Ngày đăng 12/09/2023 | 12:00 AM

Hệ thống quản lý chất thải của Nhật Bản - triển vọng áp dụng tại Liên bang Nga

(BXD) Ở Nhật Bản, vấn đề chất thải đã được giải quyết thành công suốt nhiều năm qua. Nửa sau thế kỷ XX, Nhật Bản đã trải qua phép màu kinh tế, trở thành một cường quốc công nghiệp. Cùng với kim ngạch thương mại gia tăng, các thành phố Nhật Bản bắt đầu phát triển và theo đó là lượng rác thải cũng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, Nhật Bản đã hóa giải thành công vấn đề này. Khoảng 4 thập kỷ trước đây, đất nước còn “chìm ngập” trong rác; giờ đây đường phố sạch sẽ và mức độ sinh thái cho phép Nhật Bản luôn nằm trong số những quốc gia đạt thứ hạng cao về chỉ số hiệu quả môi trường. Kinh nghiệm thành công của Nhật Bản trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện mức sống của người dân đang được nhiều quốc gia học hỏi.

Mục đích của bài viết là nghiên cứu các phương pháp người Nhật đã áp dụng để quản lý lượng chất thải khổng lồ, đồng thời đề xuất cách áp dụng triển khai những biện pháp này trong thực tế đời sống tại Liên bang Nga. Chủ đề của bài viết vô cùng cấp thiết, bởi các nhà khoa học, nguyên thủ quốc gia và mọi công dân hiện nay đều quan ngại trước thực trạng môi trường. Dân số trên Trái đất đang tăng lên nhanh chóng, kéo theo lượng rác thải cũng tăng nhanh. Nếu không nỗ lực kiểm soát lượng chất thải, sự sống trên Trái đất sẽ bị đe dọa.

Đường phố Nhật Bản rất sạch dù lượng người đi bộ và các phương tiện giao thông luôn đông đúc

Hệ thống quản lý chất thải ưu việt của Nhật Bản hiện nay không phải hình thành chỉ trong một sớm một chiều, mà là kết quả từ những thay đổi dần dần, có chủ đích và sự tương tác giữa chính quyền trung ương, địa phương và người tiêu dùng. Nhật Bản đã từng đối mặt vấn đề cực kỳ nghiêm trọng thời gian sau chiến tranh, do lượng chất thải phát sinh quá lớn. Nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và hưng thịnh, cùng với dân số các đô thị gia tăng. Vào thời kỳ này, rác được tích tụ gần nhà của người dân, rồi đổ ra sông, ra biển. Lượng côn trùng mang nhiều mầm bệnh khác nhau do đó có cơ hội phát triển, xâm lấn mạnh trong cuộc sống đô thị. Để giải quyết tình trạng này, năm 1954, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Luật về vệ sinh công cộng, theo đó chính quyền các địa phương có trách nhiệm thông qua các giải pháp cấp bách mà không có hỗ trợ vật chất cũng như kỹ thuật từ chính quyền trung ương; mọi công dân có trách nhiệm hợp tác với chính quyền sở tại trong việc phân loại và xử lý rác thải.

Năm 1963, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra kế hoạch 5 năm về phát triển các điều kiện sống thoải mái, thuận lợi. Các chính quyền và khối doanh nghiệp tư nhân đã rất nỗ lực để phát triển các công nghệ đốt rác, xây dựng hệ thống thu gom tự động và vận chuyển chất thải. Chất thải được chia thành hai loại: hộ gia đình và công nghiệp; trong đó chất thải công nghiệp vẫn là một vấn đề. Để giải quyết vấn đề, năm 1970, Luật Quản lý chất thải ra đời, buộc các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm xử lý chất thải công nghiệp. Một bước quan trọng là việc thành lập cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm thường xuyên ban hành các luật liên quan đến chống ô nhiễm - Cơ quan Bảo vệ môi trường (năm 1971). Những biện pháp mạnh của Chính phủ đã được người dân Nhật đồng thuận cao.

Người dân Nhật Bản nắm vững cách thức phân loại chất thải

Điều này đặc biệt thấy rõ tại Thủ đô Tokyo, khi người đứng đầu Tokyo tuyên bố "cuộc chiến chống chất thải". Nhận thức của người dân về vấn đề rác thải được nâng cao, cùng với trách nhiệm của mỗi cá nhân. Giai đoạn chuyển giao sang thế kỷ XXI ghi dấu bằng sự ra đời Luật cơ bản về tái chế, gồm những nguyên tắc quan trọng nhất mà người dân Nhật Bản cho tới nay vẫn tuân thủ - giảm tiêu thụ, tái sử dụng, tái chế và xử lý đúng cách.

