Ngày đăng 01/12/2023 | 12:00 AM

Hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Hà Nội và một số khuyến nghị về chính sách

(BXD) Như nhiều đô thị khác trên thế giới, thủ đô Hà Nội đã và đang phải đối mặt với vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt do tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ. Theo thống kế của Sở Xây dựng Hà Nội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố hiện nay khoảng 3,2 triệu tấn/năm, tương đương với lượng thải 8.500 tấn/ngày. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá lại toàn bộ và đưa ra một bức tranh tổng quan về quản lý chất thải rắn sinh hoạt là hết sức cần thiết nhằm đề xuất các giải pháp để đảm bảo cho hệ thống quản lý được bền vững.

Năm 2020, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố là xấp xỉ 3,1 triệu tấn/ năm, tăng 2,1 lần so với so với năm 2010. Tốc độ tăng trung bình hàng năm chất thải rắn sinh hoạt là 10,8%/ năm, trong khi số liệu này trên cả nước là gần 10%/ năm.

Hà Nội đang gặp nhiều thách thức trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo đánh giá của TS. Ngô Thanh Mai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện trạng trên bắt nguồn từ 3 lý do: tăng trưởng kinh tế làm tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố, khi thu nhập tăng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều hàng hóa/dịch vụ, do vậy khối lượng chất thải rắn sinh hoạt gia tăng tương ứng; quá trình đô thị hóa và tốc độ gia tăng dân số nhanh đã hình thành các điểm dân cư tập trung, các trung tâm thương mại, các văn phòng, các khu công nghiệp, làm phát sinh lượng chất thải rắn sinh hoạt; thói quen giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải chưa được hình thành ở nhiều nơi.

Thực tế hiện nay, như các địa phương khác, công tác phân công, phân nhiệm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hà nội vẫn còn những bất cập, chồng chéo, khi Sở Tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ đầu mối quản lý chất thải rắn. Trong khi đó, Sở Xây Dựng là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước trong quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt. UBND các quận/huyện cũng đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên toàn thành phố Hà Nội hiện nay đạt 85,5%, tương ứng với khối lượng thu là 7.300 tấn/ngày. Tuy vậy, tỷ lệ thu gom có sự cách biệt theo phạm vi không gian, cụ thể, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm đạt 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 88-89%. 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đúng tiêu chuẩn; trong đó khối lượng rác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được phân luồng về tiếp nhận, xử lý tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (khoảng 5.500 tấn/ngày) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (khoảng 1.500 tấn/ngày).

Vận chuyển rác thải là hoạt động có tính liên kết dọc với phân đoạn thu gom. Thông thường, các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom rác thải sẽ đồng thời cung ứng dịch vụ vận chuyển để lấy nguồn lợi từ hoạt động này bù đắp cho sự thiếu hụt trong dịch vụ thu gom. Hoạt động này sẽ được thực hiện dựa trên thỏa thuận/hợp đồng giữa Sở Xây dựng và chủ thể cung ứng. Nguồn thu của các doanh nghiệp đến từ kinh phí ngân sách địa phương chi trả cho vận chuyển. Doanh thu từ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là tương đối tốt; đặc biệt đối với các doanh nghiệp tham gia cả quá trình thu gom rác thải.

Đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do UBND thành phố quy định. Các doanh nghiệp vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không chịu phí xử lý khi đổ rác tại các khu xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển không hề dễ dàng để các nhà cung ứng có thể gia nhập thị trường. Một số rào cản có thể nhận thấy: nguồn chất thải rắn sinh hoạt không tập trung; khối lượng và thành phần chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng; chi phí nhân công và nhiên liệu ngày càng cao; chủ thể phải có đủ phương tiện kỹ thuật và nhân lực với trình độ nhất định để cung ứng dịch vụ.

Hiện nay, khá ít doanh nghiệp tham gia phân đoạn xử lý chất thải rắn, do đầu tư cho khu xử lý đòi hỏi nguồn tài chính lớn, công nghệ hiện đại và nhân lực có trình độ để vận hành công nghệ. Hiện tại, trên địa bàn thành phố, URENCO vẫn là chủ thể chính tham gia phân đoạn này. Một vài đơn vị thực hiện công tác xã hội hóa môi trường đang được khuyến khích tham gia; song do cơ chế, chính sách chưa phù hợp và các rào cản lớn về nguồn vốn và công nghệ nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, áp lực gia tăng chất thải là một vấn đề lớn cần phải giải quyết cho mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững. Trước áp lực gia tăng lượng chất thải, thành phố Hà Nội đặt ra các mục tiêu cho hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, vào năm 2030, hoạt động phân loại đạt 100% chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị, 90% ở nông thôn. Tỷ lệ thu gom đặt ra cho 2 khu vực đô thị và nông thôn lần lượt là 90 - 100% và 80 - 95%.

