Ngày đăng 29/06/2022 | 12:00 AM

Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

(BXD) Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra nhiều quy định nhằm tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường
Sự phát triển lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, gia tăng dân số khiến lượng phát sinh chất thải rắn ngày càng tăng, thành phần ngày càng phức tạp. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra nhiều quy định nhằm tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Luật cũng quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải. 

Lượng rác thải sinh hoạt có chiều hướng gia tăng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2016 - 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước. Ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Năm 2019, tổng lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 64.018 tấn/ngày, trong đó lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, lượng CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có khối lượng phát sinh lớn nhất, khoảng 12.000 tấn/ngày chiếm 33,6% tổng lượng cả nước. 

Về cơ bản, lượng phát sinh CTRSH ở nông thôn phụ thuộc vào mật độ dân cư và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhìn chung, khu vực đồng bằng có lượng phát sinh CTRSH cao hơn khu vực miền núi; khu vực nào có mức tiêu dùng cao hơn thì lượng CTRSH phát sinh cũng cao hơn. Trong năm 2020, tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn các tỉnh/thành phố là khoảng 81.121 tấn/ngày. Trong đó, các địa phương phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25%.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị của các địa phương trên toàn quốc hiện nay đạt khoảng 95% chất thải phát sinh đạt được mục tiêu đặt ra theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018. Tại nông thôn, nhiều địa phương đã hình thành các tổ tự quản, hội phụ nữ thực hiện việc thu gom chất thải theo tần suất nhất định và chuyển đến điểm tập kết để các công ty môi trường đô thị vận chuyển về cơ sở xử lý. Tuy nhiên, tại một số nơi, chất thải sau khi được thu gom về điểm tập kết lại không được thu gom, vận chuyển về nơi xử lý, làm phát sinh những bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường.

Một số tỉnh, thành phố có sử dụng trạm trung chuyển chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển. Việc lựa chọn các khu vực tập kết và các trạm trung chuyển thường khó khăn, người dân phản đối do việc tập kết và trung chuyển thiếu vệ sinh, gây mùi hôi, nước rỉ rác, thu hút côn trùng, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều điểm tập kết không có mái che nên khi mưa gây ướt, nước rỉ rác bốc mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư đã làm tăng chi phí vận chuyển. Năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, phương tiện vận chuyển còn thô sơ, chưa bảo đảm an toàn khiến rò rỉ, rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.

Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn

Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với coi trọng bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; mục tiêu đề ra đến năm 2025 có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Chỉ thị số 41/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra nhiều quy định mới, cụ thể so với trước đây về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm quy định về phân loại chất thải tại nguồn, lộ trình hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam gồm có: chôn lấp, chế biến phân compost, thiêu hủy và đốt thu hồi năng lượng. Trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 904 bãi chôn lấp (trong đó 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh), 381 lò đốt và 37 dây chuyền chế biến phân compost và một số cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện. Ước tính khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, 16% được chế biến compost và 13% được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt không thu hồi năng lượng.

Về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện đã có 5 công nghệ tái chế được Bộ Xây dựng công nhận gồm 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ (Seraphin và An sinh - ASC), 1 công nghệ tạo viên nhiên liệu RDF (MBT-CD.08), 2 công nghệ đốt (công nghệ ENVIC và BDANPHA) và 2 công nghệ nhập ngoại đang được áp dụng hiệu quả là công nghệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành than sạch và công nghệ đốt chất thải thu hồi năng lượng (EfW), góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian qua.


Hệ thống văn bản pháp quy ngày một hoàn thiện chính là tiền đề pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo định hướng mới; là bước tiến quan trọng để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải; góp phần ngăn chặn các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, công nghệ chôn lấp và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị ngày càng tăng, đáp ứng mục tiêu theo Chiến lược Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị. 

Tại các địa phương, cơ quan chức năng đã xây dựng được các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và tại địa bàn, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH. Một số địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến như đốt có thu hồi năng lượng, từ đó nghiên cứu nhân rộng. Sự quan tâm của các cấp, các ngành, ý thức của người dân và của xã hội ngày càng cao hơn đối với công tác quản lý CTRSH.
Thùy Dung - TTTT

Tin có liên quan

Loading ...