Ngày đăng 10/11/2023 | 12:00 AM

Sự tương tác giữa công trình và cảnh quan tự nhiê

(BXD) Trong văn hóa Nhật Bản, ảnh hưởng của các quan điểm tôn giáo và triết học đã hình thành lối ứng xử đặc biệt đối với thiên nhiên, và về cơ bản cho tới nay vẫn không thay đổi. Thần đạo - tôn giáo truyền thống của Nhật Bản, gắn liền với việc thần thánh hóa sức mạnh thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên. Với sự truyền bá của Phật giáo, thiên nhiên trở thành “người đối thoại và cố vấn cho những người mong muốn biết chân lý”. Khác với quan điểm của phương Tây, trong đó con người nhiều khi tự cho mình quyền quản lý hoặc kiểm soát thiên nhiên, người Nhật quan niệm “lý tưởng mà con người cần hướng đến không phải là chinh phục thiên nhiên mà sống như một phần của thiên nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên ”. Mặc dù khái niệm “văn hóa” được xem như phản đề của khái niệm “thiên nhiên”, song nét đặ

Từ xa xưa, người Nhật đã xây nhà theo nguyên tắc cấu trúc tạm, từ những vật liệu tự nhiên có ở xung quanh. Điều này liên quan tới lối sống dựa trên lời dạy của nhà Phật về sự vô thường và mong manh của vạn vật, đồng thời phải đối mặt thường xuyên với thiên tai, sau đó liên tục xây dựng lại nhà cửa. Đây là lý do cho việc lựa chọn vật liệu đặc trưng cho các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản là gỗ, rơm rạ, giấy, có thể dễ dàng nhận ra khi hư hại. Người Nhật coi trọng sự hấp dẫn về mặt xúc giác và thị giác của các vật liệu tự nhiên, vì họ đã quen sống cộng sinh với thiên nhiên. Quan hệ tương tác giữa thiên nhiên xung quanh và ngôi nhà cũng đạt được nhờ tính mở, được tăng cường hơn bởi: các vách ngăn trượt bằng giấy (mà thực tế không ngăn cách người ở trong khỏi ánh sáng, âm thanh, mùi vị và các hiện tượng khác của môi trường bên ngoài; engawa - không gian trung gian có vai trò hợp nhất nội thất ngôi nhà và vườn; các thủ pháp về mặt thị giác, chẳng hạn “phong cảnh vay mượn” (shakkei - thủ pháp tích hợp phong cảnh bên ngoài xung quanh khu vườn vào cảnh quan của chính khu vườn).

Trung tâm Đào tạo Rolex thuộc trường Bách khoa  de Lausanne, Thụy Sĩ 

Nguyên tắc kết nối giữa tòa nhà và cảnh quan đã được các bậc thầy Nhật Bản phát triển qua nhiều thế kỷ. Nhiều hình thức nghệ thuật và kiến ​​trúc truyền thống Nhật Bản trong thế kỷ XX đã được F.L. Wright xác định là "hữu cơ", có ảnh hưởng đáng kể đến lý thuyết cũng như thực tiễn của phương Tây và góp phần hình thành nền tảng của "kiến trúc hữu cơ".

Trong thế kỉ XXI, mật độ dân số cao, theo đó giá đất tại các thành phố lớn trở nên đắt đỏ, buộc các kiến ​​trúc sư tìm kiếm các giải pháp mới,  phi chuẩn để bố trí vườn và công viên, chẳng hạn vận dụng các yếu tố của vườn thẳng đứng hoặc vườn trên mái. Tại Nhật Bản, nơi mật độ xây dựng cao kết hợp với những hạn chế về mặt tự nhiên (địa hình phức tạp, vị trí trên các hòn đảo), việc sử dụng các biện pháp phủ xanh trong kiến ​​trúc đang phát triển đặc biệt mạnh. Giảm khoảng cách giữa thiên nhiên và con người là một trong những nhiệm vụ của kiến ​​trúc hiện đại. Sự cộng sinh của tòa nhà và các yếu tố xanh không phải là phương pháp duy nhất thường gặp trong thực tế. Việc phân tích và phân loại các thủ pháp mà các kiến ​​trúc sư Nhật Bản áp dụng sẽ giúp hiểu rõ hơn thiết kế các công trình kiến ​​trúc mới.