Nguồn tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, nguồn tài chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải gia tăng tương ứng với khối lượng chất thải rắn. Mặc dù chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ 1% thu ngân sách Nhà nước, nhưng nguồn tài chính này không đủ để bù đắp toàn bộ chu trình khép kín của quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Điều đó, đòi hỏi nguồn vốn cần phải được bổ sung từ các chủ thể khác trong xã hội, và được đặt trong danh mục Xã hội hóa. Nguồn vốn này không chỉ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra cơ hội cung ứng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công

TS. Ngô Thanh Mai cho biết, mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển ở Hà Nội hiện nay khá thấp, chỉ chiếm từ 0,1 - 0,2% tổng thu nhập của hộ gia đình; trong khi đó, mức giá trung bình ở các thành phố trên thế giới đạt tỷ lệ xấp xỉ 1% thu nhập hộ gia đình. Do vậy, mức giá này nên cân nhắc điều chỉnh theo chu kỳ từ 2 - 3 năm để phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, phù hợp với nhu cầu cải thiện chất lượng dịch vụ công của người dân khi mà chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Trong tương lai, giá sẽ tiếp tục được điều điều chỉnh theo lộ trình phù hợp với mục tiêu là bù đắp toàn bộ chi phí chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm cả thu gom, vận chuyển và xử lý).

Về cách thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt: thu đầy đủ giá dịch vụ cũng là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo nguồn thu cho nhà cung cấp. Bản chất của dịch vụ môi trường là hàng hóa công cộng. Nếu hộ gia đình không đóng tiền, họ vẫn có thể vứt rác ở những khu đất trống và hoạt động thu gom vẫn phải thực hiện vì rác thải có thể gây ra ngoại ứng tiêu cực. Kinh nghiệm của một số cộng đồng tại Inđonesia cho thấy, nếu gắn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển với hóa đơn tiền điện, nước thì tỷ lệ chi trả của hộ gia đình tăng lên rất cao vì điện và nước là hàng hóa có khả năng loại trừ. Nếu hộ gia đình không trả tiền, họ sẽ bị cắt điện hoặc nước. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích hợp phí nước thải trên hóa đơn tiền nước. Do vậy, việc tích hợp giá dịch vụ thu gom, vận chuyển vào hóa đơn điện/nước hoàn toàn mang tính khả thi.

Về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển nên được thiết kế một cách linh hoạt tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng và của từng địa phương. Thực tế cho thấy phí vệ sinh - nay được được đổi thành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển có một số tồn tại, trong đó tập trung chủ yếu là giá còn thấp, cứng nhắc, chưa bù đắp chi phí cho nhà cung ứng dịch vụ. Hoàn thiện giá thu gom, vận chuyển cần được thực hiện theo hướng tạo sự thuận lợi trong quản lý nhưng đồng thời cũng tăng cường chủ động cho các nhà cung cấp dịch vụ. Điều này có nghĩa là Chính phủ chỉ nên đưa mức giá "sàn"; UBND tỉnh/thành phố quyết định mức mức giá dựa theo điều kiện thực tế ở từng địa phương. Mức giá cụ thể sẽ do tổ chức cung cấp dịch vụ đưa ra trên cơ sở đồng thuận giữa bên cung ứng và người sử dụng dịch vụ tùy theo bối cảnh từng nơi, trong đó bao gồm cả trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên.

TS. Ngô Thanh Mai cũng đưa ra một số khyến nghị về nâng cao nhận thức cộng đồng nâng cao nhận thức cho cộng đồng là giải pháp cần thiết và đặc biệt quan trọng để đạt được sự thành công cho mô hình chất thải rắn sinh hoạt. Giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng bao gồm: đa dạng hóa nội dung tuyên truyền; cải thiện hình thức và cách truyền đạt; mở rộng phạm vi nhóm đối tượng mục tiêu. Để việc tuyên truyền đạt đúng mục tiêu, nội dung tuyên truyền cần khẳng định: Mục đích của quản lý chất thải rắn sinh hoạt là vì sức khỏe của người dân đặc biệt là đối với với người nghèo/người có thu nhập thấp; và vì mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường.

Ngoài ra, nội dung tuyên truyền có thể lồng ghép các lợi ích hộ gia đình được thụ hưởng như: cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Khi lợi ích của người dân được quan tâm thì họ sẽ nỗ lực tham gia để chia sẻ những khó khăn trong quá trình quản lý. Chú trọng cải thiện hình thức và cách tuyên truyền nâng cao nhận thức, mở rộng đối tượng, mục tiêu tuyên truyền.

Như vậy, có thể thấy hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố Hà Nội đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Do đó các khuyến nghị tập trung vào việc ban hành các chính sách mới, về kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng để tạo nền tảng pháp lý chắc chắn cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời huy động các nguồn lực tài chính để đổi mới hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt… nhằm hoàn thiện các giải pháp để mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở thành phố Hà Nội vận hành một cách bền vững.

Đình Hà

Tin có liên quan

Loading ...