Ngày đăng 12/09/2023 | 12:00 AM

Trung Quốc: Dựa vào trí tuệ thông minh để tăng cường quản lý đô thị

(BXD) Tại Trung Quốc trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý phát triển đô thị các cấp đã lấy mục tiêu xây dựng Nền tảng quản lý thống nhất mạng lưới làm điểm khởi đầu để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị đô thị, qua đó nâng cao trình độ và hiệu quả quản trị đô thị một cách khoa học, thông minh, nâng cao khả năng phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro, các nguy cơ tiềm ẩn. Những thành tựu từ công tác quản lý đô thị thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn xã hội và đóng góp quan trọng cho công tác quản lý đô thị chất lượng cao ở Trung Quốc.

Triển khai thúc đẩy phát triển Nền tảng quản lý cấp cao

Nền tảng đề cập đến việc dựa vào khả năng hỗ trợ cơ bản của chính phủ số để tối ưu hóa các hệ thống và quy trình quản lý vận hành đô thị thông qua đổi mới thể chế và đổi mới công nghệ, được xem như một nền tảng kết nối các hệ thống quản trị khác nhau của đô thị, một trung tâm quản lý và một mô hình tích hợp các lực lượng quản trị; giúp hiện thực hóa mục tiêu quản trị “1 mạng lưới tích hợp dữ liệu thống nhất, 1 màn hình quan sát tổng thể, 1 liên kết ứng phó khẩn cấp tích hợp, 1 đường dây xử lý giải quyết vấn đề thống nhất”. Trong quá trình triển khai phát triển Nền tảng, mỗi địa phương sẽ tiến hành xây dựng các kịch bản ứng dụng với những nét đặc trưng khác nhau căn cứ vào điều kiện thực tế, tập trung vào các mô – đun như chức năng chỉ huy, điều phối, ứng dụng chuyên ngành và các dịch vụ phục vụ nhu cầu của cộng đồng, từ đó thúc đẩy mô hình quản trị thông minh 1 mạng lưới và hợp tác quản lý hiệu quả tại các đô thị.

Bộ phận hệ thống quản lý giao thông đô thị của Nền tảng quản lý thống nhất  mạng lưới ở Phố Đông (Thượng Hải)

Thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý thông tin đô thị kỹ thuật số thống nhất cho toàn thành phố, phù hợp với yêu cầu của mục tiêu “5 điểm thống nhất” (nền tảng quản lý thống nhất, chế độ vận hành thống nhất, quy trình xử lý thống nhất, thông tin dữ liệu thống nhất, giám sát và đánh giá thống nhất). Cục Thực thi pháp luật và quản lý đô thị thành phố Phật Sơn đã thành lập một đơn vị đặc biệt để thực hiện các dịch vụ quản lý tổng hợp, chịu trách nhiệm chính đối với công tác xây dựng và điều phối nền tảng. Các chức năng của hệ thống không ngừng được cải tiến và tối ưu hóa, để ứng phó với sự rò rỉ của dữ liệu định vị, việc lọc tọa độ được áp dụng thông qua hệ thống nhằm đảm bảo tính liên tục của dữ liệu. Đối với công tác cảnh báo sớm liên tục cho mỗi vấn đề trong hình thức giám sát video, các thuật toán logic được áp dụng để thống nhất và loại trừ những cảnh báo trùng lặp, nhằm giảm nhẹ áp lực về khối tượng công việc cần xử lý đối với người vận hành.

