Ngày đăng 21/08/2024 | 12:00 AM

Việt Nam đã có gần 500 công trình xanh được cấp chứng nhận

(BXD) Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2024, Việt Nam có 475 công trình được cấp chứng nhận công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 10 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2024, Việt Nam có 475 công trình được cấp chứng nhận công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 10 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Với gần 500 công trình xanh đã được cấp chứng nhận, hiện nay, số lượng công trình xanh ở Việt Nam ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN. Trong khi đó, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED (đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ). Với chính sách khuyến khích, tự nguyện áp dụng, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam đạt được kết quả như trên là đáng khích lệ.
Trên cơ sở kế thừa, công nhận các hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh hiện có của các tổ chức trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, các bộ công cụ phổ biến sử dụng để đánh giá, chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam như: (1) Lotus của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam; (2)  LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; (3) EDGE của Tổ chức tài chính ngân hàng thế giới (IFC-Worldbank); (4) Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore... 

Hiện nay, các bộ tiêu chí tiêu chuẩn, công cụ đánh giá và chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam như: Lotus, Leed, Green Mark, Edge... đã khá đầy đủ, cụ thể và minh bạch các tiêu chí để đánh giá, chứng nhận công trình xanh cho nhiều loại hình công trình. Các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, công cụ đánh giá, chứng nhận công trình xanh sử dụng, viện dẫn, tham chiếu nhiều tiêu chuẩn, công cụ kỹ thuật liên quan và cần nguồn lực về chuyên gia, về kỹ thuật để định kỳ cập nhật, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa. Trong bối cảnh công trình xanh là tự nguyện, khuyến khích áp dụng, trong giai đoạn hiện nay cần nghiên cứu giải pháp dành nguồn lực cho việc hỗ trợ, thúc đẩy các đối tượng liên quan để phát triển công trình xanh.

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Xây dựng cho biết, để thúc đẩy phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế các tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, một số giải pháp về chính sách đang và sẽ được Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành theo hướng sau: nghiên cứu lồng ghép các nội dung về sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường trong các lĩnh vực ngành Xây dựng, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách có liên quan như các văn bản hướng dẫn Luât Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước…

Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy định về phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP; nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành như QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn mới có liên quan như Quy chuẩn về kết cấu dạng nhà, Quy chuẩn về nhà công nghiệp…. để quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dựng, trang thiết bị trong công trình… nhằm khuyến khích việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, khuyến khích việc tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các nguyên vật liệu, tài nguyên trong công trình, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ diện tích đất cây xanh, mặt nước trong khuôn viên công trình, khu vực dự án và của đô thị.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiến hành nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước yêu cầu bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp với một số loại hình, quy mô công trình, sau đó dần dần mở rộng thêm các đối tượng, quy mô với các loại hình công trình khác; nghiên cứu đề xuất chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm, thiết bị, công nghệ, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp để dễ dàng sử dụng trong các dự án, công trình xây dựng.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế ưu đãi về đầu tư, về tài chính, tín dụng xanh cho các dự án công trình xanh, đô thị xan; thiết kế, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực cho các đối tượng liên quan về kỹ năng, kiến thức chuyên môn phát triển công trình xanh; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về phát triển công trình xanh, xây dựng xanh, tạo dựng ý thức, lối sống trách nhiệm về gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường, sống xanh đối với người dân.
Trần Đình Hà

Tin có liên quan

Loading ...