Ngày đăng 12/09/2023 | 12:00 AM

Xử lý nước thải tại châu Âu và tại Mỹ

(BXD) Xử lý nước thải đang là một vấn đề hết sức cấp bách, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người. Tiêu chảy, dịch tả, bệnh ngoài da và nhiều bệnh khác có thể xuất hiện do xử lý nước thải kém chất lượng. Vậy nước thải là gì? Đó là nước bị ô nhiễm bởi chất thải có nguồn gốc khác nhau, phần lớn là chất thải sinh hoạt và chất thải từ các hoạt động sản xuất. Nước mưa cũng được coi là nước thải.

Các phương pháp xử lý nước thải ở châu Âu

Nước thải phải qua nhiều công đoạn xử lý trước khi thải bỏ ra sông, hồ. Có một số tiêu chuẩn cụ thể để kiểm tra chất lượng nước thải đã qua xử lý; các tiêu chuẩn cũng khác nhau tại các quốc gia. Các nước châu Âu được coi là đi đầu trong lĩnh vực xử lý nước thải. Theo các số liệu  của Environmental performance index, các quốc gia hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực liên quan gồm có Malta, Hà Lan và Luxembourg.

 

Ảnh: Một trạm xử lý nước thải tại Hà Lan

 Các nước châu Âu không chỉ áp dụng các phương pháp cơ học và hóa học truyền thống mà cả các biện pháp sinh học để xử lý nước thải, trong đó có việc sử dụng thực vật và vi sinh để phân hủy các chất độc hại. Phương pháp xử lý này tương đối mới so với các phương pháp cơ học và hóa học, tuy nhiên Chính quyền đang ngày càng chú trọng hơn tới các công nghệ "xanh" để xử lý. Kinh tế tuần hoàn cũng đang được áp dụng tại các công trình xử lý nước thải, tức là trong quá trình xử lý, lượng chất thải không thể tái sử dụng chỉ ở mức tối thiểu, và phần lớn bùn thải thu được có thể tận dụng để sản xuất khí sinh học. Bằng cách này, các trạm xử lý nước thải ở châu Âu không chỉ làm giảm lượng nước thải mà còn biến nước thải thành nguồn năng lượng giá trị. Tổng chiều dài hệ thống cống thoát nước thải tại EU ước tính khoảng ba triệu km, với hơn 18.000 trạm xử lý.

Chất lượng nước thải tại EU được giám sát bằng những tiêu chuẩn cao; không tuân thủ các tiêu chuẩn này buộc phải nộp phạt, với số tiền phạt tùy theo loại chất gây ô nhiễm. Tại hầu hết các quốc gia EU, khoản tiền này được dùng để phát triển mạng lưới công trình xử lý nước thải. Ví dụ, ở Ba Lan, số tiền thu được từ nộp phạt được chuyển vào Quỹ bảo vệ môi trường và quản lý nước của quốc gia và khu vực.

Phương pháp xử lý nước thải của Mỹ

Mỹ có các trạm xử lý nước thải lớn nhất trên thế giới, rải rác tại Detroit, Chicago, Boston và Washington. Tổng cộng, các trạm này sản xuất tới 8.013.000 m3 nước tinh khiết mỗi ngày trong điều kiện thời tiết không mưa.

Trạm xử lý nước thải trên đảo Deer (Boston) đáng chú ý hơn cả, chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ của đảo và  lớn thứ hai ở Mỹ. Trạm có 12 "ổ" để phân hủy hiếu khí các chất ô nhiễm. Các “ổ” đều cần thiết để phân hủy bùn thải thành khí metan, carbon dioxide và nước.Trạm có thể hoạt động tự chủ nhờ khí metan tạo ra, nhờ đó, một lượng lớn tài nguyên có thể tiết kiệm. Ngoài ra, một phần các chất đã phân hủy được chuyển qua đường hầm đến Quincy, tại đây tiếp tục được tái chế thành phân hữu cơ.

Ảnh: Trạm xử lý nước thải trên đảo Deer, Boston, Mỹ

Cùng với các phương pháp xử lý nước thải hiện có, trên toàn thế giới hiện nay đang tích cực triển khai các phương pháp xử lý thay thế mới; một số biện pháp trong đó cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, hiện nay, việc nghiên cứu ảnh hưởng của mặt trời, cụ thể là quang xúc tác đang được tiến hành. Các chất đặc biệt - chất xúc tác quang - có khả năng oxy hóa các chất hữu cơ, trong đó titan dioxit TiO2 được sử dụng làm chất xúc tác quang do giá rẻ. Tuy nhiên, chất này chỉ phản ứng trong ngưỡng ánh sáng hẹp, và các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển các loại chất xúc tác quang mới cho hiệu quả cao hơn.

Công nghệ phản ứng sinh học màng cũng đang phổ biến. Công nghệ kết hợp các phương pháp làm sạch sinh học và làm sạch bằng màng. Bản chất công nghệ là nước thải sau khi làm sạch sinh học sẽ đi vào lò phản ứng sinh học. Dưới đáy lò có các màng phân tách nước thải thành hai dòng khác nhau - bùn hoạt tính có thể tái sử dụng và nước đã được xử lý. Cách đây không lâu, biện pháp điện hóa trong xử lý nước thải bắt đầu phát triển. Biện pháp này giúp loại bỏ tạp chất kim loại nặng khỏi nước, đặc biệt là crom; đòi hỏi các điện cực bằng thép, đồng thời bản thân quy trình dựa trên quá trình oxy hóa crom hóa trị ba thành crom hóa trị sáu ở cực dương. Tuy vậy, công nghệ này không thể đảm bảo loại bỏ (ở mức cao) các kim loại khác ngoài crom, do đó khuyến nghị đồng thời sử dụng các chất phản ứng.

 

https://waterservice.kz/ , 2022

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...