Với tham luận “Chuyển dịch năng lượng và mục tiêu Net Zero trên thế giới: Bối cảnh đặt ra với Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net Zero là trọng tâm của các chính sách môi trường toàn cầu, không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn đòi hỏi các quốc gia phát triển hệ thống năng lượng bền vững, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiên tiến.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối. Sự phát triển của năng lượng tái tạo giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Năng lượng tái tạo không chỉ cung cấp một nguồn năng lượng bền vững mà còn giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, từ đó đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Chuyển dịch năng lượng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp giữa chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ quốc tế. Các công nghệ tốt nhất hiện có và các chiến lược chuyển đổi phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực, đồng thời tăng cường phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng các công nghệ tốt nhất (BAT) giúp giảm chi phí dài hạn và nâng cao hiệu quả chuyển dịch năng lượng.
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Đinh Nam Vinh - Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cần chú ý đến nguồn năng lượng là thế mạnh của Việt Nam, đảm bảo nguồn cung, bền vững; Việc sử dụng hỗn hợp các nguồn điện năng điện than, điện gió, điện mặt trời cần hài hòa, bền vững. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu hướng đến Net Zero, còn cần chú ý giải quyết những thách thức về nguồn lực và hạ tầng. Để đa dạng hoá các nguồn năng lượng, cần nghiên cứu, phát triển các mô hình công nghệ thông minh để làm chủ công nghệ, hỗ trợ năng suất làm việc cho con người; tối ưu hoá và làm chủ điều phối điện; chuyển đổi xanh sang ô tô điện về năng lượng; các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cũng cần hướng đến việc chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh chủ đề hội thảo, gồm: chuyển đổi năng lượng xanh; bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam và thực trạng và giải pháp triển khai năng lượng xanh tại Việt Nam; cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; ứng dựng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng tái tạo, tìm kiếm các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.