Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa phát sinh mỗi ngày khoảng 42-46 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, lượng rác hữu cơ từ 18-20 tấn/ngày, lượng rác vô cơ 24-26 tấn/ngày; khối lượng rác thải đô thị phát sinh khoảng 29-31 tấn/ngày, khối lượng rác thải nông thôn từ 13-15 tấn/ngày. Đối với khu vực đô thị, toàn bộ khối lượng rác sau khi thu gom đưa về ga trung chuyển rác sẽ được phân loại lần nữa trước khi chuyển tải bằng thủ công sang xe ô tô chuyên dụng (xe cuốn ép rác). Sau đó vận chuyển riêng cho từng loại rác vô cơ, rác hữu cơ, chở về xử lý tại bãi rác thành phố Lào Cai bằng công nghệ thích hợp.
Phân loại rác thải tại nguồn tại thị xã Sa Pa mang lại những kết quả tích cực
Đối với khu vực nông thôn, từ năm 2020 đến nay, 10 xã đang triển khai thực hiện phương án vệ sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực trung tâm xã và một số thôn có dân cư tập trung. Tại các xã đã có phương án cụ thể để tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý chất thải đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương; đã thành lập tổ thu gom rác thải, mua sắm trang thiết bị vệ sinh; trên địa bàn một số xã đã xây dựng ga chứa rác thải sinh hoạt.
Theo UBND thị xã Sa Pa, kết quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã đạt tỷ lệ 65%, tỷ lệ rác thải hữu cơ chiếm khoảng 40%, rác vô cơ chiếm khoảng 60%, cụ thể: khu vực các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ > 80%; khu vực bệnh viện, trạm y tế thực hiện phân loại tốt đạt 100%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống tỷ lệ phân loại đạt gần 60%; khu vực Chợ văn hóa, bến xe khách tỷ lệ phân loại thấp khoảng 40%; khu vực các phường: Phường Sa Pa đạt 75 - 80%, phường Cầu Mây đạt 50 - 55%, phường Hàm Rồng đạt 55 - 65%, phường Ô Quý Hồ đạt 60 - 75%, phường Sa Pả đạt 50 - 55%, phường Phan Si Păng đạt 55 - 65%. Trung bình tỷ lệ phân loại của các phường đạt 65%; tỷ lệ phân loại rác thải khu vực nông thôn đạt khoảng 30-35%.
Để đạt được kết quả như trên, hàng năm UBND thị xã tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường và các cơ quan ban ngành của tỉnh Lào Cai tổ chức tập huấn tuyên truyền về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh của thị xã và của các phường và trên các xe lưu động của đội quy tắc và xe Trung tâm Văn hóa thể thao - Truyền thông thị xã mỗi tuần 1 lần vào các ngày thứ 7, chủ nhật để nhân dân và du khách được cập nhật.
Từ năm 2021, thị xã Sa Pa đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt xã Bản Hồ công suất 400 kg/giờ để xử lý toàn bộ rác thải khu vực trung tâm của 8 xã, đồng thời lên phương án vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Sa Pa về bãi rác thành phố Lào Cai để giảm tải cho bãi rác Ngũ Chỉ Sơn.
UBND thị xã Sa Pa thành lập đoàn kiểm tra kiểm tra công tác vệ sinh môi trường và công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở có vi phạm; ban hành kế hoạch nêu rõ vai trò trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị thực hiện triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hiện nay, Đề án được lồng ghép vào đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và được nhân rộng trên địa bàn một số xã như Bản Hồ, Thanh Bình, Mường Hoa, Tả Van, Liên Minh, Mường Bo, Hoàng Liên.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hiện nay công tác xử lý, thu gom và phân loại rác thải trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đó là: công tác triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản Quy phạm pháp luật dưới Luật còn gặp nhiều khó khăn; do Luật và Nghị định về bảo vệ môi trường có nhiều điểm mới nên mất nhiều thời gian để nghiên cứu và áp dụng tổ chức thực hiện; công tác Quy hoạch đô thị, nông thôn chưa đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế; hệ thống cơ sở hạ tầng về BVMT chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của đô thị hoá, đặc biệt là hệ thống cấp, thoát nước và hệ thống thu gom, xử lý rác trên địa bàn thị xã.
Các quy hoạch ngành, lĩnh vực, dự án, công trình chưa có sự đồng bộ với nhau. Đặc biệt quy hoạch không theo kịp tốc độ đô thị hóa và chưa đáp ứng được nhu cầu về quỹ đất dành cho quy hoạch các điểm ga rác, các bãi chôn lấp rác thải ở khu vực đô thị và nông thôn; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số phường và khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; do địa hình của một số tổ dân phố và các thôn của các xã vùng cao không thuận lợi, chủ yếu là đồi núi cao, dân cư sinh sống thưa thớt nên việc thực hiện tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về khu xử lý tập trung là rất khó khăn.
Hiện nay đang còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; một bộ phận khách du lịch đến với địa phương không nắm bắt chủ trương thực hiện Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nên không thực hiện; trình độ dân trí còn chưa đồng đều cộng với điều kiện kinh tế khó khăn dẫn đến người dân vùng cao chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường; một số nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động thu gom, phân loại chất thải rắn, chưa đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ; đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, nhân lực thiếu.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND thị xã Sa Pa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí cho tổ tự quản của các tổ dân phố để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở tại các tổ dân phố đến các hộ gia đình về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xem xét cách tuyên truyền việc phân loại rác và hạn chế sử dụng chất thải nhựa thông qua các môn học trong trường như: môn Giáo dục công dân, các chương trình ngoại khóa… trong các chương trình giáo dục ở các bậc học sinh nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên; đề xuất đầu tư, xây dựng lò đốt rác thải công nghệ cao để thay thế bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh hiện nay và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã.
Trần Hà