Ngày đăng 12/10/2023 | 12:00 AM

Bê tông hóa rác thải nhựa

(BXD) Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến môi trường sống, rác thải nhựa đã và đang đe dọa rất lớn đến hệ sinh thái bao gồm người và động thực vật. Việc giảm thiểu cũng như xử lý rác thải nhựa để tránh gấy ô nhiễm môi trường đã được chính quyền các cấp, người dân và toàn xã hội quan tâm, đề ra nhiều giải pháp với mức độ hiệu quả khác nhau. Sáng kiến biến rác thải nhựa thành bê tông của một kỹ sư điện ở Khánh Hòa rất có ý nghĩa thực tiễn và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng.

Là người có nhiều tâm huyết với việc bảo vệ môi trường sống, ông Nguyễn Văn Xuân (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) rất trăn trở với thực trạng rác thải sinh hoạt, trong đó phần nhiều là rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường tại địa phương. Vì vậy, với vốn kiến thức tích lũy được của một kỹ sư điện lâu năm, ông đã tự nghiên cứu để thực hiện ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật dụng có ích. Qua nhiều thử nghiệm cho nhiều giải pháp khác nhau, ông nhận thấy giải pháp “nhốt” rác nhựa vào bê tông sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán nan giải vốn làm ông suy nghĩ trước đây. Từ chất thải nhựa, túi nilon, ông đã nghiên cứu, tái chế thành những chiếc bàn, ghế đá, gạch lát đường… có khả năng chịu lực cao, thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Xuân và viên gạch lát vỉa hè tái chế từ rác thải nhựa (Ảnh Đức Thảo)

Theo ông Xuân, phương pháp "nhốt nhựa vào bê tông" đơn giản hơn so với các phương pháp tái chế rác thải nhựa trước đây. Các phương pháp cũ đều phải tốn công đoạn phân loại và gia nhiệt, quá trình đó tốn kém và có ảnh hưởng xấu tới môi trường; còn phương pháp "nhốt nhựa vào bê tông" là phương pháp không gia nhiệt, cơ bản khắc phục được các tồn tại trên. Quy trình rất đơn giản, rác thải nhựa được ông thu mua về và cho tất cả vào máy nghiền, sau đó kết hợp với xi măng, cốt sợi phi kim, chất phụ gia… để tạo mối liên kết giữa xi măng và nhựa, trở thành khối bê tông chịu lực được, bảo đảm được độ cứng.

Nói về nguồn nhựa để tái chế thành vật dụng, ông Xuân cho biết, ngoài việc thu gom tại gia đình, hàng xóm ông còn đặt mua từ các công nhân dọn rác môi trường. Theo tính toán, để tạo thành một chiếc ghế đá có trọng lượng 150kg, ông Xuân sử dụng 50kg nhựa. Sản phẩm bê tông từ nhựa của ông Xuân có thể chịu được sức nặng khoảng 300kg, bền và đẹp không khác gì bê tông thông thường, nhưng giá thành chỉ bằng hai phần ba. Các sản phẩm này đều đã được thử nghiệm về độ cứng, độ uốn, độ ngấm nước và đặc biệt là bảo đảm an toàn cho môi trường theo QCVN 07:2009/BTNMT.

Nguồn nhựa làm tái chế được ông lấy từ việc thu gom toàn bộ những rác thải nhựa không có giá trị sử dụng, được bỏ ra ngoài môi trường. Sản phẩm bê tông từ rác nhựa có thể được ứng dụng rộng rãi vào đời sống, như làm bàn, ghế, gạch lát nền, đường tải trọng thấp, vỉa hè, giải phân cách, chậu cảnh, làm vật liệu xây dựng, kênh mương nội đồng… Nếu sản phẩm được thị trường đón nhận, triển khai sản xuất hàng loạt có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trong nước, cùng với đó giảm khai thác tài nguyên tự nhiên.

Ông Xuân sẵn sàng chia sẻ công nghệ cho các cá nhân, đơn vị quan tâm, với mục đích góp phần bảo vệ môi trường. Ông thông tin thêm, sản phẩm bê tông từ nhựa của Công ty CP Năng lượng Resa do ông làm Giám đốc được đánh giá cao, hiện có một vài công ty trong và ngoài nước đã liên hệ, tìm hiểu và đặt vấn đề về việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Về hướng đi trong thời gian tới, ông Xuân mong muốn sử dụng bê tông từ rác thải nhựa để tạo thành các rạn san hô nhân tạo, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản và làm đê chắn sóng ngầm bảo vệ bờ biển từ xa.

Cũng có ý tưởng “nhốt” rác thải nhựa để tạo thành vật liệu mà cụ thể ở đây là gạch bê tông nhẹ, thời gian qua, nhóm sinh viên thuộc Khoa Kỹ thuật Hoá học (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai dự án tái chế thành công rác thải nhựa thành những viên gạch nhẹ. Nguyên liệu được nhóm chọn lựa là các sản phẩm nhựa Polystyrene như hộp đựng cơm, hộp xốp... Polystyrene được đánh giá là khó tái chế, vì vậy ban đầu, nhóm gặp khó khăn lớn về việc tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu để tham khảo. Cả nhóm phải bắt tay vào làm nhiều thí nghiệm khác nhau để tìm ra kết quả tối ưu.

Khi thu thập đủ nguyên liệu, tất cả đều được rửa sạch, lau khô và cắt, xay nhỏ. Tiếp đó, nhựa sẽ được trộn chung với hỗn hợp gồm các loại chất kết dính. Công đoạn cuối cùng là đem đi phơi khô và sấy. Qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm đã tìm được "tỷ lệ vàng" là xi măng và nhựa loại polystyrene với tỷ lệ 50 - 50. Mẫu gạch hiện tại đã đạt tiêu chuẩn chịu nén M50 của Việt Nam (TCVN 1450:2009). Ngoài việc đạt tiêu chuẩn M50, mỗi loại gạch cũng được nhóm đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau như gạch ốp tường hướng tới tính cách âm và cách nhiệt. Ngoài nghiên cứu về thành phần cấu tạo, nhóm sinh viên cũng đã đi tham khảo hình dáng, hoa văn của các mẫu gạch lục giác, hình chữ nhật, hình vuông… Để đáp ứng tính thẩm mĩ, gạch cũng sẽ được sơn các màu sắc khác nhau. Tỷ lệ hiện tại đã là tối ưu, nhưng nhóm sẽ tiếp tục phát triển hơn về chất lượng gạch. Sắp tới nhóm cũng sẽ đăng kí bản quyền và thử nghiệm trên quy mô lớn hơn.

Thông qua những hoạt động của mình, nhóm sinh viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn chung tay xây dựng một đại dương xanh và sạch. Bên cạnh đó, có thể lan tỏa thông điệp và ý tưởng đến gần với cộng đồng hơn.

Trần Hà

Tin có liên quan

Loading ...