Chính quyền tỉnh Hà Nam đã liên tiếp ban hành các văn bản quy phạm, trong đó có “Ý kiến chỉ đạo liên quan đến công tác xây dựng và phát triển đô thị thông minh mới” để đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nền tảng quản lý đô thị thống nhất của địa phương. Ngoài ra, trong “Kế hoạch triển khai xây dựng Nền tảng dịch vụ quản lý vận hành đô thị tỉnh Hà Nam” nhấn mạnh, cần thúc đẩy công tác tổ chức cho cán bộ các cấp quận/huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản lý đô thị số thông minh, đồng thời đưa Nền tảng dịch vụ quản lý vận hành đô thị vào hệ thống tiêu chí xây dựng năng lực và phong cách của Sở Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn tỉnh Hà Nam. Các chính sách trên một mặt đã giúp kết hợp hiệu quả các tiêu chuẩn vận hành của Nền tảng dịch vụ quản lý vận hành đô thị vào dự án chiến lược cấp tỉnh “Xây dựng và nâng cao chất lượng của hàng trăm đô thị”, mặt khác đã đề ra quy định đối với việc xây dựng các biểu mẫu thống kê vận hành của nền tảng và thực hiện các báo cáo, thông báo hàng tháng.

Áp dụng công nghệ radar xuyên đất 3 chiều để thăm dò, phát hiện và xử lý những khoang rỗng ngầm dưới mặt đất

Khu vực mới Phố Đông Thượng Hải đã áp dụng toàn diện các giải pháp thông tin khoa học và công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để kết nối với các nền tảng cảm biến như Internet vạn vật, Internet dữ liệu số, từ đó thiết lập và cải tiến hệ thống neutron trong việc nghiên cứu và xây dựng “bộ não thông minh của đô thị” với độ bao phủ toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của khu vực. Hiện tại, Nền tảng quản lý thống nhất mạng lưới của Phố Đông đã tạo ra hệ thống với hơn 80 kịch bản ứng dụng xoay quanh 3 trạng thái quản lý chính: quản lý hàng ngày, quản lý đặc biệt và ứng phó/ giải quyết khẩn cấp, cơ bản hình thành một hệ thống hỗ trợ công tác quản trị đô thị thông minh tích hợp và toàn diện, giúp nâng cao năng lực nhận thức, nghiên cứu phán đoán và xử lý các vấn đề đô thị.

Tăng cường toàn diện năng lực quản lý giám sát đô thị

Trong những năm gần đây, các Sở Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn tại nhiều địa phương đã lấy việc xây dựng và phát triển Nền tảng quản lý thống nhất mạng lưới làm mục tiêu trọng tâm, chủ đạo trong công tác quản lý đô thị, nỗ lực thiết lập “bộ não thông minh của đô thị”, giúp các đô thị được nâng cấp và chuyển đổi theo hướng ngày càng thông minh và an toàn hơn.

Mới đây, vào hồi 9 giờ sáng ngày 26/05/2023, trên khu vực màn hình bộ phận quản lý giám sát hoạt động vệ sinh đường phố của Nền tảng quản lý thống nhất mạng lưới của đô thị thông minh Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã xuất hiện các chấm cảnh báo màu đỏ, nguyên nhân bởi nền tảng đã phát hiện dữ liệu về tỷ lệ điều động phương tiện vệ sinh đường phố ở quận Tô Gia Đồn đang ở mức rất thấp, do vậy các chấm màu đỏ xuất hiện để cảnh báo về những đoạn đường đang không đảm bảo vệ sinh do chưa được dọn dẹp. Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Quản lý vệ sinh môi trường thuộc Cục Thực thi pháp luật quản lý đô thị Thẩm Dương đã ngay lập tức phát thông tin cảnh báo sớm tự động tới quận Tô Gia Đồn qua nền tảng, yêu cầu địa phương cử các phương tiện xe quét đường để tăng cường vệ sinh các trục đường bộ, đảm bảo tiến độ công tác vệ sinh đô thị. Nhờ vậy, sự việc đã được xử lý nhanh chóng.