Tòa nhà River tại Grace Farms, New Canary (Mỹ) là một dải hẹp uốn lượn theo sự thay đổi địa hình của ngọn đồi 

Trung tâm Đào tạo Rolex thuộc trường Bách khoa  de Lausanne ở Thụy Sĩ, do Văn phòng kiến ​​trúc Nhật Bản SANAA thiết kế vào năm 2010 đã minh họa cho cách một công trình kiến ​​trúc có thể trở thành địa hình sinh học nhân tạo, trong trường hợp này là trên địa hình bằng phẳng. Hình dạng mềm mại, lắp kính nhiều cho phép tạo nhiều không gian bên trong khác nhau. Các mặt phẳng nghiêng được sử dụng tích cực trong nội thất của tòa nhà; nhờ đó, không chỉ các mặt dựng mà cả nội thất cũng trở nên giống với bề mặt Trái đất.

Namba Park - “hẻm núi” xanh mát giữa lòng đô thị Osaka sầm uất

Một hình thức khác để mô phỏng địa hình là sử dụng sân thượng, ví dụ: tòa nhà Hisao & Hiroko Taki Plaza của Viện Công nghệ Tokyo, do Kengo Kuma & Associates thiết kế năm 2020. Hình khối kiến ​​trúc mô phỏng địa hình của đồng bằng sông. Phần lớn tòa nhà nằm dưới lòng đất để không ảnh hưởng đến cảm nhận trực quan về công trình lịch sử ở gần đó. Mái nhà với các yếu tố phủ xanh, còn có thể sử dụng làm khán đài. Cấu trúc bậc thang dẫn vào các phòng dưới lòng đất, cho phép tiến hành đồng thời nhiều sự kiện ở các mức khác nhau. Bằng cách này, sự thống nhất giữa không gian bên ngoài (trên mặt đất) và bên trong (ngầm dưới đất) của cả tòa nhà đã đạt được.

Tổ hợp Shanghai Greenland Center nằm phía trên một trong những ga tàu điện ngầm lớn nhất Thượng Hải, Trung Quốc

Trong một dự án khác của SANAA hợp tác với OLIN - khối nhà River tại trung tâm Grace Farms, New Canary (Mỹ) được khánh thành năm 2015 - môi trường tự nhiên đóng vai trò chủ đạo trong không gian. Tòa nhà là một dải hẹp uốn lượn theo sự thay đổi địa hình của ngọn đồi. Các cột mảnh mai và tường kính khiến khối nhà gần như “không trọng lượng”, tạo sự tương phản với khu rừng rậm rạp xung quanh. Công trình không thu hút sự chú ý mà ngược lại, nhấn mạnh tính hùng vĩ của thiên nhiên xung quanh.

Dạng tương tác thứ hai giữa các mô típ tự nhiên và đô thị là sử dụng các yếu tố phủ xanh khác nhau. Trong dự án Công viên Miyashita ở Shibuya năm 2020, các kiến ​​trúc sư của Nikken Sekkei đã vận dụng phủ xanh theo phương thẳng đứng để tạo không gian công cộng trong điều kiện đô thị chật hẹp. Dự án đề xuất tái thiết một công viên phía trên bãi đỗ xe đa mức, cạnh tuyến đường sắt. Không gian thương mại và khách sạn được bổ sung cho các chức năng vốn có. Các dây leo trên mái vòm trang trí đã trở thành yếu tố xanh cơ bản. Sự kết nối của công trình với khu vực xung quanh được đảm bảo bằng các cầu dành cho người đi bộ và cầu thang.

Gian trưng bày trong công viên Wijversburg (Hà Lan) có thiết kế gần như hòa làm một với cảnh quan tự nhiên xung quanh

Bố trí nhiều bụi cây hoặc cây có kích thước lớn trên mái nhà và sân thượng - về nguyên tắc - đi liền với gia tăng tăng độ phức tạp của các kết cấu của tòa nhà. Tuy nhiên,  hình thức phủ xanh này được các kiến trúc sư Nhật Bản tích hợp nhuần nhuyễn vào hình khối kiến ​​​​trúc. Ví dụ nổi bật là dự án tổ hợp Namba Parks tại một khu vực đông dân cư, thành phố Osaka (thiết kế của The Jerde Partnership). Trên mái của tổ hợp là công viên cây xanh, bên dưới là trung tâm thương mại. Về phía đông, công viên tiếp giáp với cao ốc văn phòng và tòa nhà công cộng cao tầng, về phía tây là đường ray xe lửa. Tổ hợp cao tám tầng so với mặt phố. Hình ảnh hẻm núi được lấy làm nền cho bố cục thiết kế. Công viên có nhiều không gian chức năng để trình diễn, nghỉ ngơi yên tĩnh và dạo bộ, và một khu vườn công cộng. Cây cối và ao hồ trên mái được cung cấp nước từ nước thải đã qua xử lý của các nhà hàng trong tổ hợp.

