Ngày đăng 25/10/2023 | 12:00 AM

Tháo gỡ những nút thắt trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam

(BXD) Cuối tháng 9 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Phát biểu tại Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37-40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Chính vì thế, phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023

Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên và các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 phấn đấu để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh -  các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, đặc biệt là ngành Xây dựng.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh. Công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số công trình xanh (67 công trình), đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh (1,264 triệu m2). Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhận định, số lượng công trình xanh ở Việt Nam tuy có tăng lên hàng năm nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, cần nhiều nỗ lực hơn để thúc đẩy công trình xanh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hội thảo chuyên đề về vật liệu, tài chính xanh. Tham dự các hội thảo chuyên đề, đại diện Sika Việt Nam - doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp những chất hóa học dùng trong xây dựng đã có những chia sẻ khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành Xây dựng. Tổng Giám đốc Sika Việt Nam, ông Jacobo Perez Polaino nhận định: cung cấp sản phẩm xanh ra thị trường thôi là chưa đủ, để nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần phải xanh hóa ngay từ công trình sản xuất và dây chuyền sản xuất. Với lợi thế là một công ty đa quốc gia hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, đã triển khai rất nhiều loại hình, dự án xanh trọng điểm trên toàn thế giới, Sika tự tin để trở thành chuyên gia tư vấn, người bạn đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp khác để hướng tới mục tiêu chung Net Zero 2050. Phát triển bền vững là một trong ba giá trị cốt lõi mà Sika Việt Nam đã theo đuổi trong suốt 30 năm qua. Để minh chứng cho nỗ lực trên, Sika Việt Nam đã chia sẻ cách thức phát triển và nâng cấp sản phẩm theo hướng giảm tác động môi trường đồng thời vẫn giữ hoặc nâng cao tính năng sản phẩm. Cụ thể, với những sáng kiến trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Sika đã thành công giảm phát thải CO2 với công thức dùng nguyên liệu bổ sung xi măng có tỷ lệ thay thế dao động từ 5% đến 50%. Tiết kiệm 25.000 triệu lít nước nhờ SikaGrind® - dòng phụ gia đặc thù sử dụng trong sản xuất xi măng; giảm 10% KWh trên mỗi tấn xi măng sản xuất; giảm 30-40% lượng khí thải CO2 so với xi măng thông thường nhờ công nghệ đất sét nung.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, Sika tận dụng năng lượng dư thừa để tạo ra nguồn năng lượng sạch giúp thay thế dần các loại nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt: loại bỏ việc sử dụng khoảng 6.720Kg LPG, tiết kiệm khoảng 86.000 kWh/năm, giảm 20 tấn/năm lượng khí thải CO2.

Sika Việt Nam cũng chú trọng vào công tác đào tạo, hướng dẫn và chia sẻ chuyên môn đến các đối tác, thầu thợ, nhân sự tương lai; điều này không chỉ góp phần tạo nên lực lượng nhân sự chất lượng cho ngành Xây dựng, mà còn hỗ trợ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Trong năm 2023, Sika Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển cùng 3 trường đại học/ cao đẳng chuyên ngành Xây dựng; tổ chức và tham gia nhiều hoạt động hội thảo, đào tạo về xây dựng bền vững...

Cũng tại hội thảo chuyên đề, đại diện Saint-Gobain cho biết, ngành Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí CO2 và giảm lượng năng lượng tiêu thụ, hướng đến phát triển bền vững. Có nhiều nghiên cứu và giải pháp để giảm tác động đến môi trường, trong đó việc phát triển công trình xanh, vật liệu xanh là giải pháp tối ưu. Hướng đến phát triển xanh và bền vững, thời gian qua, Saint-Gobain đã nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng bền vững thông qua các sản phẩm, giải pháp, phương thức vận hành công trình xây dựng. Trong đó, nổi bật là vữa tô nội thất gốc thạch cao, kính, bông thủy tinh giúp giảm phát thải khí CO2. Cùng với đó, Saint-Gobain đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng như: giải pháp cách nhiệt bền vững giúp giảm tới 40% phát thải gián tiếp liên quan tới sưởi ấm và làm mát nhờ các hệ giải pháp cách nhiệt bên trong công trình; hệ giải pháp cách nhiệt bên ngoài giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho tòa nhà...

Một loại vật liệu xây dựng đang được nghiên cứu theo hướng tác động tích cực đến môi trường là thủy tinh, kính xây dựng. Theo ông Tsuyoshi Yasuda - Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận Tiếp thị của AGC Glass APAC: một trong những chiến lược cốt lõi của công ty là đưa mục tiêu phát triển bền vững vào mục tiêu trong phát triển kính nhằm tạo ra giá trị xã hội. Công ty cam kết đảm bảo các sản phẩm và giải pháp của công ty thân thiện với môi trường; đáp ứng các tiêu chuẩn cao về hiệu suất năng lượng và bảo vệ môi trường. Hiện AGC Glass APAC cũng là nhà sản xuất kính đầu tiên có sản phẩm kính được chứng nhận theo sản phẩm Công trình Xanh Singapore. Công ty đã đặt lộ trình theo từng giai đoạn hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có thể khẳng định, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2023 gồm sự kiện Triển lãm các sản phẩm xanh và chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cùng nhau góp phần tháo gỡ những nút thắt trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh phát triển công trình xanh trong thời gian tới.

Trần Hà

Tin có liên quan

Loading ...