Ngày đăng 07/09/2022 | 12:00 AM

Thâm Quyến (Trung Quốc): Ứng dụng công nghệ cao để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa xây dựng

(BXD) Nhằm tổng kết và phát huy kinh nghiệm của các dự án thí điểm công nghiệp hóa xây dựng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành xây dựng thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), mới đây, Hội nghị đánh giá kết quả và trao đổi kinh nghiệm của Dự án bổ sung thang máy mới trong khu ký túc xá học sinh trường THPT Thâm Quyến đã được tổ chức thành công

Theo các nguồn tin chính thức, Dự án bổ sung thang máy mới được xây dựng và hoàn thành bởi Sở Quản lý công trình công cộng và Cục Nhà ở & Xây dựng thành phố Thâm Quyến, thông qua hình thức đấu thầu chung. Cụ thể, việc tiến hành xây dựng được tổ chức bởi Sở Quản lý công trình công cộng thành phố Thâm Quyến, được giám sát bởi công ty TNHH Tập đoàn tư vấn kỹ thuật công trình Ngũ Châu, công ty TNHH Công nghệ xây dựng Hải Long Trung Quốc và công ty TNHH Xây dựng công trình nước ngoài tại Trung Quốc là tổng thầu EPC. Dự án đã hoàn công và nghiệm thu vào ngày 30/6/2022. Đây là một trong những dự án thử nghiệm tiêu biểu trong Tổng Dự án nghiên cứu công nghiệp hóa xây dựng mới do Chính quyền thành phố Thâm Quyến chủ trương thực hiện, đồng thời cũng là dự án kiến trúc cao cấp đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng công nghệ MiC (công trình xây dựng tích hợp module) với trục thang máy đôi (hệ thống 2 thang máy được lắp đặt trên cùng một cầu trục, giúp 2 cabin thang máy hoạt động lên xuống song song, nhờ vậy tải trọng tăng gấp đôi trong một lượt chuyên chở). 

Toàn cảnh trường THPT thành phố Thâm Quyến - địa điểm triển khai Dự án bổ sung thang máy mới

Áp dụng công nghệ MiC để thực hiện dây chuyền lắp ráp tự động hóa 100%

Dự án bổ sung 8 thang máy có tải trọng 1,6 tấn cho 4 tòa ký túc xá cao tầng, với việc áp dụng công nghệ MiC là chủ chốt. Dự án sử dụng tổng cộng 108 đơn vị module để thực hiện dây chuyền sản xuất lắp ráp tự động hóa 100% đối với các tập hợp ray dẫn hướng thang máy, cửa thang máy và vật liệu trang trí thang máy. Trong quá trình sản xuất các đơn vị module, một nền tảng quản lý công trường thông minh đã được áp dụng để thực hiện giám sát, quản lý kỹ thuật số toàn bộ chuỗi vận hành như lập kế hoạch sản xuất tự động, trực quan hóa tiến độ sản xuất, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR…

Ông Trương Tông Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Hải Long và công ty Xây dựng nước ngoài tại Trung Quốc cho biết, dự án sử dụng thiết bị phân tán năng lượng, cuộn sơ cấp và thứ cấp lý tưởng cho một máy biến áp, phụ gia chống thấm và kết nối chất lượng cao do công ty Hải Long nghiên cứu phát triển độc lập, đảm bảo an toàn, chống gió bão, động đất cho toàn bộ kết cấu công trình. 

Quá trình thi công dựa vào việc áp dụng công nghệ MiC và mô hình lắp ráp

Bản chất của dự án là bổ sung thêm hệ thống thang máy mới, hiện đại cho kiến trúc tổng thể cũ, do đó việc đảm bảo tính chính xác và chất lượng kết nối của kiến trúc cũ và mới được coi như điểm mấu chốt để thi công an toàn, nhanh chóng. Dự án áp dụng dung sai milimet thay cho dung sai centimet của các công trình truyền thống trước kia, kết hợp với hệ thống định vị chính xác cao MiC do công ty Hải Long nghiên cứu để đảm bảo quá trình lắp ráp các module được thực hiện nhanh và chính xác, đồng thời nâng cao mức độ công nghiệp hóa của dự án. Thông qua việc triển khai công nghệ MiC với đặc điểm thời gian xây dựng nhanh, thân thiện với môi trường, kết hợp cùng hệ thống quản lý dựa trên nền tảng kỹ thuật số, công ty Hải Long đã hoàn thành việc xây dựng 108 module trong 4 tòa ký túc xá chỉ trong vòng 66 ngày, kể từ khâu dựng móng cho đến khâu bàn giao thang máy, giúp dự án được hoàn thiện và nghiệm thu vượt tiến độ.