Hệ thống quản lý chất thải của Nhật Bản lấy cốt lõi là nguyên tắc thu gom có phân loại. Chất thải được chia thành nhiều loại, mỗi loại sau đó được đưa đi tái chế hoặc xử lý. Có bốn loại chính: dễ cháy (rác thực phẩm, vải), không cháy (polyethylene, đồ cao su), có thể tái chế (nhựa gia dụng, thủy tinh, giấy vụn) và rác cồng kềnh (đồ nội thất, đồ gia dụng lớn). Ngoài 4 loại cơ bản trên còn có các loại hiện có, các loại rác bổ sung, mỗi địa phương có hệ thống phân loại riêng. Ví dụ, thành phố Kakimatsu nổi tiếng nhờ phân loại rác. 44 loại rác đã được thành phố quy định, còn chính cư dân thành phố đã đề ra mục tiêu chuyển đổi sang cộng đồng “không rác thải”. Ngoài việc chất thải được phân loại, mỗi loại còn được quy định chuyển đi vào một ngày nhất định trong tuần. Nếu nhầm thì sẽ không được nhận, hơn nữa có thể bị đánh dấu và phạt tiền (cá nhân hoặc toàn bộ khu nhà ở). Do đó, phân loại sai và vứt rác sai đôi khi sẽ là nguyên nhân thực thụ cho mối quan hệ thiếu thân thiện giữa hàng xóm láng giềng. Đây là cách vận hành yếu tố trách nhiệm xã hội và xử lý vi phạm của nhà nước.

Một người chưa bao giờ trải qua việc thu gom chất thải có phân loại rất có thể nhầm lẫn lúc ban đầu. Đó là lý do tại sao người Nhật từ nhỏ đã được giáo dục việc tuân thủ một cách có hệ thống. Phân loại rác thải trở thành thói quen hàng ngày của người Nhật. Ngoài việc mọi công dân thành thục kỹ năng phân loại rác từ bé, còn nhiều biện pháp khác để phát triển văn hóa sinh thái của họ. Triết lý “mottainai” là một trong số đó, với phương châm "không vứt bỏ chừng nào chưa sử dụng đầy đủ”. Mặc dù một trong những mục tiêu chính của triết lý là giảm sử dụng túi nhựa, song triết lý cũng áp dụng cả với các sản phẩm gia dụng khác. Các nguyên tắc “mottainai” giao thoa hài hòa với các nguyên tắc của Thần đạo - tôn giáo chính của Nhật Bản. Theo quan niệm “mottainai”, loài người được ban tặng mọi phúc lợi trên Trái đất; tiêu xài lãng phí, đánh mất hoặc vứt bỏ thứ gì đó đều là tội lỗi.

Như vậy, ý thức và thái độ trách nhiệm của người dân là một phần nền tảng của hệ thống quản lý rác thải Nhật Bản. Không có nền tảng này, những hành động tiếp theo sẽ không còn giá trị.

Sau khi phân loại và thu gom sẽ là xử lý hoặc tái chế. Cần lưu ý 20,8% chất thải tại Nhật được tái chế. Chai nhựa được tái chế để trở thành chai nhựa một lần nữa. Điều này làm giảm 90% mức tiêu thụ tài nguyên cho sản xuất. Chai nhựa biến thành nhựa nguyên chất và có thể được sử dụng để làm các vật dụng khác như quần áo thể thao hay đồng phục công sở. Các thiết bị điện tử cũ cũng được tái chế. Thậm chí, người Nhật khai thác kim loại màu và sắt chủ yếu từ rác thải, vì đất nước vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên.Tỷ lệ rác còn lại không thể tái chế được đưa đi xử lý. Do lãnh thổ nhỏ nên Nhật cấm chôn lấp rác. Biện pháp xử lý khác được chọn là đốt rác.

Nhà máy đốt rác Masimai tại Osaka với bề ngoài không khác tòa lâu đài trong cổ tích

Thực tế, đốt rác không phải là phương án phổ biến nhất tại nhiều nước khác do bản chất của biện pháp này là thiếu thân thiện với môi trường; tuy nhiên, Nhật Bản đã làm chủ  công nghệ khí hóa plasma tiên tiến. Tất cả các nhà máy đốt rác đều được trang bị hệ thống này. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng dòng plasma có nhiệt độ từ 1200ºС trở lên. Ở nhiệt độ cao như vậy, nhựa không được hình thành và chất thải độc hại bị phân hủy. Kết quả, từ 30 tấn rác còn lại 6 tấn tro; tro này sau đó được làm sạch và sử dụng để xây dựng các tòa nhà, làm đường...