Một hình thức phủ xanh đơn giản hơn về đặc điểm kết cấu là sử dụng thảm cỏ phủ mái tòa nhà. Tổ hợp Shanghai Greenland Center ở Trung Quốc, do Văn phòng kiến ​​trúc Nhật Bản Nikken Sekkei thiết kế vào năm 2017, là một ví dụ điển hình. Tổ hợp nằm phía trên một trong những ga tàu điện ngầm lớn nhất ở Thượng Hải. Tổ hợp gồm các tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở. Ý tưởng cơ bản là kết nối không gian tự nhiên và không gian đô thị. Mái xanh của tổ hợp được chia thành các tầng sân thượng.

Tổ hợp Grin Grin Park ở Fukuoka với lối kiến trúc phỏng sinh học, mái phủ thảm cỏ xanh và mô phỏng mặt nước.  

Việc đưa các công trình nước vào cấu trúc quy hoạch - kiến ​​trúc của tòa nhà giúp tạo ra các vùng có vi khí hậu độc đáo trong môi trường đô thị. Đối với dự án Canal City Hakata  ở Fukuoka, các kiến ​​trúc sư của Văn phòng kiến trúc Jarde đã đưa ra một giải pháp thú vị - biến dòng kênh nhân tạo thành trục của tổ hợp văn phòng - thương mại mới. Vòng cung của con kênh được bao quanh bởi các tường phủ xanh thẳng đứng của tổ hợp. Việc sử dụng các yếu tố tự nhiên và hình dạng tầng bậc của các tòa nhà khiến địa điểm trông không khác hẻm núi tự nhiên. Không gian mặt nước còn được sử dụng  như một phần diện mạo kiến ​​trúc của tòa nhà. Gian trưng bày trong công viên Wijversburg (Hà Lan), do KTS. Nhật Bản Junya Ishigami và Studio Maks thiết kế năm 2017, nhờ sử dụng kính màu nên gần như hòa làm một với cảnh quan xung quanh. Tại điểm tiếp xúc giữa hình khối kiến ​​trúc và hồ nước, hai bề mặt phản chiếu được hình thành - gương nước và kính màu, tạo nên ảo ảnh về tính liên tục của không gian xanh trong công viên. Ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên xung quanh còn được thể hiện qua hình dáng gian hàng, được hình thành bởi ba đường thẳng: bờ hồ, mép tầng trệt trước biệt thự và đường nâng dần lên của địa hình.

Đôi khi các kiến ​​trúc sư chủ định tạo sự đối lập giữa các yếu tố đô thị và các yếu tố thiên nhiên. Trong trường hợp này, cảm nhận về cảnh quan thiên nhiên được tăng cường nhờ tương phản với công trình nhân tạo. Bảo tàng Nghệ thuật POLA ở Kanagawa (thiết kế của Nikken Sekkei) tương phản về màu sắc với mảng rừng xung quanh. Những bức tường bê tông bên cạnh màu sắc phong phú của cây cối dường như càng nổi bật sắc trắng thuần khiết. Tuy nhiên về mặt hình thức kiến ​​trúc, các giải pháp sơn đã được lựa chọn: các hình dạng hình học đơn giản không có các yếu tố trang trí nhỏ. Các mặt phẳng đơn sắc, mượt mà của khối kiến ​​trúc nhấn mạnh màu sắc tươi sáng của khu rừng và thu hút sự chú ý  vào các hình dạng phức tạp của các yếu tố tự nhiên xung quanh. Các mặt phẳng lớn của tòa nhà được lắp kính màu cung cấp ánh sáng tự nhiên cho không gian bên trong và biến cảnh quan thiên nhiên trở thành một phần của nội thất.

