Ngày đăng 13/09/2023 | 12:00 AM

Vấn đề cấp thoát nước của EU hiện nay

(BXD) Cấp thoát nước là nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên EU; sang thế kỷ XXI, EU đã ban hành chính sách chung cho vấn đề này. Tài nguyên nước hạn chế, hệ thống cấp thoát nước đang chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, cứ mười người dân (châu Âu) có một người thiếu nước và xác định tại EU mức tiêu thụ năng lượng trong ngành nước tương đương 3,5% mức tiêu thụ điện.

Các chính sách về nước của EU trước hết được luật hóa bằng các Chỉ thị:

- Chỉ thị về nước sinh hoạt (76/160/EEC) 1976 đã được thay thế bằng Chỉ thị 2006/7/EC

- Chỉ thị về xử lý nước thải đô thị (91/271/EEC) ngày 21/ 5/1991 liên quan đến việc xả nước thải đô thị và một số loại nước thải công nghiệp;

- Chỉ thị về nước uống được (98/83/EC) ngày 3/11/1998 liên quan đến chất lượng nước uống;

- Chỉ thị khung về Nước (2000/60/EC) ngày 23/10 /2000 về quản lý tài nguyên nước.

Các quốc gia thành viên EU đã thông qua luật pháp quốc gia phù hợp với các Chỉ thị nêu trên. Tổ chức việc cung cấp nước công cộng và vệ sinh công cộng (về mặt thể chế) không thuộc thẩm quyền của EU mà là đặc quyền của mỗi quốc gia thành viên.

Trong một nhà máy xử lý nước thải

Một số vấn đề trong áp dụng Chỉ thị về xử lý nước thải đô thị

Ủy ban châu Âu đã công bố ba báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị, báo cáo gần đây nhất vào năm 2004, trong đó nhận định tình hình xử lý nước thải ở châu Âu như trước đây vẫn không đạt yêu cầu và tất cả các quốc gia thành viên đều không đáp ứng được thời hạn, trừ Áo, Đan Mạch và Đức. Báo cáo lưu ý mức độ BOD ở các con sông châu Âu đã giảm 20 - 30% kể từ khi Chỉ thị có hiệu lực, nhưng các thông số ô nhiễm khác như mức độ nitơ vẫn còn cao, nguyên nhân bởi phần lớn ô nhiễm nitơ đến từ các nguồn trong nông nghiệp, cũng như do các nhà máy xử lý nước thải không loại bỏ hết dưỡng chất. Hiện tượng phú dưỡng của Biển Baltic, Biển Bắc cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Báo cáo lưu ý hơn 50% lượng nước thải đến các khu vực nhạy cảm chưa được xử lý đầy đủ. Ngay cả đối với những nơi ít “nhạy cảm” hơn, mặc dù bức tranh tổng thể bớt ảm đạm song vẫn chỉ có 69% lượng chất thải được xử lý. Tại 25 trong số 556 thành phố của EU vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Chỉ thị này đã thúc đẩy đầu tư đáng kể vào xử lý nước thải tại EU. Một nội dung gây tranh cãi của Chỉ thị là yêu cầu tất cả các khu dân cư có dân số hơn 2.000 người phải có hệ thống thu gom nước thải, được yêu cầu kết nối với hệ thống thoát nước ngay cả khi hệ thống thoát nước hiện tại trong khu vực hoạt động hiệu quả. Chi phí đấu nối các ngôi nhà với hệ thống thoát nước ở các khu dân cư nhỏ vùng nông thôn với cấu trúc ở phân tán thường rất cao và sẽ là gánh nặng tài chính cho người dùng.

EU ước tính từ năm 1990 đến 2010, tổng cộng 152 tỷ euro đã được đầu tư cho lĩnh vực xử lý nước thải. EU hỗ trợ cho việc thực hiện Chỉ thị xấp xỉ 5 tỷ euro mỗi năm.

