Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng luôn là một nội dung quan trọng.
Ông Lê Văn Kế nhấn mạnh rằng, trong những năm qua, vấn đề tăng trưởng Xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Đối với ngành Xây dựng, phát triển xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành vật liệu xây dựng, trong đó có nghiên cứu, phát triển vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường.
Trình bày tham luận “Hành lang pháp lý cho phát triển, hiện đại hoá và xanh hoá ngành vật liệu xanh”, TS. Đào Danh Tùng, chuyên viên chính Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 5 hệ thống công cụ đánh giá công trình xanh được công nhận và áp dụng phổ biến. Đó là hệ thống chứng nhận công trình xanh do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn; EDGE - hệ thống đánh giá công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Ngân hàng Thế Giới; LOTUS - hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; LEED - hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ; Green Mark - hệ thống đánh giá công trình xanh của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/vật liệu xanh, chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng và còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn Nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh.
Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành tại Việt Nam cần xây dựng được các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/vật liệu xanh; hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/vật liệu xanh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận các vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương.
Trần Đình Hà