Dựa trên cơ sở về Nền tảng quản lý thống nhất 1 mạng lưới, thành phố Thẩm Dương đã ngày càng nâng cao hơn năng lực quản lý đô thị thông minh, tinh tế của chính quyền thành phố trong các công tác đô thị như quản lý vận hành đô thị, vệ sinh đô thị và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đô thị. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 6.244 km đường đô thị đã được kiểm tra; 153 nguy cơ mất an toàn đã được phát hiện và xử lý trong phạm vi khu vực công của thành phố. Công nghệ radar xuyên đất 3 chiều đã được áp dụng để thăm dò, rà soát và phát hiện các khoang rỗng ngầm dưới mặt đất trên 1.556 km các tuyến đường huyết mạch, 59 điểm tồn tại khoang rỗng sau khi phát hiện đã được khắc phục ngay lập tức. Việc áp dụng công nghệ radar đã giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sập đường, từ đó xử lý kịp thời, triệt để để không xảy ra thiệt hại và thương vong.

Tại Phố Đông, Thượng Hải, các bộ phận quan trọng thực hiện các chức năng quản trị đô thị tương ứng trong Nền tảng quản lý thống nhất mạng lưới đã được công bố, ra mắt và đưa vào vận hành. Bộ phận quản lý vấn đề an ninh trật tự đường phố được phát triển và vận hành bởi Cục Thực thi pháp luật hành chính quản lý đô thị khu vực Phố Đông, Thượng Hải, thực hiện giám sát thông minh đối với các hành vi, hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực quản lý đô thị. Việc chuyển đổi cơ chế thực thi pháp luật từ phương thức cứng nhắc truyền thống sang giám sát thông minh trong suốt từng thời kỳ và trong toàn khu vực đã giúp giải quyết hiệu quả sự thiếu tương thích giữa con người và máy móc, khiến công nghệ trở thành công cụ phối hợp tối ưu của con người trong vấn đề quản lý đô thị.

Trong các bộ phận hệ thống thuộc Nền tảng quản lý thống nhất tại Phố Đông, Thượng Hải, Nền tảng quản lý tổng hợp Làng đô thị thông minh của thị trấn Đường Trấn đã hiện thực hóa việc nâng cao trình độ quản lý cơ sở đối với các làng đô thị một cách khoa học, thông minh. Phòng cháy chữa cháy kỹ thuật số là kịch bản ứng dụng đầu tiên được thực hiện trên nền tảng này. Căn cứ vào mức độ rủi ro về an toàn cháy nổ, nền tảng đã phát triển bộ tiêu chí đánh giá dành cho đội ngũ thanh tra viên đến khảo sát các vấn đề về phòng cháy chữa cháy của từng hộ gia đình, bao gồm 7 danh mục chính và 13 danh mục phụ về các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn phòng cháy chữa cháy như sử dụng khí hóa lỏng và hệ thống dây điện...; đồng thời thiết lập quy trình quản lý giám sát toàn diện diễn ra theo từng khâu - từ phát hiện vấn đề đến xác nhận, đưa ra phương án xử lý, đôn đốc xử lý và hoàn thành việc xử lý vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện công tác quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy các làng đô thị của đội ngũ cán bộ địa phương.

Tỉnh Hà Nam cũng đã phát huy được đầy đủ vai trò quản trị đô thị thông minh của Nền tảng quản lý thống nhất trên toàn địa bàn, đồng thời nghiên cứu và ban hành thêm nhiều chủ trương xây dựng các dự án quản lý vận hành đô thị thông minh, quản lý bãi đỗ xe thông minh và quản lý an toàn giao thông đô thị thông minh… Ngoài ra, việc chia sẻ và kết nối dữ liệu từ nền tảng quản lý của các thành phố (và các quận/huyện/thị trấn tương đương cấp thành phố) trực thuộc tỉnh đến nền tảng quản lý cấp tỉnh và cấp Bộ đang được thúc đẩy mạnh mẽ, hiện nay, dữ liệu từ các nền tảng quản lý của 17 thành phố (và các đơn vị tương đương cấp thành phố) của tỉnh Hà Nam đã được liên kết, tổng hợp và đồng bộ hóa trong nền tảng quản lý của tỉnh, và dữ liệu từ nền tảng quản lý của tỉnh Hà Nam cũng đã được liên kết, tổng hợp và đồng bộ hóa trong nền tảng quản lý của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn. Chính quyền tỉnh Hà Nam cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá toàn diện đối với công tác giám sát vận hành, quản lý đô thị, nội dung chủ đạo xoay quanh 5 tiêu chí: vệ sinh, sạch đẹp, trật tự, an toàn và sự hài lòng của người dân. Việc thu thập và đánh giá dữ liệu được tiến hành thông qua giám sát thời gian thực, báo cáo từ nền tảng, khảo sát thực tế và điều tra bằng phiếu câu hỏi…

