Tại Thụy Điển, kể từ khi xóa bỏ những khu nhà nội trú vào những năm 1980 - 1990, những người gặp khó khăn trong việc vận động thường chọn nơi cư trú tập thể, có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ hàng ngày, với điều kiện sinh hoạt bảo đảm. Nếu chọn nhà ở thông thường, người khuyết tật được dành một khoản trợ cấp để thích nghi.
Tại Ba Lan, người khuyết tật, nhất là trẻ em khuyết tật được dành sự hỗ trợ đặc biệt để có thể tự lực trong cuộc sống hàng ngày. Để chính sách xã hội này vận hành thông suốt còn có sự tham gia tích cực của toàn bộ mạng lưới các trung tâm phục hồi chức năng, các trường phổ thông và trường cao đẳng. Việc tổ chức những lớp học đặc biệt sẽ bảo đảm cho các trẻ em khuyết tật những điều kiện giáo dục cần thiết. Các nước phát triển như Úc, Anh, Mỹ, Đức, Bỉ... cũng có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền được giáo dục phổ cập của tất cả trẻ em khuyết tật.
Các nguyên tắc thiết kế tổng hợp do ĐH Bắc Carolina (Mỹ) đề xuất nhằm hình thành không gian “không rào cản” cho người khuyết tật
Nhằm hình thành môi trường dễ tiếp cận đối với người bị hạn chế năng lực di chuyển, hạn chế về sức khỏe hoặc khả năng sử dụng môi trường, trước tiên cần chú trọng công tác tổ chức tiếp cận thông qua ứng dụng các vật liệu và kết cấu đặc biệt, tức là cần phải nghiên cứu kỹ tính tổng hợp của không gian được thiết kế.
Tại Nga, các điều kiện thiết kế tổng hợp được quy định trong tiêu chuẩn SP 59.13330.2016 “Năng lực tiếp cận các tòa nhà/công trình đối với nhóm dân cư hạn chế khả năng di chuyển” yêu cầu xem xét mức độ sử dụng kết quả thiết kế của tất cả những người “không có nhu cầu thích ứng hoặc không có nhu cầu về thiết kế đặc biệt”. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều yếu tố hỗ trợ tiếp cận dành cho một số nhóm công dân riêng biệt kèm theo một số giải pháp kiến trúc - không gian kém chất lượng đã thể hiện nhiều bất cập. Trên thực tế, gạch xúc giác lát vỉa hè ở khắp nơi, tuy nhiên không tác dụng gì trong suốt mùa đông do băng tuyết lấp phủ; đường dốc thường trơn trượt kém an toàn khi thời tiết xấu; bề rộng phù hợp của vỉa hè bị chắn do ô tô đỗ… Do đó, cần nghiên cứu các điều kiện ứng dụng thiết bị đặc biệt có tính năng trợ giúp nhằm hình thành không gian thực sự “không rào cản”. Những hạn chế trong việc sử dụng rộng rãi các công cụ đặc biệt chính là tiền đề để phát triển các giải pháp hữu hiệu hơn để tạo khả năng tiếp cận các yếu tố môi trường cho mọi công dân, không phân biệt người khỏe mạnh hay người khuyết tật. Điều này chỉ khả thi khi có một giải pháp thiết kế toàn diện, với nguyên tắc cân nhắc sử dụng thiết bị đặc biệt chỉ trong một số trường hợp cụ thể.
Những khía cạnh thiết kế có liên quan tới năng lực tiếp cận của người khuyết tật
Trong những năm gần đây, ngành xây dựng Nga ghi nhận sự gia tăng các dự án nhà ở với nhiều căn hộ phù hợp nhu cầu của người sử dụng xe lăn, người khiếm thị, người già.
Trong không gian được thiết kế, năng lực tiếp cận được hình thành có tính đến một số khía cạnh như hình thức tiếp cận, ý nghĩa xã hội, giải pháp quy hoạch không gian, đặc điểm và giá trị kiến trúc - nghệ thuật của đối tượng thiết kế.