Ủy ban châu Âu hiện đang tiến hành tham vấn phiên bản mới của Chỉ thị xử lý nước thải đô thị, với nhiệm vụ mục tiêu là tích hợp các cam kết với Thỏa thuận Paris, vì lĩnh vực xử lý nước thải tiêu thụ 1% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới. Trong kịch bản kinh doanh, chỉ số này được kỳ vọng tới năm 2040 ​​sẽ tăng 60% so với năm 2014. Với việc đưa ra các yêu cầu về hiệu quả năng lượng, mức tiêu thụ năng lượng từ nước thải chỉ có thể giảm 50%  khi áp dụng các công nghệ hiện đại. Ngoài ra, có nhiều khả năng tạo ra đủ năng lượng từ nước thải để làm cho toàn ngành nước trở thành trung hòa năng lượng. Năng lượng có trong bùn thải được tận dụng bằng cách tạo ra khí sinh học thông qua quá trình phân hủy kỵ khí. Những đặc điểm này phần lớn đã bị bỏ qua, do các doanh nghiệp tiện ích đã đề ra nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải hiện tại và trong tương lai.

Chỉ thị Khung về tài nguyên nước năm 2000

Theo Chỉ thị, các nước thành viên cần xác định tất cả các lưu vực sông nằm trong lãnh thổ quốc gia mình. Chậm nhất vào ngày 22/12 /2003, mỗi khu vực lưu vực sông phải được chỉ định một cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cần phân tích tính chất của từng lưu vực sông, đánh giá về mặt kinh tế việc sử dụng nước. Chín năm sau khi Chỉ thị có hiệu lực, cần phải xây dựng kế hoạch quản lý cho từng khu vực lưu vực sông. Các biện pháp được xem xét tại kế hoạch này nhằm:

- Ngăn ngừa suy thoái, cải thiện và phục hồi các vùng nước mặt, đạt được trạng thái sinh thái và hóa học tốt của nước và giảm ô nhiễm do tích tụ và thải các chất độc hại;

- Bảo vệ, cải thiện và phục hồi tất cả các công trình nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái nước ngầm, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa việc khai thác và bổ sung nước ngầm;

- Duy trì các khu vực cần được bảo vệ.

Đến năm 2010, các quốc gia thành viên cần đảm bảo các chính sách định giá nước đảm bảo mọi ưu đãi cho người sử dụng nhằm khuyến khích sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, đồng thời các lĩnh vực của nền kinh tế tăng cường thu hồi chi phí cho dịch vụ cấp nước. Chậm nhất 12 năm sau thời điểm Chỉ thị có hiệu lực, Ủy ban châu Âu cần công bố báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị. Một số quốc gia (Pháp và Tây Ban Nha) đã thành lập các cơ quan nước trước khi có chỉ thị. Bằng cách này, họ sẽ dễ dàng thực hiện phần này của chỉ thị. Các quốc gia khác có lịch sử quản lý tài nguyên nước của mình thông qua các cơ quan quản lý. Chẳng hạn tại Đức, các bang quản lý tài nguyên nước đang trong quá trình thiết lập các cơ chế điều phối cho từng lưu vực sông. Các nội dung khác của Chỉ thị (bảo vệ nguồn nước ngầm và các quy tắc thu hồi chi phí) có thể khó thực hiện hơn, nhất là tại là ở các quốc gia Nam Âu nơi có nhiều đất nông nghiệp cần được tưới tiêu.

Về hệ thống cấp thoát nước:

Các nước EU hiện nay đang giải quyết 2 vấn đề lớn:

- Năng lực tiếp cận: tỷ lệ hòa mạng lưới cống thoát nước bình quân từ 80% đến 90% tại Bắc, Nam và Trung Âu. Đông Âu như trước đây có các chỉ số thấp hơn rất nhiều, cụ thể, khoảng 40-65% dân số được kết nối với hệ thống xử lý nước thải sơ cấp. Nhìn chung, thực trạng cấp thoát nước ở châu Âu đang được cải thiện: trong vòng một thập kỷ qua, ngày càng có nhiều hộ gia đình tiếp cận với các công trình xử lý nước công cộng hoặc hiện đại hóa hệ thống xử lý của mình (chẳng hạn từ thứ cấp lên tam cấp).

- Chất lượng dịch vụ: khả năng tiếp cận phụ thuộc vào từng quốc gia thành viên, còn chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào việc tiếp cận. Chất lượng dịch vụ rất tốt ở các quốc gia phía bắc và phía nam EU, như Tây Ban Nha và Đức; đặc biệt tại các nước Đông Âu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng hoặc kém. Lịch sử ngành cấp thoát nước ở các quốc gia thành viên EU và ở các quốc gia khác nhau ở giai đoạn nghiên cứu có thể lý giải phần nào hiện trạng cấp thoát nước thiếu đồng đều như vậy.

