Ngày đăng 25/01/2018 | 12:00 AM

Hà Nội: Đảm bảo đủ nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân Thủ đô

(BXD) Xác định cấp nước sinh hoạt cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao tỷ lệ hộ dân được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, năm 2017, công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố luôn được các đơn vị triển khai đồng bộ và hiệu quả. Không chỉ quan tâm đến việc tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, thành phố cũng tiến hành nhiều giải p

Thành phố sẽ tập trung đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển nước nguồn

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm 2017, Sở đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước cho người dân ở 12 quận trên địa thành phố. Nếu như tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch mới đạt 96% thì đến nay đã đạt 100%. Tuy nhiên ở khu vực ngoại thành tỷ lệ người dân được cấp nước mới đạt khoảng 49,5%.

Hiện nay, sử dụng nước sạch là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân. Đặc biệt, trong việc xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, theo mục tiêu đề ra thành phố cần cấp nước cho 17 huyện và thị xã Sơn Tây với quy mô dân số khoảng 4,3 triệu người. Tính đến hết năm 2017 các dự án thực hiện đấu nối bổ sung mới đáp ứng cho khoảng 132.581 hộ sử dụng, tương đương khoảng 530.324 người, vì vậy, tỷ lệ cấp nước lên khoảng 49,5%.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020, có 100% người dân thủ đô có nước sạch - Để đảm bảo thời gian thực hiện kế hoạch này, vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 nhà đầu tư thực hiện 31 dự án với phạm vi cấp nước cho 239 xã cho khoảng 551.047 hộ, với khoảng 2.210.189 người. Nếu triển khai sớm các dự án này và khi hoàn thành sẽ nâng số xã được cấp nước lên 363 xã tương đương khoảng 953.728 hộ, khoảng 3.814.913 người, đạt tỷ lệ khoảng 88%.

Để đạt được tỷ lệ này, thành phố đang đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển nước nguồn, từ hệ thống nguồn này có thể đưa nước sạch về các địa phương xa hơn của thành phố. Các dự án bao gồm dự án xây dựng trạm cấp nước Dương Nội - Hà Đông 30.000m3/ngày đêm sử dụng nguồn nước ngầm. Hiện đã hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị. Dự kiến, tháng 1/2018, chuyên gia Đức sẽ chuyển giao hướng dẫn vận hành cụm thiết bị lọc.

Ở khu vực phía Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, có dự án nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long đạt 150.000m3/ngày đêm. Hiện, Chủ đầu tư là Công ty nước sạch Hà Nội đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Đã khởi công gói thầu số 7 phần cải tạo nhà máy vào ngày 8/12/2017, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình khai thác vận hành trong tháng 5/2018.

Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 với công suất 300.000m3/ngày đêm (tiến độ hoàn thành trong năm 2020). Hiện nay, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thiết kế trước khi trình Bộ Xây dựng thẩm định. Về dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống công suất giai đoạn 1 với công suất 300.000m3/ngày đêm (tiến độ hoàn thành trong năm 2020). Về cơ bản đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hiện đang triển khai công tác đào hồ, ép cọc khu vực xử lý.

Riêng về dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất từ 300.000m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm. Đến nay, chỉ mới thi công được đoạn ống qua sông Đáy, sông Tích và sông Đào Nguyên.

Nâng chất lượng cấp nước sạch

Không chỉ quan tâm mở rộng mạng lưới nước sạch ở khu vực nông thôn, Thành phố cũng quan tâm nâng cao chất lượng nước đang sử dụng ở khu vực nội thành. Để người dân khu vực nội thành có nguồn nước sạch sử dụng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành của thành phố "trước mắt, tất cả các nhà máy nước, các trạm cấp nước chưa có hệ thống lọc nước sạch thì thời gian tới phải nghiên cứu trong vòng 6 tháng (tháng 1 - 6/2018) để có thiết kế, tư vấn các phương án lắp bổ sung thêm hệ thống lọc nước vừa sản xuất ra để thành nước sạch có tiêu chuẩn và có thể uống ngay tại vòi”.

Để đảm bảo toàn bộ hệ thống dẫn nước đạt yêu cầu, Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu các đơn vị này phải súc sạch các đường ống cũ, “các đường ống cũ cần phải được rửa sạch cặn, cáu bám bẩn bên trong đường ống”. Chủ tịch UBND thành phố cũng giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị để xây dựng hồ sơ để đề xuất Bộ Y tế xây dựng một tiêu chuẩn về nước sạch cho thủ đô Hà Nội. Theo lãnh đạo thành phố, Sở Xây dựng cần khuyến khích các đơn vị này và hướng dẫn, hỗ trợ để họ lắp đặt hệ thống lọc này.

Bàn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch nông thôn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng: với các dự án nước nguồn này sau hoàn thành thành phố sẽ có 1,2 triệu m3 nước mặt trong tương lai, việc này sẽ thay thế toàn bộ việc sử dụng nước ngầm. Để đảm bảo thời gian triển khai, theo Chủ tịch UBND thành phố: trên cơ sở cơ chế chính của Chính phủ, các Bộ Nông nghiệp và PTNN, Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính thành phố sẽ đề xuất với HĐND thành phố dành một khoản tiền (1.000 tỷ đồng) để hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các trạm cấp nước. Từ đó, các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi trong khoảng một thời gian nhất định để đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn cho hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, để tăng hiệu quả huy động vốn thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để triển khai.

Việc triển khai các dự án nước nguồn này có vai trò rất quan trọng, từ hệ thống nước nguồn này sẽ mở rộng về tới các thôn xã ở khu vực ngoại thành, có như vậy thành phố Hà Nội mới hoàn thành mục tiêu đến tháng 12 năm 2020 toàn bộ người dân thủ đô có nước sạch sử dụng…

Để đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch cho người dân một cách bền vững, hiện nay, UBND thành phố đang khẩn trương đàm phán với các tập đoàn lớn trên thế giới như: Đức, Pháp, Ấn Độ về việc mua đường ống dẫn nước về các dự án nước nguồn, việc lựa chọn sẽ dựa trên tiêu chí chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường đầu tiên.


Theo Hà Nội portal

Theo Hà Nội portal

Tin có liên quan

Loading ...