Khía cạnh kinh tế - xã hội trong thiết kế “không rào cản” nơi làm việc, nhà ở, các công trình hạ tầng xã hội được thể hiện bằng nhu cầu tiếp cận, trong bối cảnh chung là thu hút mọi nhóm dân cư vào đời sống xã hội tích cực. Thuật ngữ hàm ý “một hình thức cùng chung sống của người bình thường và người thiểu năng vận động, trong đó mọi thành viên đều có quyền tự do lựa chọn và phát triển xã hội”. Trong xã hội Nga hiện đại, “hòa nhập” biểu thị biện pháp tiếp cận môi trường nhân tạo. Trong khi đó, nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng điều kiện tiếp cận có thể đảm bảo quá trình đưa người khuyết tật thực sự hòa nhập vào đời sống cộng đồng tích cực, và ở mức độ cần thiết như nhau đối với mọi thành viên trong xã hội.
Tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội của năng lực tiếp cận môi trường đã được kiểm chứng qua những vấn đề nhân khẩu học của các quốc gia – lão hóa dân số; số người mắc bệnh liên quan đến chứng mất trí nhớ ở người già, bệnh về mắt, xương khớp tăng lên; số trẻ khuyết tật được ghi nhận gia tăng - đó là dự báo tiêu cực cho tương lai xã hội.
Tay nắm cánh cửa được thiết kế theo các nguyên tắc thiết kế tổng hợp để dễ xoay, mở mà mất ít sức nhất
Thiết kế không gian đô thị có tính đến tất cả yêu cầu dành cho nhóm công dân thiểu năng vận động (khả năng tiếp cận, an toàn, năng lực thông tin, tính tiện nghi) sẽ dựa vào vị trí (về mặt quy hoạch) khu vực công cộng. Những biện pháp hình thành không gian dễ tiếp cận rất cần thiết để thiết kế các khu vực công cộng thuận lợi, tiện nghi cho tất cả mọi người, bao gồm các đặc điểm về kích thước, khu vực nhìn thấy được tối đa, màu sắc và âm thanh, ánh sáng, đa dạng giác quan, sự rõ ràng về mặt không gian – kiến trúc của môi trường xung quanh. Kinh nghiệm thiết kế của thế giới cho thấy: các nghiên cứu về các khu vực trong không gian đô thị ở giai đoạn tiền thiết kế được thực hiện nhằm xác định việc cùng sử dụng lãnh thổ hoặc đối tượng thiết kế của những người có năng lực tinh thần và thể chất khác nhau. Có thể lấy việc hình thành không gian đô thị tại Inner Habour (Baltimore, Maryland, Mỹ) với việc thiết kế tại Trung tâm Người mù và khiếm thị quốc gia làm ví dụ. Việc lựa chọn vị trí và phân tích các vùng lãnh thổ được thực hiện trong sáu khu vực công cộng sôi động nhất nhằm xác lập ba đặc tính môi trường cơ bản, tạo điều kiện cho sự thống nhất xã hội - tính thẩm thấu, quan hệ tương tác và ý nghĩa xã hội. Cấu trúc quy hoạch của các công trình xây dựng hiện hữu và việc nghiên cứu kỹ cấu trúc quy hoạch đã giúp chọn địa điểm để lập kế hoạch xây dựng Trung tâm, nơi phản ánh rõ nét sự tương tác thoải mái giữa những người khiếm thị và người bình thường.
Khía cạnh quy hoạch không gian khi thiết kế năng lực tiếp cận là yếu tố chủ đạo, quyết định không chỉ khả năng và sự thuận tiện của các hoạt động của con người mà cả tính an toàn của không gian đó. Dựa vào các đặc điểm không gian, có thể tránh được việc thiết kế không chính xác các công cụ trợ năng (đường dốc, thiết bị nâng, dải đánh dấu, tay vịn, nút bấm gọi…), tức là nếu có chỉ dẫn cần thiết để thiết kế, có thể tạo môi trường không gian của tòa nhà/công trình một cách tự nhiên, đạt tiêu chuẩn chất lượng và “không rào cản”. Tất nhiên, những nguyên tắc thiết kế này cần phải quy định bắt buộc, chứ không phải là được lựa chọn như đối với nhà ở và công trình công cộng riêng biệt, vì chúng đòi hỏi giải pháp tiếp cận linh hoạt, được thực hiện ở giai đoạn thiết kế phác thảo.
