Ngày đăng 27/09/2024 | 12:00 AM

Kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam

(BXD) Tại diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp”, được Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 26/9/2024, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Diễn đàn này là là một trong những sự kiện của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, công trình xanh xuất hiện ờ Việt Nam khoảng hơn 15 năm qua và từ những công trình xanh đầu tiên ờ Thành phố Hồ Chí Minh, đến giữa năm 2024 chúng ta đã có gần 500 công trình xanh ở nhiều tinh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian vừa qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ờ Việt Nam còn rất lớn. Chính vì vậy việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng. Khái niệm, nội hàm về công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (công trình xanh) đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.... Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu việc công trình xanh được thể hiện chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đáng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, việc phát triền công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua cũng không ít khó khăn, thách thức như: công trình xanh mới đang phát triển ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.


Toàn cảnh hội nghị

Tham dự diễn đàn, thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, diễn đàn “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp” không chỉ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn là nền tảng để thảo luận, xây dựng những giải pháp, sáng kiến đột phá nhằm đưa các chính sách về công trình xanh vào cuộc sống, góp phần cài thiện môi trường và chất lượng đời sống xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện thực hóa các chính sách để phát triển bền vững, hướng tới xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị Xanh - Thông minh - Hiện đại. 

Sự kiện này cũng là dịp khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội trong việc triển khai các chương trình phát triển xanh, bền vững. Chính sách phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, cần phát huy trách nhiệm của mỗi cấp quản lý, sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Thông qua diễn đàn, UBND Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thanh phố Hà Nội, phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là xu thế tất yếu. Trong đó, công trình xanh là một trong những yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường. Các công trình cần được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên thông qua việc ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khi thải nhà kính; đặc biệt là phát triển không gian xanh trong công trình giúp cải thiện vi khí hậu, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

Hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại là yếu tố cần thiết để thúc đẩy quản lý đô thị hiệu quả. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào quản lý đô thị giúp tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa các dịch vụ công cộng, như việc áp dụng giao thông thông minh có thể giảm thiểu ùn tắc, tiết kiệm thời gian và năng lượng, đồng thời giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông. Tất cả những yếu tố trên đều hướng tới mục đích là sự phát triển bền vững đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Tại Diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình ở các loại hình công trình như khu công nghiệp, công trình dân dụng; quản lý chi phí dầu tư xây dựng cho công trình xanh, thực tiễn triển khai ờ cấp độ địa phương tỉnh, thành phố với những bài học kinh nghiệm sinh động của Thành phổ Hà Nội... Đây cũng là cơ hội hữu ích để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời những năm tiếp theo.

Chia sẻ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển công trình xanh, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hà Nội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, quy định cụ thể về tiêu chuẩn và quy trình xây dựng xanh cũng như cơ chế khuyến khích cho các chủ đầu tư. Tiếp đó, cần đào tạo và nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong lĩnh vực công trình xanh. Đồng thời xây dựng nền tảng thông tin chia sẻ về các công nghệ, giải pháp xây dựng xanh và các dự án tiêu biểu, tạo điều kiện cho các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm; phát triển thị trường vật liệu xanh, cần có các hoạt động khuyến khích và nhận diện các vật liệu xanh và thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp chủ đầu tư và người tiêu dùng nhận biết rõ hơn về các sản phẩm này.

Trong khi đó, đại diện Công ty Văn Phú Invest cũng cho biết, doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận vốn; năng lực tư vấn thiết kế còn hạn chế, buộc phải thuê tư vấn nước ngoài để đồng bộ tiêu chuẩn với Việt Nam. Bên cạnh đó còn có sự hạn chế trong lựa chọn vật liệu xây dựng. Hơn nữa, khách hàng chưa nhận thức rõ vai trò và lợi ích của công trình xanh. Với những khó khăn trên, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra và đảm bảo rằng các văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ và được phổ biến rộng rãi. Chỉ khi có đủ quy định và chế tài, công trình xanh mới có thể thực sự hiện hữu trong cuộc sống. Cuối cùng, cần chú trọng đến đào tạo, phối hợp với các trường đại học để đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xanh, như gạch không nung. Việc đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy sẽ là một bước quan trọng để hiện thực hóa công trình xanh trong tương lai.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, thay mặt Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường cho biết, ở Việt Nam, những năm gần đây, công trình xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đã được Đảng và Chính phủ quyết tâm thực hiện chiến lược dài hạn. Trong quá trình hội nhập, các bộ, ban, ngành và địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để thực hiện căn cứ vào chính sách của Đảng và nhà nước.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, khả năng phát triển công trình xanh của Việt Nam rất tiềm năng và đa dạng với nhiều loại hình công trình, từ nhà ở, văn phòng, khách sạn… Bộ Xây dựng đã có những Thông tư hướng dẫn các cơ quan chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh trong thời gian tới.
Trần Đình Hà

Tin có liên quan

Loading ...