Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Quang Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình. Ông cho biết, nhà ở cũng như công trình xây dựng đều có 2 kết cấu chính là bê tông cốt thép và thép, mỗi vị trí kết cấu trong các công trình này đều có quy định thời gian chịu lửa. Do đó, cấu tạo các lớp kết cấu khả năng chịu lửa, chịu lực của các kết cấu này cần được tính toán cụ thể, khoa học.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo Vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình được tổ chức để các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và phòng cháy chữa cháy cùng nhau trao đổi, thảo luận, tính toán thời gian chịu lửa của kết cấu thép và bê tông cốt thép, đồng thời đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện QCVN 06:2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; các vấn đề kiểm định vật liệu chống cháy, công tác thí nghiệm, khả năng chịu lửa các kết cấu trong phòng thí nghiệm; đề xuất các nội dung hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thiết kế, nghiệm thu và làm nghề xây dựng.
Trình bày các quy định trong QCVN 06-2022/BXD về vật liệu và kết cấu công trình đảm bảo an toàn cháy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long cho biết, để thiết lập các yêu cầu về an toàn cháy đối với kết cấu nhà, công trình và các hệ thống bảo vệ chống cháy vật liệu xây dựng được phân nhóm theo tính nguy hiểm cháy, tính này được xác định theo các đặc tính kỹ thuật về cháy, gồm: tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền lửa trên bề mặt, khả năng sinh khói, độc tính.
Trong khi đó, TS. Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết, thời gian qua, tại các thành phố lớn của Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nhà, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo của Bộ Công an, qua công tác tổng kiểm tra, rà soát trên cả nước đối với khoảng 1,2 triệu công trình, có hơn 38 nghìn công trình không bảo đảm an toàn cháy. Đây là những công trình rất khó hoặc không thể khắc phục được về an toàn cháy bảo đảm yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong số 38 nghìn công trình này, có 2/3 công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt, tức là công trình nhỏ; 1/3 là công trình thuộc diện thẩm duyệt.
Nếu phân loại theo loại hình công trình, các cơ sở kinh doanh lưu trú như nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ chiếm gần 1/2 số trường hợp vi phạm, tỷ lệ này tương đương với hơn 15 nghìn công trình gần như không có khả năng khắc phục về an toàn cháy. Tiếp theo đến các công trình là trụ sở, trường học, bệnh viện, là những trường hợp có yếu tố lịch sử để lại vì được xây dựng từ nhiều năm trước, gần như không quan tâm đến vấn đề an toàn cháy khi xây dựng. Các cơ sở, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ không lớn, số vi phạm chỉ chiếm khoảng 12%.
Trong số hơn 38 nghìn công trình không bảo đảm an toàn cháy kể trên, chưa tính đến các công trình nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, tỷ lệ vi phạm lớn nhất là vi phạm về thoát nạn chiếm 35%, trong khi đây lại là yêu cầu an toàn cháy cốt lõi số 1 của an toàn cháy. Tiếp theo, chiếm tỷ lệ 21% là những công trình vi phạm yếu tố cốt lõi thứ hai về an toàn cháy là ngăn chặn cháy lan.
TS. Cao Duy Khôi khẳng định, vấn đề nhà hiện hữu vẫn là vấn đề khó xử lý được triệt để, rất cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm nâng cao ý thức người dân. Nhà ở hiện hữu hiện nay đa dạng về loại hình và tiềm ẩn nguy hiểm về cháy, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh. Các tồn tại về phòng cháy chữa cháy thường nghiêm trọng và khó khắc phục (thoát nạn, ngăn chặn cháy lan). Thời gian vàng thoát nạn thường là 5 phút. Tuy nhiên, cháy vào ban đêm thì rất nguy hiểm đối với người ngủ. Bên cạnh đó, khói là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Về giải pháp nâng cao an toàn cháy cho nhà và công trình, TS. Cao Duy Khôi đề xuất cần có quy định ứng xử riêng, trên nguyên tắc chấp nhận rủi ro nhất định, giảm bớt các yêu cầu an toàn, vận hành hạn chế; làm rõ về vấn đề cải tạo, sửa chữa; có chính sách để dần thay đổi mô hình ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh; tập trung giải pháp thoát nạn, ngăn chặn cháy lan, khói lan; cảnh báo cháy sớm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tích cực thảo luận, trao đổi nhiều nội dung xoay quanh chủ đề vật liệu và kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình, như: Thiết kế kết cấu thép đảm bảo khả năng chịu lửa; Thiết kế kết cấu bê tông cốt thép đảm bảo khả năng chịu lửa trong điều kiện Việt Nam; Thử nghiệm khả năng chịu lửa cho cấu kiện xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; Một số quy định pháp luật mới liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy; Giải pháp panel cách nhiệt chống cháy cho nhà và công trình.
Kết luận hội thảo, đại diện Ban tổ chức cảm ơn các chuyên gia, đại biểu đã quan tâm, tham dự và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu có thêm cơ sở hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực vật liệu, kết cấu chịu lửa cho nhà và công trình; giúp các đơn vị đào tạo bổ sung, hoàn thiện nội dung phòng cháy, chữa cháy trong hệ thống giáo trình, quy trình đào tạo cho học sinh sinh viên, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy.
Trần Hà