Thang nâng dành cho người ngồi xe lăn trong tòa nhà không có thang máy
Khi dự báo và vận dụng các thủ pháp để tạo bản sắc riêng cho một địa điểm hoạt động, có thể góp phần cải thiện tính tiện nghi, tính an toàn sống trong thành phố và thay đổi môi trường kiến trúc cũng như hành vi của con người trong đó. Liên quan tới vấn đề này, kiến trúc hiện đại đang tìm kiếm những hình thức tương tác mới với các lĩnh vực tri thức khác như xã hội học, tâm lý học, y học, văn hóa...
Tại Nga, quá trình hình thành khả năng tiếp cận môi trường hiện nay đang chuyển sang lĩnh vực định hình không gian với sự trợ giúp của các máy móc, trang bị đặc biệt, các công cụ điều hướng, bỏ qua tính sáng tạo của quy trình thiết kế vốn tạo tính toàn vẹn và bản sắc riêng cho hệ thống đô thị. Cần lưu ý: nâng cao nguồn lực tinh thần của xã hội bằng cách đáp ứng nhu cầu đồng cảm, đồng hành mới là kết quả nên mong đợi từ việc tạo khả năng như nhau trong môi trường sống, cho tất cả mọi người.
Tính tổng hợp trong thiết kế các không gian kiến trúc dễ tiếp cận cho tất cả mọi người
Các tính chất về mặt không gian trong các giải pháp thiết kế cần được nghiên cứu từ giai đoạn ý tưởng. Thiết kế tổng hợp ban đầu được xem như lĩnh vực thiết kế dành riêng cho người khuyết tật, dựa vào việc áp dụng bắt buộc các công nghệ hỗ trợ. Nhưng về sau, khái niệm này được hoàn chỉnh hơn với sự xuất hiện nhu cầu không tách rời thiết kế môi trường dễ tiếp cận khỏi các nhiệm vụ chung của quy trình thiết kế. Liên quan đến vấn đề này, có một số quy tắc nhất định: chỉ trong những trường hợp cực kỳ cần thiết, phương tiện đặc biệt hoặc công cụ trợ giúp những người hạn chế năng lực vận động mới được áp dụng. Lý do: sử dụng thiết bị đặc biệt nhằm tạo điều kiện sử dụng môi trường cho nhóm người khuyết tật này đôi khi gây trở ngại cho nhóm người khuyết tật khác. Chẳng hạn, lát gạch xúc giác nếu thiếu việc tính toán kỹ đường di chuyển của nhiều người có thể gây khó khăn cho các xe nôi trẻ em, xe đẩy hàng, xe lăn của người già, người bị liệt. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp tổng hợp nên áp dụng là dải gạch xúc giác dọc theo hướng có ít dòng người hơn, đồng thời bổ sung bằng hiệu ứng âm thanh.
