Ngày đăng 27/09/2023 | 12:00 AM

Vương quốc Anh: các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy

(BXD) London là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Vương quốc Anh và là một trong những đầu mối giao thương lớn nhất không chỉ châu Âu mà của cả thế giới. Do vậy, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn được đặc biệt coi trọng. Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy London (LFB) duy trì và thực hiện nghiêm ngặt chế độ trực ban chỉ huy và tiếp nhận tin báo qua nhiều nguồn, trong đó quan trọng nhất là số điện thoại đường dây nóng 999.

Các quy định về phòng cháy chữa cháy ở Vương quốc Anh đã trải qua nhiều thay đổi do các yêu cầu sau thảm họa cháy Grenfell. Các yêu cầu pháp lý thay đổi đáng kể dựa trên quy mô của tòa nhà, mục đích sử dụng và nhiều yếu tố khác. Điều quan trọng là, đơn vị cung cấp dịch vụ phòng cháy chữa cháy dù ở bất kỳ cấp nào cũng phải chịu trách nhiệm về hiệu quả và hoạt động của dịch vụ trong trường hợp hỏa hoạn. Bài viết sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các đơn vị cung cấp giải pháp phòng, chữa cháy thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình.

Các đường ống và cáp chạy xuyên qua các bức tường và sàn ngăn

Vấn đề pháp lý liên quan đến an toàn cháy nổ đã có từ rất lâu trong lịch sử Vương quốc Anh. Đối với các tòa nhà/ công trình xây mới, các bộ luật chính ở Anh có Đạo luật xây dựng 1984, Lệnh Cải cách quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (RRFSO) 2005, Quy định xây dựng 2010 và Đạo luật an toàn tòa nhà 2022 được ban hành gần đây.

Đạo luật Xây dựng 1984 đã củng cố các quy định pháp luật trước đó liên quan đến quá trình xây dựng cũng như thiết kế và thông số kỹ thuật của các tòa nhà. Các sửa đổi đã được ban hành, đặc biệt là với các biện pháp an toàn cháy nổ được tăng cường. Trong Quy định xây dựng 2010 nêu rõ “một bức tường chung cho hai hoặc nhiều tòa nhà phải được thiết kế và xây dựng sao cho có đủ khả năng chống lại sự lan truyền lửa giữa các tòa nhà đó”.  Quy định nêu thêm để ngăn chặn sự lây lan lửa trong tòa nhà, các biện pháp sẽ được thực hiện ở mức độ phù hợp với quy mô và mục đích sử dụng của tòa nhà, bao gồm một hoặc cả hai điều kiện: phân khu của tòa nhà có công trình chịu lửa; lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động phù hợp.

Sau vụ cháy Tháp Grenfell năm 2017, những thay đổi trong Quy định Xây dựng đã cấm sử dụng vật liệu dễ cháy ở các bức tường bên ngoài của một số loại tòa nhà có chiều cao trên 18m. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu ốp và vật liệu cách nhiệt dễ cháy vẫn tiếp tục được phép ở các bức tường bên ngoài của các tòa nhà nằm ngoài phạm vi lệnh cấm. Năm 2019, lửa lan nhanh khắp mặt tiền của The Cube - khu nhà trọ sinh viên ở Bolton (tòa nhà chỉ cao 17,84m nằm ngoài quy định của lệnh cấm).

Một yếu tố quan trọng của ngăn chặn cháy là hạn chế ngọn lửa lan nhanh ngay từ nơi phát sinh

 Việc gia hạn lệnh cấm vào năm 2020 và việc ban hành Đạo luật An toàn công trình (Building Safety Act) vào năm 2022 đã cải thiện tình hình, bởi các quy định nghiêm ngặt hơn, trách nhiệm của các công ty xây dựng lớn hơn trong việc thiết kế, lắp đặt cũng như lưu trữ hồ sơ. Đạo luật An toàn công trình đưa ra chế độ an toàn khắt khe hơn kèm các nghĩa vụ mới phải được tuân thủ trong suốt vòng đời của tòa nhà, từ giai đoạn bàn giao, thiết kế đến xây dựng và vận hành; sửa đổi các tiêu chuẩn đào tạo và năng lực; ban hành khung biện pháp để giải quyết các hành vi vi phạm (phạt tiền và phạt tù); nghĩa vụ thuế đối với các nhà phát triển để tài trợ cho việc khắc phục hậu quả; thời hạn khiếu nại về các vấn đề liên quan đến an toàn đã được kéo dài tới 30 năm đối với các khiếu nại phát sinh trước ngày 28/6/2022, tới 15 năm đối với các khiếu nại phát sinh kể từ bây giờ.