Trong kiến ​​trúc Nhật Bản hiện đại, có không ít ví dụ về việc kết hợp nhiều hình thức tự nhiên trong một công trình; sự phức tạp của cấu trúc giúp tạo nên hình ảnh kiến ​​​​trúc - nghệ thuật sống động, tòa nhà ACROS ở Fukuoka là minh chứng rõ nhất. Công trình kết hợp mô phỏng địa hình bậc thang với việc sử dụng các yếu tố phủ xanh trên các tầng sân thượng. Thành phố phát triển làm nảy sinh sự cần thiết xây dựng một tòa nhà chính phủ mới, trong khi địa điểm hợp lý duy nhất tại trung tâm thành phố là Công viên Tenjin. Sau khi kế hoạch xây dựng trên phần lãnh thổ công viên  được công bố, người dân Fukuoka đã phản ứng gay gắt. Thiết kế mới của Emilio Ambash và văn phòng kiến ​​trúc Takenaka Corporation đã giải quyết mâu thuẫn giữa người dân thị trấn và chính quyền thành phố. Nhờ áp dụng phủ xanh các tầng sân thượng ở mặt dựng phía Nam của công trình, tổ  hợp đa năng mới không những không phá vỡ tính toàn vẹn của không gian nghỉ dưỡng đô thị mà còn mở rộng không gian này, đưa một mảng rừng trên núi vào giữa trung tâm đô thị sầm uất. Du khách có thể lên các tầng thượng bằng cầu thang bộ đặc biệt. Các kiến ​​trúc sư đã duy trì sự kết nối giữa công viên và tuyến phố chính của thành phố (tiếp giáp với mặt dựng  phía bắc của tòa nhà) bằng cách tạo ra một lối đi bộ chuyển tiếp thông qua tầng một của tổ hợp. Ngoài ra, tòa nhà còn ảnh hưởng tích cực đến môi trường, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon dioxide.

KTS. Toyo Ito và Sekkei Sougo Kenkyujo đã đưa ba loại yếu tố tự nhiên vào thiết kế của tổ hợp Grin Grin Park ở Fukuoka: kiến trúc phỏng sinh học, mái phủ thảm cỏ xanh và mô phỏng mặt nước. Tòa nhà là một phần trong dự án về một không gian nghỉ dưỡng lớn. Cấu trúc cơ bản mô phỏng hình dạng của những ngọn đồi và hòa hợp một cách hữu cơ vào cảnh quan khu vực. Nguyên tắc liên tục được thực hiện không chỉ ở ngoại thất mà cả nội thất công trình. Tất cả các không gian bên trong được thống nhất bởi một đường xoắn ốc chạy xuyên suốt tòa nhà từ trong ra ngoài. Nhờ hình dáng của công trình, du khách có thể thuận tiện tiếp cận đài quan sát nằm trên mái nhà xanh, từ đây mở tầm nhìn ra toàn bộ hòn đảo. Ranh giới giữa công viên và tòa nhà gần như bị xóa bỏ. Phần mái bằng kính của công trình không chỉ đảm bảo chiếu sáng tự nhiên cho không gian bên trong mà còn có chức năng mô phỏng mặt nước. Các “hồ” nhân tạo trên “ngọn đồi” nhân tạo của tòa nhà tạo nên chuỗi tiếp nối tự nhiên cho một hồ nước tự nhiên ở gần đó.

Như vậy, các thủ pháp mà các kiến trúc sư Nhật Bản hiện đại áp dụng trong các tác phẩm của mình có thể được phân thành 3 nhóm như sau:

1. Phụ thuộc - sự nổi trội của một yếu tố trong không gian kiến ​​​​trúc so với các yếu tố khác. Ví dụ, khi bố cục của một tòa nhà được xác định bởi đặc điểm của môi trường xung quanh;

2. Bắt chước (mô phỏng): Một ví dụ là tình huống trong đó hình dạng của tòa nhà mô phỏng địa hình đồi núi, nhưng không sử dụng bất kỳ yếu tố nào khác của môi trường tự nhiên ngoài sự kết nối về mặt thị giác;

3. Tương phản - tương phản một nhóm yếu tố với các yếu tố khác. Trong trường hợp này, sự khác biệt giữa không gian đô thị và không gian tự nhiên có thể gia tăng cảm nhận về đặc điểm của các không gian này.

Nguồn: ArchDaily.ru

ND: Lệ Minh

 

Tin có liên quan

Loading ...