Theo các tài liệu tiêu chuẩn hiện hành của Nga, tất cả các không gian đô thị, tuyến lưu thông, khu vực lối vào và các công trình công cộng, ở những nơi tiếp nhận dịch vụ cần phải tuân thủ các yêu cầu dễ tiếp cận đối với những người hạn chế năng lực vận động. Các tòa nhà/công trình công cộng, khu vực nghỉ dưỡng, công viên… được thiết kế với mức tiếp cận bắt buộc. Cũng cần phải tuân thủ giải pháp tổng hợp ngay từ giai đoạn phác thảo thiết kế. Trên thực tế, chỉ trong lĩnh vực xây nhà, việc thiết kế hoặc tái thiết mới phụ thuộc trực tiếp vào các yêu cầu mục đích của chủ sở hữu hoặc người thuê tương lai, do vậy có thể cân nhắc việc có hoặc không có thiết bị đặc biệt. Hơn nữa, các tiêu chuẩn quy định việc sử dụng máy móc, trang thiết bị đặc biệt hoặc đưa ra những thông số bắt buộc đối với người khuyết tật ngồi xe lăn, do kích thước (cả người và xe) là rất lớn. Tiêu chuẩn SP 138.13330.2012 đề cập chi tiết, từ kích thước tổng thể của từng yếu tố quy hoạch cho tới từng loại thiết bị. Các tài liệu tiêu chuẩn của các quốc gia châu Âu, nhất là các nước Scandinavi, thường được nghiên cứu không chỉ như những văn bản tiêu chuẩn chung mà cả dưới dạng những khuyến nghị nhằm giải trình và bổ sung cho các tiêu chuẩn này theo từng khu vực lãnh thổ cụ thể và công trình riêng biệt; nhờ vậy, sự phù hợp của các giải pháp thiết kế được thể hiện rõ bởi tạo ra môi trường dễ tiếp cận hơn là các giải pháp chỉ được quy định bằng các tiêu chuẩn chung chung. Việc áp dụng các quy định thiết kế mang tính khuyến nghị sẽ xác định tính hợp lý của công trình được thiết kế, và các yếu tố ảnh hưởng tới tính hệ thống trong việc hình thành năng lực tiếp cận.
Trong thiết kế không gian không rào cản, cần phân biệt hai loại yếu tố: các yếu tố khách quan thường không thay đổi, phù hợp nhu cầu của người khuyết tật; các yếu tố có thể thay đổi do nhiều điều kiện khác nhau (thời gian, mức độ phát triển của công nghệ và vật liệu xây dựng, nền kinh tế, tăng /giảm nhân khẩu ...).
Trong những yếu tố khách quan, cần phải làm rõ các điều kiện sẽ tác động đến sự xuất hiện các thiết bị trợ giúp trong giải pháp thiết kế. Các không gian công cộng của các khu vực lịch sử, các tòa nhà/công trình di tích kiến trúc luôn có một vị thế đặc biệt, cần được thích ứng nếu tái thiết. Trong điều kiện đô thị chật hẹp, các công cụ đặc biệt - dù là đường dốc hay dưới dạng chi tiết ốc vít - đều rất cần thiết. Liên quan đến các điều kiện cảnh quan tự nhiên, cần xác định rõ làm thế nào để khu vực thiết kế trở nên tiện nghi, điều kiện thông tin tốt, với việc điều hướng dễ hiểu, khả năng tiếp cận cảnh quan tự nhiên, đồng thời vẫn duy trì được nét độc đáo và tính toàn vẹn môi trường.
Trong đa số trường hợp, có thể thay thế các giải pháp bằng cách sử dụng thiết bị đặc biệt, hoặc thông qua việc thiết kế các yếu tố không gian không liên quan đến các công nghệ hỗ trợ. Những đặc điểm của tỷ lệ không gian - chức năng của tòa nhà/công trình cũng thuộc nhóm các điều kiện sử dụng thiết bị đặc biệt, được quy định trong SP 59.13330.2016. Tuy nhiên, các mặt phẳng của các tầng ở các mức khác nhau, sự thay đổi hướng chuyển động bên trong tòa nhà, sự hiện diện các lối đi vào các phòng chức năng khác nhau đều hình thành không gian “có rào cản”. Trong khi đó, thiết kế có tính đến khả năng tiếp cận của tất cả mọi người sẽ hướng đến nhiều người sử dụng khác nhau, với các đặc điểm tâm lý - thể chất khác nhau. Với mục tiêu loại bỏ các rào cản vật lý, tạo một không gian thân thiện, đồng nhất, các kiến trúc sư cần định hình không gian, tránh sử dụng bất cứ công cụ tiếp cận đặc biệt nào cho bất cứ nhóm người sử dụng cụ thể nào. Chỉ như vậy mới có thể tạo dựng được những không gian kiến trúc dễ tiếp cận, dễ hiểu, thân thiện đối với tất cả mọi người.
Để mô hình hóa các phương án thiết kế, cần phải xác định cách thức loại bỏ các trang thiết bị đặc biệt, và xác định rõ ở thời điểm nào việc sử dụng thiết bị hỗ trợ là hợp lý.