Đổi mới và áp dụng các kịch bản thông minh phù hợp với điều kiện địa phương

Hiện nay, các cơ quan quản lý công tác nhà ở và phát triển đô thị - nông thôn ở nhiều địa phương Trung Quốc đang tập trung chuyển đổi kỹ thuật số và lấy quản trị thông minh làm trọng tâm phát triển, liên tục nâng cấp các hệ thống mạng lưới số trở thành các nền tảng quản lý đô thị, nỗ lực nâng cao năng lực nhận thức và hành động trong quản lý đô thị để đảm bảo đô thị được vận hành một cách an toàn và có trật tự.

Thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới. Để giải quyết khó khăn trong vấn đề quản lý mạng thiết bị IoT, các thuật toán tự động đã được áp dụng trong các hệ thống cảm biến như hệ thống giám sát video trên xe tải vận chuyển phế thải xây dựng, trên thiết bị nâng hạ…để kiểm soát việc truyền dữ liệu đến các nền tảng quản lý. Để giải quyết vấn đề khai thác và tiêu thụ phế thải xây dựng, các dòng phát thải phế thải xây dựng được phân tích dựa trên dữ liệu thời gian thực của phương tiện vận chuyển phế thải, trạng thái của phương tiện vận chuyển (đang trống/chất tải nặng), trạng thái nâng hạ, công trường xây dựng và thị trường tiêu thụ… Để giải quyết các khó khăn trong quản lý chất lượng cơ giới hóa bảo vệ môi trường trên phạm vi nhiều doanh nghiệp xây dựng, mô hình quản lý “chất lượng theo số lượng” đã được thiết lập nhằm thực hiện chức năng đánh giá và cảnh báo sớm về tình hình hoạt động thực tế của từng bộ phận, giúp nâng cao chất lượng hoạt động và củng cố trách nhiệm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, để giải quyết những vấn đề vướng mắc khác trong quản lý vận hành đô thị như bán hàng rong, xả rác bừa bãi hay đậu xe tùy tiện, lộn xộn…, các thuật toán được áp dụng trong các hệ thống giám sát với chức năng xác định và cảnh báo sớm, từ đó nâng cao khả năng phát hiện vấn đề.

Tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh việc phát triển nhiều kịch bản ứng dụng phong phú trong quản lý đô thị thông minh. 26 quận/huyện, thành phố bao gồm thành phố Hạc Bích đã xây dựng hệ thống quản lý bảo vệ môi trường thông minh; 12 quận/huyện, thành phố đã xây dựng hệ thống quản lý lâm viên sinh thái thông minh; 11 quận/huyện, thành phố đã xây dựng hệ thống quản lý thực thi pháp luật quản lý đô thị thông minh; 15 quận/huyện, thành phố (trong đó có thành phố Lạc Dương) đã xây dựng hệ thống quản lý bãi đỗ xe thông minh…. Ngoài ra, tất cả cấp các địa phương tại tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao các chức năng giám sát vận hành đô thị. Hơn 40.000 nắp hố ga thông minh đã được lắp đặt trên toàn tỉnh. Thành phố Trịnh Châu về cơ bản đã hoàn thành việc thiết lập một nền tảng giám sát, cảnh báo sớm và kiểm soát lũ lụt đô thị.

Trang Tin tức Xây dựng Trung Quốc, tháng 5/2023

ND: Ngọc Anh

Tin có liên quan

Loading ...