quan trọng hơn nhiều so với sự riêng tư trong điều kiện khí hậu như vậy.

Cuối cùng, hệ thống điều hòa không khí tập trung giúp đảm bảo sự tiện nghi cần thiết, thậm chí sưởi ấm trong mùa đông, bởi 99,9% ngôi nhà ở Địa Trung Hải không có hệ thống sưởi tập trung, trong khi mùa đông ở đây nhiệt độ về đêm có thể giảm xuống +5 oC thậm chí 0oC.

Không cần hệ thống sưởi tập trung = xây dựng thấp tầng

Kiến trúc điển hình của quận Yeouido - dong, Seoul, Hàn Quốc

Một yếu tố quan trọng khác của khí hậu Địa Trung Hải cũng ảnh hưởng đáng kể tới kiến ​​trúc hiện đại. Do thành phố không cần thực hiện hệ thống sưởi tập trung đắt tiền nên các tòa nhà thấp tầng (tới 5–6 tầng) phổ biến hơn cả, kể cả các tòa nhà nhiều căn hộ. Yếu tố này được thúc đẩy hơn bởi mong muốn xây những ngôi nhà có khả năng kháng chấn, cũng như do địa hình tương đối phức tạp, không cho phép bố trí một mặt bằng lớn để xây dựng những tổ hợp nhà ở to cao.

Theo đó, xây dựng thấp tầng + địa hình trở thành một trong những tài nguyên kiến trúc của khu vực Địa Trung Hải. Nhà ở đây rất nhiều, nhỏ và có ngoại thất khá đa dạng. Đối với người dân địa phương, những điều kiện tự nhiên hoàn toàn không được coi là lợi thế, mà là điều cần phải chung sống.

Một nhà chung cư thấp tầng ở Thụy Sĩ

Khí hậu ôn hòa và lạnh: vấn đề  và sự đổi mới để thích nghi

Khí hậu ôn hòa và lạnh chiếm ưu thế ở Nga và hầu hết các nước châu Âu. Bốn mùa được phân biệt rõ ràng - mùa hè không quá nóng, mùa xuân mát mẻ, mùa thu lạnh và mùa đông rất lạnh.

Vùng khí hậu ôn đới có nhiệt độ về mùa đông ấm hơn, khoảng -5°- 0°C, còn khí hậu lạnh có nhiệt độ mùa đông trung bình khoảng -15°C. Vương quốc Anh, Canada và miền bắc Hoa Kỳ, Scandinavia, Đức, Nga, Belarus và Ukraine có cả hai hình thái khí hậu này. Trên thực tế, nhiệt độ gần như ở khoảng +5°C trong suốt mùa đông ở Berlin và -5° ở Moskva, song các vấn đề và giải pháp tại các khu vực này tương tự nhau.

Tòa nhà chung cư được lắp kính toàn cảnh ở Malmö, Thụy Điển 

Khí hậu lạnh = sưởi ấm tập trung

Hệ thống sưởi tập trung được tất cả người dân Nga coi là một điều hiển nhiên, bình thường trong căn hộ. Trên thực tế, đây là một ưu điểm lớn tạo điều kiện sống tiện nghi trong mùa đông lạnh giá. Thụy Điển mới bắt đầu chuyển sang sử dụng hệ thống sưởi tập trung vào những năm 1990, do khói bụi từ bếp lò và đốt than, củi và những nguyên liệu kém thân thiện với môi trường hơn nhiều ở các thành phố, khiến cho không khí trở nên khó thở.

Chính sự phát triển theo mô hình các hệ thống kết nối trung tâm đã tạo nên thành phố như hiện nay. Các giải pháp tập trung được thực hiện ở Nga, các nước thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã thúc đẩy việc giảm chi phí và có được số lượng tối đa các căn hộ riêng biệt được sưởi ấm trong thành phố. Bằng cách này, Nga đã phát minh hệ thống sưởi dưới sàn trong các căn hộ vào mùa đông sớm hơn nhiều (tới nửa thế kỷ) so với các nước khu vực bán đảo Scandinavia, Canada hay Vương quốc Anh.

Västra Hamnen (Thụy Điển)  sự kết hợp giữa kiến ​​trúc hiện đại và bền vững môi trường, là khu vực trung hòa carbon đầu tiên của châu Âu

Diện tích lắp kính lớn, sự bất đối xứng trong sơ đồ các tầng cùng với bố cục linh hoạt sẽ giúp giảm tải cho vấn đề. Tất cả những giải pháp trên sẽ mang lại nhiều khả năng thiết kế nội thất trong căn hộ, giải tỏa sự “nặng nề” của những mặt dựng kiên cố.

Mùa hè ngắn = không có ban công và sân thượng

Do khí hậu lạnh, cư dân các nước phía Bắc dành ít thời gian ở ngoài trời hơn nên bước đầu tiên trong xây dựng nhà ở dạng tiết kiệm là tối ưu hóa diện tích ban công và sân thượng. Trong nhiều tòa nhà mới ở Moskva thậm chí không có tầng một - tầng này được thay thế bằng ban công kiểu Pháp. Các thành phố có khí hậu lạnh có ít cây xanh và oxy, cũng ảnh hưởng đến lối sống của người dân. Vấn đề ở đây là lấy đâu ra đất để trồng cây, khi chỉ một khu đất trồng cây xanh trong khu dân cư có thể tốn hàng triệu euro.