Các nhà máy đốt rác tại Nhật Bản ngoài việc được trang bị hệ thống khí hóa plasma hiện đại còn sử dụng công nghệ biến chất thải thành năng lượng, qua đó tự bảo đảm năng lượng để vận hành và cung cấp cho một số cơ sở khác. Các nhà máy đốt rác vừa xử lý chất thải hiệu quả, vừa là những công trình kiến trúc độc đáo, hấp dẫn. Nhà máy đốt rác tại Osaka (tác giả là  KTS. Friedensreich Hundertwasser) nhìn bên ngoài không khác một lâu đài trong truyện cổ tích; bên trong được trang trí bằng nhiều tranh vẽ của chính tác giả. Qua đây có thể thấy các công việc trong lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải được coi là có uy tín và rất được tôn trọng tại Nhật Bản.

Các biện pháp đấu tranh với rác thải ở Nhật Bản cho kết quả thấy rõ: đường phố sạch sẽ, không có bãi rác ở ngoại ô thành phố. Số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản cho thấy, mỗi công dân Nhật sản xuất 994 gram rác mỗi ngày. Con số này đã giảm thấp hơn 191 gram so với một thập kỷ trước, cho thấy tiến trình giảm chất thải chậm nhưng chắc, và vẫn đang tiến triển tốt.

Nhìn vào thực trạng tại Nga, khoảng 31 tỷ tấn chất thải không được xử lý tích tụ trên toàn lãnh thổ, và mỗi năm, con số này tăng thêm khoảng 600 triệu. Nga có rất ít nhà máy tái chế chất thải và tổ hợp phân loại chất thải. Điều này được lý giải là do việc đưa chất thải đến các bãi chôn lấp rẻ hơn nhiều, nhờ tài nguyên đất đai rộng lớn. Nhưng cách xử lý này để lại nhiều hệ quả bất lợi cho môi trường và sức khỏe con người. Khi chất thải các loại lẫn lộn hỗn tạp, dưới tác động của ánh sáng mặt trời sẽ sản sinh nhiều chất độc hại làm ô nhiễm bầu không khí, đất và nước. Mặt khác, khung pháp lý về quản lý chất thải của Liên bang Nga chưa hoàn thiện. Thùng chứa cho các loại chất thải khác nhau chỉ có tại một số thành phố. Văn hóa sinh thái của người dân vẫn ở mức rất thấp. Nhiều người thực sự quan tâm đến môi trường, mong muốn phân loại rác sẽ nhanh chóng nhận ra: rác dẫu có được phân loại thì điểm tập kết cuối cùng vẫn là một thùng chứa, hay một bãi rác chung. Do đó, người dân thường không thấy ý nghĩa trong việc phân loại chất thải.

Đảo Odaiba trong Vịnh Tokyo - đảo nhân tạo được bồi đắp hoàn toàn từ chất thải công nghiệp

Dựa vào kết quả phân tích các phương pháp quản lý chất thải ở Nhật Bản và điều kiện thực tế của Liên bang Nga, tác giả đề xuất một số biện pháp như sau cho Nga:

Thứ nhất, cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ để điều tiết vấn đề rác thải. Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản dành khoản tiền lớn cho việc nghiên cứu các phương pháp mới, hiệu quả để xử lý và tái chế chất thải một cách an toàn đối với môi trường. Mức phạt cao ở Nhật Bản đã dạy người dân phải có trách nhiệm phân loại rác. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm, cần có cơ chế ưu đãi nhất định cho công dân chấp hành tốt và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Thứ hai, và là điều quan trọng, cần nâng cao trình độ văn hóa sinh thái của người dân, bởi vì suy cho cùng, mọi thứ đều bắt đầu từ con người. Thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường; thông tin tuyên truyền về chủ đề quản lý chất thải sẽ giúp người dân nhận thức được vai trò của bản thân trong quá trình tái chế và xử lý chất thải, đồng thời giúp cho việc phân loại chất thải trở nên dễ nắm bắt, đơn giản hơn. Liên bang Nga và mỗi công dân Nga có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý chất thải và áp dụng các biện pháp tương tự. Một trong những bí quyết thành công là sự tương tác của các cấp chính quyền và xã hội. Cần làm sao để phân loại rác thải trở thành một thói quen. Giáo dục trẻ em như ở Nhật Bản sẽ giúp nuôi dưỡng thế hệ những công dân mới hiểu rõ cần ứng xử với rác thải như thế nào.

Thứ ba, việc xây dựng các nhà máy công nghệ cao để tái chế và đốt rác sẽ giải phóng đáng kể đất đai làm các bãi chôn lấp. Số tiền đầu tư xây dựng các nhà máy sẽ được bù hoàn bởi tái chế chất thải có thể trở thành hoạt động kinh doanh có lãi - sẽ có nhiều nguyên liệu thứ cấp hơn để sản xuất hàng hóa mới. Cần công khai hoạt động của các nhà máy, minh bạch quá trình tái chế, xử lý chất thải để mọi người đều hiểu vai trò của mình trong chuỗi này.

Bài tham luận tại Hội nghị Khoa học quốc tế lần thứ XI (năm 2021) tại Sochi (Nga)

Tác giả: TS. Shliagova E. - nhà môi trường

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...