Ngày đăng 06/11/2023 | 12:00 AM

Bảo vệ chống khói cho nhà và công trình

(BXD) Khói sinh ra do đám cháy là yếu tố nguy hiểm nhất tác động đến an toàn của con người trong quá trình thoát nạn ra ngoài. Khi có cháy, khói từ vị trí cháy xâm chiếm rất nhanh các không gian trống, làm giảm tầm nhìn (ngưỡng giới hạn an toàn cho người từ 10-20m tùy tiêu chuẩn), tăng nhiệt độ trung bình của không khí (ngưỡng giới hạn nhiệt độ không khí an toàn cho người khoảng 65-700C tùy tiêu chuẩn, trong khi nhiệt độ khói có thể trong khoảng từ 100-6000C tùy vào thời gian cháy và chất cháy), chứa những độc tố có hại (thường là CO, CO2 và một số chất khác tùy vào chất cháy là gì), giảm nồng độ ô xi trong không khí gây ngạt thở. Do đó, bảo vệ chống khói cho nhà và công trình là một trong những yêu cầu an toàn cháy cốt lõi nhất.

Yêu cầu này đã được quy định cụ thể trong QCVN 06:2010/BXD    được hướng dẫn thiết kế trong TCVN 5687:2010. Qua thời gian soát xét QCVN 06:2021/BXD, các trao đổi, thảo luận với Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) và tại các hội thảo về an toàn cháy, vấn đề nổi lên là khi thiết kế hút xả khói, một số đơn vị tư vấn đã không xem xét yếu tố rất quan trọng - cấp không khí bù vào lượng khói đã được hút ra. Việc cấp khí bù này nhằm mục đích cân bằng áp suất trong không gian được bảo vệ bởi hệ thống hút xả khói và đảm bảo hệ thống hút xả khói hoạt động hoạt động đúng công suất thiết kế thông qua việc tạo luồng không khí luân chuyển, hút khói từ không gian đang xét ra ngoài. Chênh lệch áp suất lớn trong gian phòng, hành lang dẫn tới khó mở được các cửa thoát nạn, đồng thời có thể làm sai lệch vị trí của các màn ngăn cháy, làm lửa, khói có thể lan ra ngoài hoặc lan từ ngoài vào trong. Thực tế nghiệm thu hệ thống hút xả khói cho thấy, đã xảy ra những trường hợp bật hệ thống kiểm tra thì chỉ sau một vài phút đã không thể mở được cửa vào buồng thang thoát nạn, hoặc áp suất âm làm kéo bung màn ngăn cháy đã hạ tự động. Đây là yếu tố nguy hiểm cho an toàn của người và công trình, đặc biệt trong các không gian kín, chẳng hạn gian phòng không có cửa sổ hoặc cửa sổ luôn đóng, hành lang kín hay dưới các tầng hầm (khi có cháy thì bắt buộc phải tắt hệ thống điều hòa không khí chung, do đó nếu tắt cả hệ thống cấp khí tươi thì coi như không có nguồn cấp khí bù nữa).

Các tiêu chuẩn thiết kế hệ thống bảo vệ chống khói nhìn chung đều quy định về mức chênh lệch áp suất cho phép khi vận hành hệ thống hút xả khói. Tiêu chuẩn SP 7.13330.2020 của Nga cho hệ số chệnh lệch áp suất trong khoảng -0,3 đến 0,3. NFPA 92 cho phép chênh lệch áp suất từ 85-95%; 5-15% còn lại được bù đắp bởi lượng khí đi qua các khe cửa sổ, cửa đi và các khe hở khác. Ngay cả TCVN 5687:2010 cũng quy định khi thiết kế bảo vệ chống khói cần tính toán áp suất lên cửa thoát nạn không lớn hơn 150 Pa. Giới hạn này chưa thực sự phù hợp với người Việt Nam qua thực tế kiểm nghiệm, bởi tại áp suất này một người lớn sức khỏe bình thường rất khó mở được cửa. Giới hạn phù hợp với người Việt Nam có thể nằm trong khoảng 50-80 Pa. Nhưng ngay cả khi  TCVN đã quy định như vậy, cho đến nay, nhiều kỹ sư thiết kế vẫn bỏ qua vấn đề này, chỉ thiết kế hệ thống hút khói ra, không thiết kế ô cửa mở hoặc miệng cấp không khí bù cho lượng khói hút xả ra. Bộ Xây dựng đã khẩn trương giao nhiệm vụ soát xét TCVN 5687:2010 cho Viện Kiến trúc quốc gia, hy vọng trong thời gian sắp tới có thể kịp thời ban hành Tiêu chuẩn này để phục vụ cho nhu cầu thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu hệ thống bảo vệ chống khói.

Theo TS. Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng)

Tin có liên quan

Loading ...