Malmö (Thụy Điển) đã có cách giải quyết vấn đề này. Quận Augustenborg là một trong những khoản đầu tư lớn nhất ở châu Âu cho chuyển đổi sinh thái từ khu dân cư hiện hữu. Năm 2010, Augustenborg đã nhận Giải thưởng Thế giới của Liên Hợp quốc cho 10.000 mái nhà xanh có tác dụng ngăn chậm ngập lụt bằng cách hấp thụ nước mưa. Ngoài ra, cây cối còn tạo ra oxy, và mái nhà không chiếm diện tích như công viên hay tốn nhiều chi phí xây dựng như ban công. Augustenborg vốn nhiều tòa nhà 5 tầng như các tòa chung cư “khrushov” của Liên Xô cũ. Quận cũng thực hiện một dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, lắp đặt các tấm pin mặt trời quang điện lên tất cả các tòa nhà công và cả tòa nhà tư nhân. Hơn 70% rác thải ở đây được thu gom để tái chế.

Nhưng cũng có một phương án thay thế để xây ban công và sân thượng, tương tự những sân trong của các khu vực có khí hậu Địa Trung Hải. Đó là những dãy các ban công bên trong, về chức năng thay thế nhiều hành lang. Một khu vườn xanh được tạo ra ở tầng một để cung cấp oxy cho không khí. Đây là cách thiết kế thường bắt gặp của các trung tâm thương mại.

Gió lạnh, bão tuyết = cửa sổ nhỏ

Cửa sổ nhỏ ở vùng khí hậu ấm áp là để giảm sức nóng, còn ở vùng khí hậu lạnh là để bớt lạnh. Tuy nhiên, vấn đề được giải quyết ở các nơi theo những cách riêng. Hiện nay, lắp kính toàn cảnh ở vùng khí hậu lạnh không còn là mơ ước. Cửa sổ kính hai lớp tiết kiệm năng lượng và hệ thống sưởi dưới sàn, hoặc bộ đối lưu được tích hợp trong sàn nhà (để không cản tầm nhìn qua cửa sổ toàn cảnh) đã biến điều này thành hiện thực.

Mức tiêu thụ năng lượng cao do lạnh = nỗ lực trung hòa carbon

Không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là mục tiêu được các nước phát triển và lạnh nhất nỗ lực hướng đến, bởi tại các quốc gia này mức tiêu thụ cao đến mức có nguy cơ ảnh hưởng đến bền vững khí hậu toàn Trái đất. Ví dụ, thành phố Växjö ở miền Nam Thụy Điển đặt mục tiêu hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Thành phố sử dụng hệ thống làm mát, điều hòa không khí và sưởi ấm tập trung, xây dựng các tòa nhà gỗ tiết kiệm năng lượng; các phương tiện giao thông công cộng hoạt động nhờ biogas và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Thành phố cũng đang thúc đẩy việc đi xe đạp và khuyến khích làm vườn đô thị ở trung tâm thành phố. Từ năm 2014, Växjö đã đạt chỉ tiêu 2,4 triệu tấn khí thải CO2 bình quân đầu người (thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của EU là 7,3 tấn trong cùng năm). Chìa khóa thành công của Växjo trong việc giảm lượng khí thải CO2 là hơn 90% năng lượng được sử dụng để sưởi ấm trong thành phố và khoảng một nửa lượng điện được tạo ra đều đến từ cây xanh. Chất thải từ ngành lâm nghiệp địa phương (cành cây, vỏ cây và mùn cưa) được đốt để tạo nhiệt và điện.

Hệ thống sưởi ấm tập trung = mật độ dân cư cao

Mật độ dân cư cao đồng nghĩa với việc thiếu không gian xanh, diện tích lớn bị chiếm dụng bởi bãi đỗ xe và các thùng rác, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc và khói thải. Trên thực tế, các thành phố cần được trang bị các hệ thống tiện ích đắt tiền, mà trước hết là hệ thống sưởi tập trung, do đó cần xây những tòa nhà cao hơn, có nhiều căn hộ hơn và bố trí các tòa nhà gần nhau hơn.

Malmö và khu vực xung quanh tiếp tục tích cực chống lại quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến ​​bền vững mang tính đổi mới và hướng tới tương lai.

Västra Hamnen (West Harbour) là sự kết hợp giữa kiến ​​trúc hiện đại và sự bền vững về môi trường, được coi là khu vực trung hòa carbon đầu tiên của châu Âu. Khu vực được chuyển đổi từ một xưởng đóng tàu cũ đã áp dụng hệ thống sưởi và làm mát thông minh vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo; có hệ thống quản lý chất thải cải tiến sử dụng lực hút chân không để vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bể chứa trung tâm dưới lòng đất. Nhờ vậy, xe chở rác hầu như không đi qua các khu dân cư. Ngoài ra, chất thải thực phẩm được thu gom và chuyển đổi thành biogas để cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông công cộng.

Nguồn: emagazine Design-mate.ru 2022

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...