Ngày đăng 12/09/2023 | 12:00 AM

Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu của các thành phố

(BXD) Các thành phố trên khắp thế giới đang nghiên cứu triển khai các kế hoạch hành động toàn diện nhằm cùng ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Các mục tiêu nhiệm vụ liên quan tới phát thải luôn đi liền với nhu cầu tiêu thụ, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược và thông qua các giải pháp, nâng cao trách nhiệm báo cáo và thông tin cho doanh nghiệp và cộng đồng về phương hướng hoạt động. Các quan chức chính phủ ở cấp độ quốc gia cũng như vùng miền đang tích cực làm việc với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, các cộng đồng để mang lại sự thay đổi ở mọi cấp độ, từ can thiệp về mặt cơ cấu vào chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp cho tới các lựa chọn của cá nhân.

Điều này cho thấy nhận thức ngày càng tăng về vai trò của các thành phố trong việc giảm nhẹ các tác động bất lợi khi nhiệt độ tăng lên. Theo báo cáo thành phố thông minh bền vững, các thành phố chịu trách nhiệm cho 67% nhu cầu năng lượng của thế giới và tiêu thụ 40% tổng năng lượng. Các trung tâm đô thị chiếm 70% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu và ngày càng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các thành phố đã và đang trải qua nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, và đang đưa ra các kế hoạch, hướng dẫn hành động của riêng mình nhằm giải quyết những vấn đề và đề xuất các biện pháp phù hợp, khả thi để ứng phó với các rủi ro tiềm tàng.

Khái niệm “nền kinh tế bánh vòng” của nhà kinh tế học Kate Raworth

Các tổ chức quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu đã triển khai nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ chính quyền các đô thị hướng đến các chiến lược phát triển bền vững, trong số đó có Trung tâm kiến ​​thức C40, được điều hành và duy trì bởi C40 Cities Climate Leadership Group. Theo các số liệu thống kê, số lượng các thành phố triển khai kế hoạch hành động tổng thể chống biến đổi khí hậu đang tiếp tục tăng lên.

Năm 2020 - khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, dự án Amsterdam City Doughnut đã được khởi động. Dự án dựa trên khái niệm “nền kinh tế bánh vòng (doughnut)” của nhà kinh tế học người Anh Kate Raworth - một mô hình thay thế cho nền kinh tế tăng trưởng. Mô hình này hiện được thành phố Amsterdam chính thức áp dụng làm điểm khởi đầu để thông qua các giải pháp trong lĩnh vực chính sách công. Amsterdam là thành phố đầu tiên trên thế giới nhận trách nhiệm này; tiếp theo, Brussels, Melbourne, Berlin, Sydney đã bắt đầu tài trợ cho các sáng kiến . Mô hình vận hành như một la bàn cho phép thành phố đạt được các mục tiêu về khí hậu, xã hội và kinh tế mà không gây tổn hại lẫn nhau; được minh họa như chiếc bánh vòng, thể hiện sự cân bằng giữa những gì con người cần và giới hạn chịu đựng của Trái đất. Vòng trong của chiếc bánh biểu thị mức sống tối thiểu - căn cứ theo Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đã đưa ra. Mức sống này bao gồm những yếu tố thiết yếu để một quốc gia phát triển (lương thực, nước sạch, năng lượng, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới…). Vòng ngoài của chiếc bánh chính là ranh giới sinh thái của Trái đất mà con người không được xâm phạm (khí hậu, đất, đại dương, tầng ozone…) do mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Con người ở giữa hai vòng tròn là lý tưởng nhất, bởi đây là nơi có nền tảng xã hội tốt, tài nguyên của Trái đất không bị khai thác quá mức. Đương nhiên, không ai muốn rơi vào lỗ hổng giữa chiếc bánh, nơi thiếu hụt mọi thứ thiết yếu nhất của cuộc sống. Với mô hình “kinh tế bánh vòng”, Amsterdam hướng tới các mục tiêu môi trường đầy tham vọng, gồm kế hoạch trung hòa khí carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, nghĩa là tất cả vật liệu sẽ được sử dụng theo quy trình khép kín thay vì kết thúc tại các bãi chôn lấp phế thải. Tuy nhiên, thành phố đã nhanh chóng nhận ra cần phải xây dựng chiến lược tổng thể, trong đó có các mục tiêu xã hội. Ví dụ nhà ở đang là một thách thức, bởi gần 20% người thuê nhà không đủ khả năng chi trả các chi phí cơ bản sau khi thanh toán tiền thuê nhà. Hay vấn đề nhà ở ảnh hưởng như thế nào tới ô nhiễm không khí và sức khỏe người dân...

Mô hình kinh tế bánh vòng của Amsterdam 

Tất cả đều phải tính đến sự kết nối giữa các yếu tố với nhau. Những phân tích đã giúp Amsterdam tạo mô hình “bánh vòng” của thành phố - một bức tranh toàn cảnh về những thách thức mà thành phố đang đối mặt, giúp thành phố nhận biết thay đổi nào là cần thiết, liệu kế hoạch đang áp dụng có trở nên bất khả thi hay không.

San Francisco đã triển khai một trong những kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu toàn diện và tham vọng nhất từ ​​trước đến nay, nhằm tiêu thụ và phát thải theo từng lĩnh vực riêng. Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu năm 2021 được nghiên cứu trong phạm vi một quy trình toàn diện mà cốt lõi là sự công bằng đối với khí hậu. Quá trình này có sự tham gia của các Sở ban ngành thành phố, người dân, cộng đồng và doanh nghiệp, trọng tâm là liên kết các cộng đồng với nhau nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và liên kết với các kế hoạch riêng bảo đảm tính bền vững trước các mối nguy và biến đổi khí hậu.

Tuy phần lớn các kế hoạch là những tổ hợp các chiến lược được phối hợp rất phức tạp, song các quy tắc riêng lẻ cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự vận hành và diện mạo của các thành phố. Cuối tháng 4/2021, Nam California đã áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc sử dụng nước của cư dân. Từ ngày 1/6 cùng năm, người dân chỉ được phép tưới sân, vườn mỗi tuần một lần. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, bang có thể áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn đối với bất kỳ hoạt động tưới nước ngoài trời không cần thiết nào. Khoảng 30% lượng nước tiêu thụ mỗi ngày của một hộ gia đình thuộc về tưới ngoài trời, do đó cắt giảm công việc này là một cách thực tế để tiết kiệm nước.

Những hạn chế về tưới nước kết hợp với nhiệt độ cao của Nam California trong những tháng hè sẽ bắt buộc người dân phải thay thế những bãi cỏ tươi tốt và những luống hoa tươi bằng những loại thực vật địa phương thích hợp thời tiết khô hạn. Thiết kế có tính đến tình trạng khan hiếm nước không đơn giản chỉ là loại bỏ tất cả các loài thực vật “khát” nước và thay thế bằng các loài thích nghi hơn với điều kiện nắng nóng, khô hạn, mà còn bao gồm việc xem xét những phương án khác để tiết kiệm nước như thu gom và trữ nước mưa, tái sử dụng nước thải.

Trong điều kiện hạn hán thường xuyên, Chính quyền bang đang linh hoạt hơn khi ban hành các quy định mới về trồng cây chịu hạn, khuyến khích loại bỏ cỏ than bùn và thậm chí tái sử dụng nước từ bồn rửa và buồng tắm.

Nguồn: ArсhDаilу 2021

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...