Hai mục tiêu chính của những đạo luật này nhằm tạo cơ chế an toàn nghiêm ngặt cho việc xây dựng, vận hành và bảo trì các tòa nhà có mức độ rủi ro cao hơn; đảm bảo việc khắc phục đối với người thuê sống trong các tòa nhà không tuân thủ quy định an toàn là miễn phí. Ngoài những điều luật này, còn có thêm hướng dẫn của Chính phủ nhằm giúp xác định trách nhiệm ngăn chặn hỏa hoạn, bao gồm hướng dẫn an toàn phòng cháy trong Quy định xây dựng đã được phê duyệt; hướng dẫn về Lệnh cải cách quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, Thiết kế cho an toàn cháy nổ trong trường học và Bản ghi nhớ kỹ thuật Heath (HTM) 05-02 cung cấp thông tin về an toàn cháy nổ trong thiết kế các công trình chăm sóc sức khỏe, y tế. Các tài liệu hướng dẫn có thể cung cấp thông tin về những cách thực tế để đáp ứng các yêu cầu của quy định xây dựng; song không thể được coi là phương pháp duy nhất để đạt được các yêu cầu của quy định này.

Trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật Defective Premises Act - DPA rất nghiêm ngặt và áp dụng cho tất cả các tòa nhà ở Anh và xứ Wales.  Những nội dung chính bao gồm:

- Thời hạn giải quyết khiếu nại tăng từ 6 lên 30 năm đối với các tòa nhà xây trước  ngày 28/ 6/ 2022.

- Thời hạn yêu cầu bồi thường đối với các tòa nhà hoàn thành kể từ bây giờ đã được kéo dài từ 6 lên 15 năm.

- Bất kỳ ai chịu trách nhiệm về các vấn đề trong công trình đều có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả người xây dựng, nhà thầu, kiến trúc sư và nhà thiết kế.

Đối với các tòa nhà có rủi ro cao hơn ở Anh, Đạo luật An toàn Công trình yêu cầu khách hàng đảm bảo “sợi chỉ vàng thông tin” (golden thread information) về thiết kế, vận hành và bảo trì được thông suốt và liên tục cập nhật. Thông qua bản ghi kỹ thuật số về tất cả dữ liệu dự án và tài sản, “the golden thread” sẽ ghi lại mọi quyết định, đưa ra quy định trách nhiệm rõ ràng hơn để giảm thiểu rủi ro và nâng cao mức độ an toàn; đưa ra quy trình gồm ba giai đoạn để cải thiện các tiêu chuẩn an toàn cháy nổ:

+ Giai đoạn 1 (lập kế hoạch): yêu cầu tất cả các vấn đề an toàn cháy nổ phải được đưa vào ngay từ giai đoạn này.

+ Giai đoạn 2 (phê duyệt kiểm soát tòa nhà): yêu cầu khách hàng nộp đơn xin phê duyệt kiểm soát tòa nhà cho Cơ quan quản lý an toàn tòa nhà trước khi việc xây dựng có thể bắt đầu.

+ Giai đoạn 3 (chứng nhận hoàn thành): đảm bảo tòa nhà an toàn để sử dụng, qua đó Cơ quan quản lý an toàn tòa nhà mới cấp chứng nhận hoàn thành, trong đó tuyên bố công trình/tòa nhà tuân thủ Quy chuẩn xây dựng, có chữ ký của nhà thầu chính và nhà thiết kế.

Kiến thức về cháy nổ

Hiểu về lửa là điều cần thiết đối với bất kỳ cá nhân nào liên quan đến việc lựa chọn, thiết kế các biện pháp ngăn cháy và phòng cháy. Cần ba yếu tố để đốt cháy: nhiên liệu, oxy và năng lượng nhiệt. Loại bỏ bất kỳ yếu tố nào trong ba yếu tố này sẽ ngăn chặn được đám cháy.

Hệ thống phân loại Phản ứng với hỏa hoạn của châu Âu (The European Reaction to fire classification system) là tiêu chuẩn chung của EU để đánh giá chất lượng của vật liệu xây dựng trong trường hợp hỏa hoạn. Hệ thống phân loại này là cần thiết ở Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland.

Hệ thống Euroclass (xem bảng dưới đây) xác định hiệu suất cháy của sản phẩm bằng cách đo một tập hợp toàn diện các đặc tính, bao gồm khả năng bắt lửa, khả năng lan truyền ngọn lửa, giải phóng nhiệt, tạo khói và xu hướng tạo ra các giọt/hạt cháy. Các phân loại trải dài từ A1 đến F, với các sản phẩm đạt phân loại A1 và A2 được coi là không cháy. Theo luật, tất cả các sản phẩm cách nhiệt tòa nhà tuân theo tiêu chuẩn EN hài hòa phải được đánh dấu CE, nghĩa là nhà sản xuất phải công bố phân loại hiệu suất cháy cho từng sản phẩm của mình.

