Ngày đăng 27/09/2022 | 12:00 AM

Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26

(BXD) Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân, để cùng đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và chất lượng sống tại các khu vực đô thị và nông thôn
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi cá nhân, để cùng đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và chất lượng sống tại các khu vực đô thị và nông thôn; đồng thời là một diễn đàn mở để các bên tham gia cùng chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về cơ chế chính sách, công nghệ, thiết bị và vật liệu mới phục vụ xây dựng công trình xanh, phát triển đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đô thị - nông thôn, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng của Việt Nam.


Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, tiếp nối thành công này, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”do Bộ Xây dựng chủ trì, với sự đồng phối hợp tổ chức của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), IEC Consulting, đã diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh trong 2 ngày 13 – 14/10/2022 và thành công tốt đẹp. 

Cuối năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), 4 mục tiêu chính đã được đưa ra: đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,50C; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên; đoàn kết vì mục tiêu khí hậu. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ - đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0. 

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội. Những cam kết đang từng bước được thực hiện trong nhiều chính sách quốc gia như: Chiến lược và Kế hoach hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững… Các Bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26. Mới đây, ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”. 

Để đạt mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực là sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà và quá trình công nghiệp, Bộ Xây dựng coi việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng. 

Qua hơn 10 năm phát triển, hiện Việt Nam mới có hơn 230 công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 6 triệu m2. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động tại Việt Nam, cũng như so với tiềm năng, yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Thực tế này đòi hỏi cần phải có nhiều cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu đặt ra. Hơn nữa, thực tiễn phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Để thúc đẩy phát triển công trình xanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh… Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD; từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE. 

Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam được tổ chức thành sự kiện thường niên của ngành Xây dựng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022, chuỗi các hoạt động như: tham quan thực tế tại dự án công trình xanh; trao chứng nhận công trình xanh và vinh danh các đơn vị có đóng góp trong việc thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam; đặc biệt Phiên Toàn thể và 3 Phiên thảo luận chuyên đề, cùng một số hoạt động bên lề tổ chức tại các địa phương như các hội thảo, khóa đào tạo, các hoạt động truyền thông đã mang đến những kiến thức bổ ích, thiết thực cho tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Tại các phiên họp - thảo luận, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các báo cáo viên cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm quy hoạch, phát triển công trình xanh và xây dựng đô thị bền vững, hướng tới hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong đó, Phiên toàn thể do lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện các Bộ ngành liên quan, đại diện các địa phương cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chủ trì, tập trung vào những nội dung then chốt như: giải pháp và kế hoạch  hành động của ngành Xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết COP26; phát triển công trình xanh ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tưới mục tiêu  “Net Zero” (báo cáo của UNDP); cơ chế tài chính và phát huy các nguồn lực cho dự án xanh; đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số thúc đẩy xây dựng công trình xanh bền vững.


Nằm trong chuỗi hoạt động trong sự kiện Tuần lễ Công trình xanh, Bộ Xây dựng đã tổ chức Lễ vinh danh nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có đóng góp lớn cho sự phát triển công trình xanh Việt Nam. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới trao chứng nhận công trình xanh EDGE cho 10 chủ đầu tư có công trình đạt chuẩn năm 2022; Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) trao chứng nhận công trình xanh LOTUS cho 8 chủ đầu tư có công trình đạt chuẩn năm 2022; Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh trao giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2022 cho nhiều tác giả trẻ có những ý tưởng “xanh” tiêu biểu. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã vinh danh cá nhân bà Melissa Merryweather, Giám đốc Green Consult Global, Cựu Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây. 


Triển lãm Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 đã quy tụ hơn 30 nhà cung cấp công nghệ tòa nhà, vật liệu xây dựng, đơn vị phát triển công trình đi đầu trong xu hướng tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp trong nước và khu vực.

Thùy Dung - TTTT

Tin có liên quan

Loading ...