Hình thành khả năng tiếp cận dựa trên các nguyên tắc thiết kế tổng hợp và được đưa vào quy trình thiết kế ngay từ đầu cần được hiểu là hình thành không gian dễ cảm nhận, dễ hiểu, và trong giai đoạn vận hành công trình sẽ là không gian hỗ trợ. Tiêu chí đánh giá cho cả hai giai đoạn được xác định như sau:
- khả năng tiếp cận về mặt không gian;
- khả năng tiếp cận đa giác quan;
- khả năng tiếp cận về mặt ý nghĩa.
Khả năng tiếp cận về mặt không gian gắn liền với các quy trình dự kiến cho từng khu vực chức năng. Đó có thể là việc đi lại, dừng, chờ, giao tiếp…, tương ứng với từng hành động, các thuật toán riêng để tổ chức không gian với các điều kiện dễ tiếp cận sẽ được nghiên cứu. Hoạt động của người thiểu năng vận động sẽ đòi hỏi sự phân bố hợp lý các dòng người trong tòa nhà, có tính đến đặc điểm kích thước của các gian phòng và các khu vực chức năng. Trong bố cục không gian - kiến trúc, các đặc điểm như dễ tiếp cận các gian phòng, thông tin liên lạc, lối đi thẳng và dễ hiểu nhất… sẽ được nghiên cứu kỹ. Như vậy, thiết kế tổng hợp được thực hiện theo các nguyên tắc linh hoạt, đầy đủ về kích thước và không gian.
Khả năng tiếp cận đa giác quan tức là trong các khả năng của người sử dụng cần tính đến sự tham gia của ít nhất hai cơ quan giác quan, để định hướng trong không gian. Sự cần thiết đa dạng hóa các cảm nhận giác quan được mặc định bằng các nguyên tắc thiết kế tổng hợp – tính hiệu quả, khả năng tiếp nhận thông tin, bình đẳng và thuận tiện sử dụng cho mỗi người. Về vấn đề này còn có các biện pháp với hệ thống điều hướng bằng trực giác và các thiết bị được thiết kế đặc biệt cho nhóm người sử dụng cụ thể. Trong đa số trường hợp, giải pháp có thể là phương án thiết kế với việc điều hướng trực giác – tiếp xúc trong không gian thông qua các điểm nhấn về ánh sáng, sự khác biệt của các kết cấu bề mặt kết hợp với khác biệt màu sắc.
Cảm nhận bằng xúc giác của những người khiếm thị không bị giới hạn định hướng nhờ việc tiếp xúc trực tiếp. Điều hướng không gian đối với họ được xác lập bởi những hình dung về mặt địa hình khi họ nghĩ về một không gian khép kín cụ thể, hoặc ghi nhớ dần dần và cụ thể hóa các đối tượng của thế giới xung quanh. Do đó, các yếu tố bổ sung trong không gian tạo ra những mốc định hướng được đưa vào thiết kế: âm thanh của nước, mùi hương của hoa, tiếng động của các bề mặt...
Tiêu chí thứ ba liên quan đến sự nhận biết không gian được cảm nhận, truyền thông tin tín hiệu có nghĩa và khiến môi trường xung quanh có thể được con người nhận biết, tức là cho phép người đó đồng hóa bản thân với không gian đô thị, các vật thể trong đô thị, hoặc một khu vực cụ thể nào đó. Thông thường, khả năng tiếp cận này không được hình thành trên các đường phố đô thị, ngay cả khi có các dịch vụ đường phố, do sự an toàn của người đi bộ.
Theo các nguyên tắc thiết kế tổng hợp, một giải pháp đơn giản, dễ hiểu cần phải loại trừ được nhu cầu nhận biết thêm việc sử dụng môi trường nhân tạo hoặc thiết bị đặc biệt. Tiêu chí trên đây cho phép những người gặp khó khăn trong việc định hướng và tiếp nhận thông tin bằng các giác quan có thể khám phá môi trường sống hiệu quả hơn, và những người bình thường trở thành người đồng tham gia các không gian sống.
Tạp chí Architecture & Modern Information Technologies tháng 1/2022
ND : Lệ Minh