Ngày đăng 27/12/2019 | 12:00 AM

Biến rác thải thành tài nguyên

(BXD) Vấn đề ô nhiễm môi trường, chôn lấp rác thải đang là vấn đề lớn. Từ thực trạng này, cần có giải pháp khoa học, công nghệ để xỷ lý; biến rác thải thành tài nguyên.


Diễn đàn "Công nhân lao động vì môi trường" lần thứ 2. (Ảnh: BL) 

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Công nhân lao động vì môi trường" lần thứ 2.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Diễn đàn nhằm tăng cường vai trò của người lao động tại các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; khuyến khích các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường. Diễn đàn tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động trong việc xử lý, giảm thiểu rác thải nhựa, thực trạng xử lý rác thải nhựa tại các doanh nghiệp, công tác giám sát bảo vệ môi trường của người lao động, chia sẻ các cách làm hay của các tổ chức công đoàn, người lao động về xử lý rác thải, sản xuất, tiêu dùng "xanh".

Những vấn đề ô nhiễm môi trường, chôn lấp rác thải là vấn đề lớn. Từ các hộ kinh doanh đến người dân đang xả ra một lượng rác khổng lồ... Trước thực trạng trên, cần có giải pháp khoa học, công nghệ để xỷ lý; biến rác thải thành tài nguyên.

Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết, bài học có thể rút ra từ Nhật Bản, Hàn Quốc… với việc phân loại rác thải tại nguồn, từ rác thải có thể xử lý thành tài nguyên như tái chế nhựa thành vật liệu làm đường, sản xuất phân bón. “Làm sao để các phong trào bảo vệ môi trường sau phát động sẽ duy trì và phát huy được hiệu quả, cần gắn phong trào với các mục tiêu, giải pháp, cam kết cụ thể và phải có sự giám sát của người dân”, ông Dũng cho biết.

Chia sẻ về vấn đề ô nhiễm hiện nay, ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho hay: Để làm tốt vai trò là đơn vị chủ quản, Bộ TN&MT tích cực tuyên truyền, giảm sử dụng đồ nhựa, mỗi thành viên công đoàn của Bộ là một tuyên truyền viên về giảm rác thải nhựa. Ở các khu dân cư, Bộ kêu gọi chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân có thêm các ý kiến với địa phương tăng cường các biện pháp giảm đồ nhựa, xử lý chất thải, giữ gìn môi trường nơi cư trú.

Lo lắng về môi trường làm việc và chất lượng bữa ăn cho công nhân, người lao động, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Hiện nay, các vấn đề về thách thức ô nhiễm môi trường đang được đặt lên hàng đầu. Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam lại đáng báo động như hiện nay và phải trả giá quá đắt cho vấn đề môi trường, sông ngòi ô nhiễm, không khí ô nhiễm.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam thu được rất nhiều thành tựu quan trọng. Tuy vậy, hơn 90 triệu người dân đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh tật; mỗi năm có 70-80 nghìn người chết vì ung thư. Trong 3 năm gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận trên 6.000 công nhân lao động bị ngộ độc thực phẩm, nhiều doanh nghiệp chỉ chi 12.000 đồng/bữa ăn khiến chất lượng ăn ca thấp. Trong khi đó, môi trường làm việc tại nhiều nơi chưa đảm bảo an toàn, khiến công nhân lao động tại nhiều doanh nghiệp thiếu máu, sức khỏe không đảm bảo. Một số doanh nghiệp da giày tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã xảy ra tình trạng nhiều công nhân bị ngất do môi trường không khí làm việc không đảm bảo.

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên tục phát động các phong trào nhằm đảm môi trường làm việc an toàn, vận động công nhân lao động tích cực hưởng ứng các phong trào như đi xe công cộng, trồng cây để giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, trở thành nhà tiêu dùng thông minh khi không dùng các sản phẩm gây ra rác thải nhựa. Nhờ đó, những điểm sáng trong khắc phục, cải thiện môi trường từ các dự án, chương trình đã được triển khai sâu rộng, mang lại những hiệu quả rõ ràng hơn, nhất là phong trào hưởng ứng "nói không với rác thải nhựa" hiện nay.

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào "Công nhân lao động vì môi trường" năm 2020./.


Theo Dangcongsan.vn

Theo Dangcongsan.vn

Tin có liên quan

Loading ...