Ngày đăng 07/09/2022 | 12:00 AM

Sản xuất xi măng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

(BXD) “Tương lai xanh của ngành xây dựng Nga” đã trở thành một chủ đề được thảo luận rất kỹ, đa chiều, đa diện trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế lần II "Nhôm trong Kiến trúc và Xây dựng" (AlumForum). Sự kiện được tổ chức vào trung tuần tháng 9 năm 2021 tại Công viên Công nghệ Skolkovo (Moskva) dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Nhà ở và Tiện ích công cộng Liên bang Nga
Tham gia Diễn đàn, các chuyên gia, các nhà khoa học Nga và quốc tế đều nhận định: chiến lược toàn cầu về đảm bảo trung hòa carbon đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách ngay từ giờ phút này. Liên bang Nga đang tích cực tham gia vào chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu: trong năm 2021, Đề án “Chiến lược phát triển dài hạn của Liên bang Nga với mức phát thải khí nhà kính thấp đến năm 2050” đã được hoàn thành, với kịch bản cốt lõi là đến năm 2030, tổng mức phát thải carbon của toàn Liên bang Nga bằng 67% so với năm 1990, đến năm 2050 là 64%.

Ảnh minh họa

Một phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế AlumForum 2021, Moskva (Liên bang Nga)

Các chuyên gia cũng phân tích và chỉ ra: trong xây dựng, không thể chỉ sử dụng nhôm và kính mà không cần bê tông. Bê tông và xi măng luôn có vị trí là vật liệu xây dựng không thể thay thế. Trong 30 năm tới, trên toàn thế giới sẽ có tới 2 tỷ người chuyển đến các thành phố, tương ứng, khối lượng xây dựng nhà ở sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, tương lai phát triển ngành xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào thực trạng của ngành sản xuất xi măng. Mặt khác, các nhà sản xuất xi măng cũng chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải CO2 của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong phiên thứ hai của Diễn đàn - “Kiến tạo tương lai xanh”, ông Vitaly Bogachenko, Giám đốc Quan hệ doanh nghiệp của LafargeHolcim Nga trình bày về kế hoạch giảm lượng khí thải CO2 tại các nhà máy thuộc Tập đoàn Holcim, cụ thể là tới năm 2030 giảm xuống còn 475 kg / tấn xi măng. (Để so sánh, năm 2019, lượng khí thải CO2 từ các cơ sở sản xuất của Tập đoàn là 561 kg /tấn).

Ảnh minh họa

Nhà máy xi măng của LafargeHolcim tại Volsk (Liên bang Nga) 

Theo ông V.Bogachenko, Tập đoàn đặt nhiệm vụ hàng đầu là giảm triệt để lượng khí thải carbon, và để thực hiện điều này có hai giải pháp hiệu quả. Thứ nhất: sử dụng nhiên liệu thay thế thu được từ các loại chất thải khác nhau (bã thải của chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại và lấy ra tất cả các phần tử hữu ích; lốp xe đã qua sử dụng...). Sự góp mặt của sinh khối trong chất thải khiến các loại nhiên liệu dạng này trở nên trung tính carbon, kết quả là lượng khí thải trong quá trình sản xuất giảm xuống đáng kể. Giải pháp thứ hai - thay thế các nguyên liệu thô có hàm lượng carbon lớn; chẳng hạn sử dụng xỉ tại các nhà máy thay cho đá vôi. Công thức sản xuất xi măng do đó hoàn toàn khác: nhờ thành phần mới và nhiệt độ thấp hơn trong quá trình nung, lượng phát thải carbon trong sản xuất xi măng giảm xuống đáng kể, và xi măng thành phẩm là vật liệu xây dựng xanh trên thực tế, chứ không chỉ ở nhãn mác.

LafargeHolcim Nga hiện đang nỗ lực hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. 

Tập đoàn LafargeHolcim là nhà sản xuất vật liệu xây dựng đầu tiên trên thế giới cam kết giảm phát thải dioxide carbon vào năm 2030, trong khuôn khổ Sáng kiến mục tiêu dựa trên khoa học (Science Based Targets initiative). Việc này cùng với các mục tiêu tương lai của Tập đoàn hoàn toàn khả thi nhờ vào việc sử dụng các sản phẩm mới, thân thiện môi trường, trong đó có bê tông xanh ECOPact và xi măng Susteno. Trong thành phần Susteno có tới 20% bê tông tái chế. Còn ECOPact là yếu tố chủ đạo trên lộ trình không phát thải CO₂ của LafargeHolcim với cam kết sản xuất trung hòa carbon trên toàn cầu vào năm 2050.

Bê tông xanh ECOPact đảm bảo lượng khí thải CO₂ thấp - phát thải carbon thấp hơn 30% so với bê tông thông thường. Điều này được xác định bởi việc sử dụng các nguyên liệu thô cho phép giảm mức phát thải cũng như các biện pháp trong hoạt động sản xuất, gồm cả việc sử dụng các dạng nhiên liệu thay thế. ECOPact hiện có mặt tại Argentina, Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Colombia, Ecuador, El Salvador, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Jordan, Mexico, Ba Lan, Qatar, Romania, Serbia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ...

Ông V.Bogachenko nhận định: Khi thế giới bước ra khỏi đại dịch Covid-19, ngành xây dựng, trong đó có sản xuất xi măng và bê tông được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trước. Điều này đương nhiên cần được các nhà hoạt động môi trường, người dân và Chính phủ các nước đặc biệt quan tâm, lý do chủ yếu là phát thải CO2 từ sản xuất xi măng và bê tông chiếm tới 7% tổng lượng phát thải do con người tạo ra. CO2 không chỉ phát thải từ việc đốt nhiên liệu để nung clinker (ở nhiệt độ cao 1400 - 1500°C) mà còn từ quá trình khử carbon của cacbonat canxi - bước đầu tiên cần thiết trong quá trình tạo clinker. Theo các báo cáo của CDP (formerly the Carbon Disclosure Project) được thực hiện từ khoảng giữa đến cuối năm 2018, các nhà sản xuất xi măng trên thế giới cần tăng gấp đôi mức giảm phát thải của mình để đáp ứng mục tiêu kiềm chế ấm lên toàn cầu ở mức 2°C được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (tháng 11/2016). Những hành động thể hiện quyết tâm và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon của các nhà sản xuất xi măng lớn hàng đầu thế giới như LafargeHolcim thực sự rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Theo http://www.stroymat21.ru, tháng 11/2021
Lệ Minh (dịch)

Tin có liên quan

Loading ...