Hiện thực hóa định hướng công trình xanh 

Bên cạnh tính ứng dụng công nghệ cao, dự án cũng đã thể hiện tốt các đặc điểm của công trình xanh tiêu biểu. Thông thường, tổng lượng chất thải của các dự án xây dựng truyền thống có thể lên tới 600 tấn/10.000 m2. Thế nhưng tổng lượng chất thải tại công trường xây dựng của Dự án bổ sung thang máy mới chỉ khoảng 25 tấn/10.000m2, thấp hơn rất nhiều so với mức 300 tấn/10.000m2 của “Tiêu chuẩn đánh giá công trình Xanh” và mức 200 tấn/10.000m2 của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Mục tiêu quy hoạch và phát triển ngành Xây dựng Trung Quốc”.

Ngoài ra, Dự án còn được trang bị các thiết bị có chức năng thu hồi năng lượng, giúp thu hồi và lưu giữ hiệu quả phần năng lượng dư thừa được tạo ra khi thang máy đi lên với tải nhẹ và đi xuống với tải nặng. Phần năng lượng sau khi thu hồi này sẽ được đưa trở lại lưới điện vận hành thang máy để tiếp tục sử dụng, mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng tái chế khoảng 20% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Thang máy đôi, 2 cabin mới bên trong tòa nhà khu ký túc xá trường THPT Thâm Quyến

Dự án có vai trò là dự án thí điểm kiểu mẫu thúc đẩy sự chuyển đổi và nâng cấp của ngành Xây dựng theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống trang thiết bị mới, quy trình mới, kỹ thuật công nghệ xây dựng mới, vật liệu xây dựng mới…Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng mô hình tổ chức song song 3 tuyến: IPMT (quản lý dự án tích hợp) + EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng tích hợp) + kiểm tra, giám sát; hiệu quả của công tác phê duyệt và quản lý dự án đã được cải thiện đáng kể. Đồng thời, nỗ lực phát triển và quản lý khoa học, xây dựng thông minh, xây dựng xanh, công nghiệp hóa xây dựng…cùng với việc áp dụng các công nghệ sản xuất xây dựng tiên tiến như BIM, MiC…đã đảm bảo tính an toàn và chất lượng cao của dự án.

Dự án là một trong những động lực để kiến tạo thành phố kiểu mẫu thí điểm xây dựng thông minh

Tại Hội nghị, đại diện chính quyền thành phố Thâm Quyến đã đánh giá cao chất lượng của Dự án bổ sung thang máy mới trên 3 phương diện: mức độ an toàn cao, đảm bảo tính xanh và bảo vệ môi trường, tốc độ thi công nhanh chóng, đạt chuẩn, đồng thời đưa ra các yêu cầu cụ thể để xây dựng Thâm Quyến trở thành đô thị kiểu mẫu thí điểm xây dựng thông minh cấp quốc gia.

Thứ nhất, tất cả các đơn vị quận, đặc khu kinh tế thuộc thành phố Thâm Quyến cần tích cực triển khai các dự án thí điểm tương tự, thiết lập và cải tiến chuỗi công nghiệp hóa xây dựng mới, đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ đạo. Thứ hai, cần cải thiện hệ thống tiêu chuẩn xây dựng hiện có, đồng thời nhanh chóng thiết lập bổ sung một số tiêu chuẩn địa phương mới về xây dựng thông minh. Thứ ba, các cơ quan ban ngành liên quan cần tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới của các doanh nghiệp xây dựng nhằm đạt được hiệu quả cao hơn. Thứ tư, cần chủ động thích ứng với nguồn lực sản xuất tiên tiến; các bộ phận phê duyệt, quản lý, giám sát cần tìm biện pháp thiết lập cơ chế hoạt động phù hợp với quá trình công nghiệp hóa xây dựng mới. 

Tuân thủ nguyên tắc “hai tăng, hai giảm” để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá xây dựng

Trong giai đoạn hiện nay, Cục Nhà ở và Xây dựng thành phố Thâm Quyến đang chú trọng nghiên cứu chiến lược phát triển dựa trên 5 khía cạnh chính (thực trạng phát triển xây dựng tiền chế trong thành phố; thiết lập quy trình thực hiện nhằm kiểm soát hiệu quả các trọng tâm; thiết lập hệ thống quản lý xây dựng đa chiều hỗ trợ lẫn nhau; tăng cường đầu tư các khu vực có nền tảng phát triển tốt; phát huy tối đa vài trò định hướng chủ đạo của các dự án thí điểm) nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao ngành Xây dựng và công nghiệp hóa xây dựng của địa phương. Bước tiếp theo, Cục Nhà ở và Xây dựng thành phố Thâm Quyến sẽ tiến hành thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với sự thống nhất triển khai của Đảng ủy và Chính quyền thành phố theo nguyên tắc “hai tăng, hai giảm”: nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; coi sự tích cực, ổn định, tin cậy là định hướng cho phương thức và mô hình phát triển, lấy tiêu chí thích ứng với điều kiện tự nhiên của địa phương làm cơ sở cho các biện pháp kỹ thuật, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa xây dựng mới, coi xây dựng tiền chế là một trong những ví dụ về biện pháp tiêu biểu.


Trang Tin tức Xây dựng Trung Quốc, tháng 8/2022

Lệ Minh (biên dịch)

Tin có liên quan

Loading ...