Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) được phát động, tổ chức thường niên nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia, cộng đồng trên thế giới hợp tác cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các bộ, ban, ngành, địa phương cần có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hoá
Ngày Môi trường thế giới 2024 đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", nhằm kêu gọi cộng đồng và mọi người dân cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia.
Chủ đề được lựa chọn xuất phát từ thực tế, hiện nay có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất cũng là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, các khu vực bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Tại Việt Nam, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 25-50%. Hiện tượng El Nino kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công ở mức thấp và hiện tượng triều cường đã làm nghiêm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, các đợt xâm nhập mặn vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km.
Ngoài ra, Việt Nam hiện có trên 11,8 triệu ha, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp của nước ta.
Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày càng bị khai thác tối đa, tài nguyên đất đối mặt với tình trạng suy thoái, nhiều quốc gia đang thực hiện chiến lược hướng ra đại dương nhằm tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển nhằm bảo đảm nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển của quốc gia. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, biển có nhiều không gian để phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” nhằm phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững của Việt Nam.
Để giải quyết tốt vấn đề hạn hán, sa mạc hoá, góp phần bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương tập trung triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển, đảo; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính; quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tối rác thải nhựa đại dương; có nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên cả nước.
Đặc biệt, các cấp chính quyền ở địa phương cần nâng cao nhận thức, xác định nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường; đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, ngăn chặn sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa; ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.
Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp phân vùng, định hướng phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.
Tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực về biển và đại dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, các quốc gia trên lưu vực sông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn nguồn nước, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung về biển, đại dương; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào các nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải thông qua các nỗ lực trồng rừng, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; quản lý, sử dụng bền vững không gian biển.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; đa dạng các phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông, tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của toàn xã hội.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hoá, khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Triều Phong