Ngày đăng 03/10/2023 | 12:00 AM

Gia Bình (Bắc Ninh): Chung tay làm sạch môi trường

(BXD) 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, giai đoạn 2019- 2025, cái được lớn nhất của huyện Gia Bình chính là làm thay đổi nhận thức, hành động trong công tác bảo vệ môi trường đối với mọi tầng lớp nhân dân trong huyện.

Nhà nhà thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh đồng ruộng, xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo vệ môi trường… Khẳng định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới sáng, xanh, sạch đẹp.

Miền quê Gia Bình xanh, sạch đẹp.

Để thay đổi nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường, thì tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo ông Vũ Văn Văn, Phó trưởng Phòng TN & MT huyện: Từ năm 2022 đến nay, Phòng TN & MT tham mưu UBND huyện dồn trọng tâm đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành vào cuộc sống. Bằng việc tuyên truyền đầy đủ, kịp thời nội dung, quy định của Luật đến với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện; thông tin thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về bảo vệ môi trường trên hệ thống truyền thanh ở các thôn, xóm để nhân dân biết, chấp hành; tổ chức rầm rộ, kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của nhân dân tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch giờ trái đất, Ngày môi trường thế giới, Quốc tế Đa dạng sinh học và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực nâng cao ý thức làm sạch môi trường của các tầng lớp nhân dân. Thực tế đã chứng minh, Gia Bình là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.

Phong trào tạo sự lan toả mạnh mẽ và đạt hiệu quả tích cực. Điển hình là sự tham gia, hưởng ứng đồng loạt của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo Hội phụ nữ các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ các chi hội phân loại rác, làm vi sinh IMO gốc, nhân vi sinh IMO, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Đến nay, toàn huyện làm được 239.597 lít vi sinh; 58.667 kg IMO đậm đặc; duy trì 23.284 gia đình hội viên phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý được 21 lượt bãi rác thải tập trung bằng công nghệ vi sinh IMO với lượng rác thải xử lý là 593m3 (chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay), góp phần làm xẹp rác, hạn chế phát tán mùi hôi ra môi trường; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tới 100% hội viên hội Phụ nữ.

Huyện Đoàn với lực lượng đoàn viên thanh niên đông đảo cũng đẩy mạnh thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; thực hiện mô hình “Hố rác dân sinh” trên địa bàn; Chi đoàn thanh niên tại các thôn thành lập các Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ việc đào hố rác tại vườn cho các hộ gia đình, kết hợp tuyên tuyền, nhắc nhở nhân dân cách thức phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn. Chỉ trong 6 tháng năm 2023, đoàn thanh niên đào được 84 hố rác dân sinh và thu gom được 541 kg rác tái chế; 100 % Đoàn các xã, thị trấn hướng dẫn cho học sinh các trường Tiểu học, THCS cách thức phân loại rác thải và ý nghĩa việc bảo vệ môi trường; 100% chi Đoàn các trường khối THPT, Trung tâm GDNN- GDTX huyện có thùng rác để phân loại rác thải; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình tới 100% đoàn viên thuộc các cơ sở Đoàn toàn huyện; 5.251 đoàn viên thanh niên ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Mặt trật tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia tích cực vào công tác làm sạch môi trường, bằng việc làm điểm mô hình cấp huyện về phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình; triển khai ký cam kết phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và đẩy mạnh phong trào hội viên nông dân làm sạch đồng ruộng, duy trì 100% cánh đồng không có vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, không rác thải đồng ruộng; tổ chức phát động và duy trì phong trào làm sạch trụ sở cơ quan, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, tối thiểu 1 lần/tuần; nạo vét, vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy các kênh, mương; duy trì hoạt động ổn định các tổ vệ sinh môi trường nông thôn; trồng cây xanh, đường hoa để tạo cảnh quan môi trường; triển khai việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp trên địa bàn huyện bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO… dần tạo ý thức, thói quen làm sạch môi trường của mỗi người dân trong huyện.

 

Theo moitruongvadothi.vn

Tin có liên quan

Loading ...