Ngày đăng 18/08/2024 | 12:00 AM

Vật liệu xây dựng xanh với công trình xanh

(BXD) Lựa chọn vật liệu xây dựng không chỉ quyết định đến kiến trúc và thẩm mỹ của toà nhà mà còn có thể góp phần giảm thiểu đáng kể tiêu thụ năng lượng, tài nguyên tại các công trình, góp phần thành công triển khai mô hình toà nhà phát thải thấp. Do đó, phát triển vật liệu xây dựng xanh và công trình xanh theo hướng bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu để hiện thực hóa tương lai xanh của ngành Xây dựng Việt Nam.
Xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh

Vật liệu xây dựng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, tạo cơ sở kết cấu hạ tầng nhà ở đô thị nông thôn và góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước. Trong các công trình xây dựng nói chung, vật liệu xây dựng thường chiếm tỉ trọng khoảng 60-70% giá thành của công trình. Phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam hiện nay đã thực sự mang lại lợi ích kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội, tạo việc làm cho người lao động tại các vùng miền trên toàn quốc.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cũng đi kèm với những hệ luỵ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Để khắc phục tình trạng ảnh hưởng xấu tới môi trường trong quá trình sản xuất, những năm qua Bộ Xây dựng đã tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, nhiều đề án, chiến lược, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (hiện nay là Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng), xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng của thế giới hiện nay đang tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc - sử dụng tối thiểu nguồn tài nguyên có thể để đạt được hiệu quả tối đa. Thực hiện mục tiêu này, các quốc gia cần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, quá trình sản xuất vật liệu xây dựng xanh phải loại bỏ được các yếu tố độc hại, sản phẩm dễ dàng tái chế, tiết kiệm tài nguyên, có thể tái sử dụng.

Hiện nay vật liệu xây dựng đang trong hành trình tiến tới xanh và tiết kiệm năng lượng. Do đó, sử dụng càng ít tài nguyên thiên nhiên càng tốt và tăng hàm lượng nguyên liệu đầu vào từ các phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt. Đồng thời, công nghệ sản xuất loại vật liệu này đòi hỏi phải giảm thiểu năng lượng tiêu thụ trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Vật liệu xây dựng xanh đòi hỏi các quốc gia trong quá trình sử dụng cần phải loại bỏ các yếu tố độc hại trong quá trình sử dụng, đồng thời phải có độ bền lâu. Với Việt Nam, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một trong những tiêu chí cần phải tập trung.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và chú trọng phát triển theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các tiên tiến, đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã nêu rất rõ: tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt để sản xuất các loại vật liệu xây dựng, kết hợp với xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm vật liệu xây dựng tính năng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vật liệu xây dựng xanh trong vòng đời sử dụng thì cần phải có đặc điểm dễ dàng tái chế để sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các loại vật liệu khác.

Có thể nói, vật liệu xây dựng xanh và vật liệu xây dựng đang phát triển mạnh mẽ cùng với giai đoạn phát triển Công trình xanh của Việt Nam, trong những năm gần nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong, thay đổi tầm nhìn và định hướng phát triển, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm có yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Điều này đã mở ra một chặng đường phát triển mới cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam và đóng góp lớn vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Như vậy, vật liệu xây dựng xanh được hiểu là những vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, thi công, sử dụng và cả khi phá dỡ công trình; đồng thời phải đảm bảo các điều kiện: không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng. 

Vật liệu xây dựng xanh có mối quan hệ mật thiết với Công trình xanh. 

Công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo và tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khoẻ con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo điều kiện sống tốt nhất cho con người. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay Việt Nam đã có gần 500 công trình được cấp Chứng nhận bởi các hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến trên thế giới.

Công trình xanh đang là xu thế tất yếu tại các quốc gia. Ngày càng có nhiều công trình từ quy mô nhỏ như nhà ở, trường học đến quy mô lớn như quy hoạch đô thị, phát triển đô thị mang tính bền vững. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, bởi vậy việc phát triển các công trình xanh càng cần được chú trọng và đẩy mạnh. Để đạt được điều đó, các sản phẩm xây dựng cần hướng tới và ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường.