Trải qua nhiều thế kỷ, châu Âu đã hình thành hệ thống quản lý cấp thoát nước. Hệ thống cấp thoát nước tập trung bắt đầu từ thời La Mã cổ đại, với việc xây dựng cống dẫn nước cùng hệ thống thu gom và phân phối nước. Thời Trung cổ, nước được phân phối thông qua các nhà vận chuyển tư nhân hoặc/và được tổ chức thông qua các công xã địa phương hoặc thành phố. Cách mạng công nghiệp và việc xây dựng các thành phố công nghiệp hiện đại của châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước được kiểm soát chặt chẽ. Ở thời kỳ này, Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Xử lý nước thải phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp

Vấn đề căn bản của EU liên quan tới cấp thoát nước gắn liền với những áp lực hiện nay đối với hệ thống. Biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, đô thị hóa, tiến bộ kinh tế, thay đổi xã hội có nhiều tác động đến ngành nước. Các quốc gia EU nhìn chung khá hiệu quả về mặt quản lý và chính trị. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên mới ở Đông Âu cần được hỗ trợ tài chính nhiều để đảm bảo tính bền vững của hạ tầng nước. Các vấn đề hiện tại là thiếu đầu tư để cấp nước cho khu vực đô thị - nông thôn, dẫn đến dịch vụ kém (rò rỉ nước, gián đoạn dịch vụ, khó tiếp cận nước trong mùa khô hạn...), khả năng tiếp cận nước hạn chế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể chiếm tới 50% hóa đơn tiền điện tại các thành phố. Các công nghệ cấp nước tuy có mức giá hợp lý và bảo đảm hoàn vốn đầu tư nhanh, song việc chỉ tập trung cho chất lượng nước đã làm chệch sự chú ý tới tính bền vững của ngành nước trong bối cảnh ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đang ngày càng tăng lên.

Hạn chế cấp nước được coi là một vấn đề nghiêm trọng. Câu trả lời đầu tiên và hợp lý nhất là cần giải quyết vấn đề rò rỉ nước, vì trung bình gần 1/4 lượng nước được xử lý của châu Âu đang bị rò rỉ. Tái sử dụng và tái chế nước được nhiều chuyên gia chỉ ra là những giải pháp lâu dài. Bên cạnh đó, các hội đồng chuyên gia đều cho rằng cần phi tập trung hệ thống cấp nước và xử lý nước thải. Một vấn đề nữa của ngành nước châu Âu là tư hữu hóa.

Tái sử dụng nước thải

Ở châu Âu, nước thải đã qua xử lý thường tái sử dụng để tưới tiêu nông nghiệp, làm vườn, nước công nghiệp, cứu hỏa, bổ sung nước ngầm, các tiện ích công cộng.

Hiện tại có hơn 700 dự án tái sử dụng nước thải ở châu Âu, phần lớn thuộc các nước Nam Âu (Síp, Pháp, Hy Lạp, Malta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha). Ngoài ra còn có các dự án tái sử dụng nước thải rất thành công ở các nước Bắc và Trung Âu như Bỉ, Thụy Điển, Anh.  Tuy nhiên, theo một nghiên cứu do EU tài trợ, châu Âu và các nước Địa Trung Hải nhìn chung vẫn tụt hậu so với Mỹ, Nhật Bản và Úc trong vấn đề tái sử dụng nước thải.

Dự án tái sử dụng gián tiếp chất thải ở Woolpen, Bỉ (bắt đầu triển khai từ năm 2019) là xả nước thải đã được xử lý vào tầng ngậm nước của những cồn cát vô tận. Ban đầu, nước đã xử lý chứa 90% lượng nước thấm ngược và 10% lượng nước thấm MF (màng tinh lọc), vào khoảng 6.000.000 m3 mỗi năm. Tuy nhiên, theo quan sát, một số chất diệt cỏ vẫn hiện diện trong nước đã qua xử lý, ở mức dưới tiêu chuẩn nước uống được. Kết quả, kể từ tháng 5/ 2004, chỉ nước thấm ngược sau khi được khử trùng bằng tia cực tím mới được bơm vào tầng ngậm nước với việc bổ sung natri hydroxit để điều chỉnh độ pH.

Nguồn: https://waterservice.kz/, tháng 4/ 2022

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...