 

Euro class EN 13501-1 (Bảng đánh giá của Euro class về vật liệu cách nhiệt)

Vật liệu

A1

Bông cách nhiệt, bông thủy tinh, xốp thủy tinh

A2-s1, d0

Một số sản phẩm đá hoặc bông thủy tinh

B-s2, d0

Bọt phenolic (TYP EU)

C-s2, d0

Bọt Phenolic (TYP UK), some PIR

D-s1, d0

PIR

 Tầm quan trọng của việc phân chia không gian

Một phần quan trọng của thiết kế an toàn cháy nổ, là chia tòa nhà thành các khu vực riêng để dễ quản lý, đảm bảo các khu vực được ngăn chia được gia cố bằng các vật liệu chống cháy, giúp ngăn chặn sự lây lan của lửa, khói và khí độc. Ngay cả lỗ nhỏ nhất trên bất kỳ bức tường ngăn nào cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả ngăn đám cháy, khiến lửa lan khắp tòa nhà.

Giới hạn chịu lửa phụ thuộc vào loại công trình, ứng dụng, diện tích, mục đích sử dụng, chiều cao của công trình. Yếu tố quan trọng trong việc ngăn không gian là xác định rõ mục đích cần phòng cháy hay ngăn cháy. Hiểu được sự khác biệt giữa hai vấn đề này là rất quan trọng.

Phòng cháy, chữa cháy

Phòng cháy tập trung vào việc bảo vệ các kết cấu của tòa nhà bằng cách tích hợp các vật liệu chống cháy vào kết cấu của tòa nhà. Bảo vệ các yếu tố cấu trúc của tòa nhà khỏi nhiệt độ cao sẽ giúp duy trì kết cấu chịu lực của công trình, giảm nguy cơ sập công trình. Giảm thiệt hại cũng làm tăng khả năng tòa nhà có thể được tái sử dụng trong tương lai.

Có nhiều sản phẩm giúp tăng khả năng chống cháy cho các kết cấu của tòa nhà. Kết cấu thép chống cháy có thể giúp duy trì mức chịu tải của tòa nhà trong trường hợp hỏa hoạn. Để phòng cháy, chữa cháy có hiệu quả cần đảm bảo các yếu tố chính sau:

+ Duy trì kết cấu của tòa nhà trong khoảng thời gian nhất định, giúp người cư ngụ bên trong có thời gian thoát ra ngoài và cho phép lực lượng cứu hỏa tiếp cận tòa nhà.

+ Khống chế sự lan nhanh của khói và khí độc.

+ Chống cháy lan từ nơi phát sinh cháy.

An toàn cháy nổ cần phải thực hiện từ giai đoạn thiết kế

Để thiết kế công trình có rủi ro thấp nhất , cần áp dụng các giải pháp đã được thử nghiệm tiêu chuẩn. Các vật liệu được kiểm tra bởi bên thứ 3 và được đánh giá công nhận an toàn một cách độc lập. Quá trình này đảm bảo các sản phẩm được đưa vào thi công sẽ hoạt động đúng với các tiêu chuẩn thử nghiệm quy định.  Tuy nhiên, các giải pháp tiêu chuẩn đã được thử nghiệm không phải lúc nào cũng có sẵn. Có hai lựa chọn thay thế:

+ Trao đổi với nhà sản xuất để xem liệu họ có thể cung cấp giải pháp đã được thử nghiệm hoặc đưa ra đánh giá dựa trên dữ liệu thử nghiệm tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

+ Yêu cầu đánh giá được thực hiện bởi phòng thí nghiệm được UKAS công nhận, hoặc các chuyên gia cứu hỏa. Sự công nhận, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn là vô cùng quan trọng.

Khi lắp đặt thiết bị ngăn cháy hoặc phòng cháy chữa cháy trong tòa nhà, chủ công trình phải nhận thức vai trò của mình và mức độ trách nhiệm liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Tương ứng, kiến thức về các yêu cầu ngăn cháy và phòng cháy của công trình xây dựng là rất cần thiết. Điều quan trọng nhất: là các bên liên quan phải luôn cập nhật thông tin và luôn đặt an toàn lên hàng đầu.

https://cpd.building.co.uk/

ND: Mai Anh

Tin có liên quan

Loading ...