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, việc đầu tư xây dựng các công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng 3-8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15-30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30-50% lượng nước sử dụng và từ 50-70% chi phí xử lý chất thải. Các công trình này sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khoẻ người sử dụng, tuổi thọ công trình cao; khi đi vào vận vận hành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.

Một công trình đáp ứng được các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, trong đó có sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, tạo động lực để thay thế các vật liệu xây dựng truyền thống đã và đang tác động xấu đến môi trường, gây nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, gây ra hiệu ứng nhà kính.

Các bộ công cụ Công trình xanh trên thế giới và Việt Nam đều có các tiêu chí vật liệu vô cùng rõ ràng, có thể kể đến: Bộ tiêu chuẩn EDGE của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC: Quy định năng lượng hàm chứa trong vật liệu phải giảm tối thiểu 20% so với trường cơ sở tại địa phương; Bộ tiêu chuẩn LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam: Sử dụng các vật liệu không nung, vật liệu có khả năng tái chế, vật liệu thân thiện với sức khỏe và môi trường; Bộ tiêu chuẩn Green Mark của Singapore: Sử dụng các vật liệu địa phương, vật liệu không nung, vật liệu có khả năng tái chế, vật liệu thân thiện với sức khỏe và môi trường; Bộ tiêu chuẩn LEED của Mỹ: Sử dụng các vật liệu không nung, vật liệu có khả năng tái chế, vật liệu thân thiện với sức khỏe và môi trường;

Ngành Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, tài nguyên và cũng gây ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng xanh, Công trình xanh theo các tiêu chí xanh là một hoạt động cấp bách và cần thiết để sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, hạn chế tác động ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. 

Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh, theo PGS. TS Lê Trung Thành, Việt Nam cần tập trung một số nhóm giải pháp sau: Nhóm 1, giải pháp cơ chế chính sách: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó phải có các cơ chế ưu đãi khái thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng, tăng thuế môi trường cho những vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Nhóm 2, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất và đặc biệt giải pháp công nghệ trong việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng.

Nhóm 3, nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng. Đòi hỏi lực lượng tư vấn phải có am hiểu và kiến thức, nhuần nhuyễn về tính năng của vật liệu. Chỉ có các nhà tư vấn am hiểu vật liệu sâu sắc thì mới sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng đúng chỗ và có hiệu quả. Còn nếu lực lượng tư vấn chưa tìm hiểu rõ về loại vật liệu xây dựng đó thì sẽ làm mờ nhạt vai trò của vật liệu xây dựng xanh trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay.

Ngoài việc ưu đãi về chính sách đối với vật liệu xây dựng xanh thì truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng và cần phải được ưu tiên thì những sản phẩm xanh mới đi vào công trình xây dựng nhanh hơn. Hy vọng rằng, tất cả các bên sẽ cùng tăng cường phối hợp kết hợp giải pháp đồng bộ về chơ chế chính sách, về khoa học công nghệ, tối ưu hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng xanh, nâng cao năng lực thiết kế, thi công công trình xanh tiết kiệm năng lượng và sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng nói riêng, của đất nước nói chung.

Bên cạnh đó, muốn đẩy mạnh phát triển công trình xanh cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách; các nhà tư vấn, thiết kế; các nhà thầu xây dựng; nhà cung cấp trang thiết bị; các nhà đầu tư phát triển, chủ đầu tư, chủ sở hữu; các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; các trường, viện nghiên cứu và ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Ngoài ra, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng và cần phải được ưu tiên thì những sản phẩm xanh mới đi vào công trình xây dựng nhanh hơn. 

Như vậy, có thể nói vật liệu xây dựng xanh ngày càng trở nên quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với công trình xanh. Để phát triển công trình xanh, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp phát triển vật liệu xây dựng xanh và ngược lại. Mặt khác kết hợp hài hòa các chính sách phát triển vật liệu xây dựng xanh với chính sách phát triển công trình xanh có thể là giải pháp hiệu quả hàng đầu trong tương lai.
Trần Đình Hà

Tin có liên quan

Loading ...