Thành phố Trường Xuân đã tích cực đi đầu trong công tác kiểm tra, rà soát môi trường đô thị, thiết lập các hệ thống để kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn, từ kết quả đánh giá để xây dựng các kế hoạch cải tạo, đổi mới hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị, đồng thời điều phối và đẩy mạnh thực hiện các dự án xây dựng đô thị bọt biển, lấy chiến lược phát triển xanh và thấp carbon làm mục tiêu và con đường để xây dựng những đô thị bọt biển xanh, đáng sống, nhân văn, thông minh và có khả năng chống chịu tốt.
Toàn cảnh mô hình Công viên Lao Khiêm
Việc lập kế hoạch và triển khai tổng thể công tác xây dựng đô thị bọt biển ở cấp độ cao cần tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, cơ chế thực hiện khoa học, hợp lý và phải đảm bảo về mặt thể chế. Vào năm 2015, thành phố Trường Xuân đã thành lập 1 đơn vị quản lý xây dựng và phát triển đô thị bọt biển do các lãnh đạo của chính quyền thành phố đứng đầu; năm 2019, các yêu cầu về xây dựng đô thị bọt biển đã được cụ thể hóa trong điều kiện quy hoạch, là địa phương đầu tiên trong toàn địa bàn tỉnh Cát Lâm áp dụng phương pháp kỹ thuật số để thiết kế và rà soát bản vẽ xây dựng đô thị bọt biển; năm 2023, “Quy định về Quản lý và Xây dựng Đô thị Bọt biển thành phố Trường Xuân” đã được đưa vào “Kế hoạch lập pháp năm 2023 của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Trường Xuân”. Thông qua sự hỗ trợ từ việc không ngừng hoàn thiện về cơ chế, thể chế trong những năm gần đây, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, nhà ở xã hội, khu công nghiệp mới… của chính quyền thành phố Trường Xuân đều đã đạt được trạng thái bình thường mới; hàng loạt các biện pháp thể chế, hướng dẫn, tiêu chuẩn, cơ chế làm việc… được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng vững chắc cho công tác xây dựng và phát triển, cũng như tạo ra nhiều dự án thí điểm tiêu biểu về đô thị bọt biển tại thành phố Trường Xuân.
Đổi mới khoa học và công nghệ, phối hợp giữa sản xuất – học thuật – nghiên cứu - ứng dụng
Thành phố Trường Xuân tích cực đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học trong quá trình phát triển đô thị bọt biển như: Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Đại học Cát Lâm, Đai học Xây dựng và Kiến trúc Bắc Kinh, Đại học Kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc Cát Lâm…; đã thành công trong việc áp dụng hơn 50 bằng sáng chế công nghệ liên quan đến xây dựng đô thị bọt biển như thiết kế vỉa hè thấm nước phù hợp với không khí lạnh ở khu vực phía Bắc, xử lý làm tan tuyết tại các vùng lạnh giá, cơ sở lưu trữ nước mưa tổng hợp có thể tái chế toàn phần…, hình thành nên một chuỗi liên kết mật thiết giữa chính sách – sản xuất – học thuật – nghiên cứu - ứng dụng, đồng thời thành lập Cơ sở Thực nghiệm Đô thị Bọt biển đầu tiên ở vùng Đông Bắc Trung Quốc vào năm 2016. Thành phố Trường Xuân cũng đã thực hiện một loạt các nghiên cứu kỹ thuật tại cơ sở như: lát đường bằng vật liệu thấm hút nước, trữ nước mưa, lọc nước mưa và tái sử dụng nước mưa…, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để tuyên truyền giáo dục và áp dụng các kỹ thuật này tại vùng có khí hậu lạnh, từ đó đưa ra các phương pháp để xây dựng và phát triển hệ thống đô thị bọt biển ở tỉnh Cát Lâm, điều này đã nhận đươc sự quan tâm và đón nhận sâu sắc của lĩnh vực ngành cũng như của toàn xã hội.
Khung cảnh của Khu dân cư Cảnh Uyển sau khi cải tạo
Trong những năm gần đây, hơn 10.000 lượt người từ các thành phố khác thuộc tỉnh Cát Lâm như Côn Minh, Thẩm Dương, Cáp Nhĩ Tân… đã đến thăm và trực tiếp thực hành một số nghiên cứu tại Cơ sở Thực nghiệm Đô thị Bọt biển tại thành phố Trường Xuân. Các cấp lãnh đạo tỉnh Cát Lâm và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan cũng đã nhiều lần đến thăm cơ sở thực nghiệm để chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời khẳng định tầm quan trọng và sự đóng góp của các nghiên cứu khác nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị bọt biển ở thành phố Trường Xuân nói riêng và tỉnh Cát Lâm nói chung, đồng thời đưa ra những kỳ vọng và nhu cầu phát triển, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập vững chắc khái niệm phát triển theo hướng đổi mới công nghệ và thực hiện công tác xây dựng các đô thị bọt biển tại vùng có khí hậu lạnh một cách toàn diện.
Toàn cảnh Công viên Đất ngập nước Nam Khê
Vào năm 2021, Trung tâm Đổi mới Khoa học và Công nghệ Hợp tác Liên khu vực Đô thị Bọt biển tỉnh Cát Lâm đã được thành lập và hoạt động như một nền tảng đổi mới khoa học và công nghệ cấp tỉnh; cũng trong cùng năm, các học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc được mời làm cố vấn chuyên môn chính cho công tác xây dựng đô thị bọt biển ở thành phố Trường Xuân, từ đó đã tối ưu hóa công nghệ xây dựng đô thị bọt biển ở Đông Bắc Trung Quốc và tạo ra “trường phái phương Bắc” về đô thị bọt biển Trung Quốc. Đồng thời, các nghiên cứu về đô thị bọt biển ở vùng có khí hậu lạnh đã được thực hiện, các cuộc thanh tra được tiến hành ở nhiều nơi nhằm tạo dựng một nền tảng nghiên cứu khoa học vững chắc, cơ chế quản lý tổng thể và sự tiến bộ vững chắc trong công tác xây dựng và phát triển đô thị bọt biển.
Lấy con người làm trọng tâm phát triển, xây dựng công viên bọt biển đầu tiên tại thành phố Trường Xuân
Sau khi được cải tạo theo mô hình bọt biển, công viên Lao Khiêm được mệnh danh là “thị trấn mờ sương”, là công viên bọt biển đầu tiên ở thành phố Trường Xuân, với những ngọn núi, dòng sông tuyệt đẹp và phong cảnh vô cùng hấp dẫn.
Những nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống tốt đẹp của người dân chính là mục tiêu hàng đầu trong công tác xây dựng đô thị bọt biển ở thành phố Trường Xuân. Công viên Lao Khiêm có xuất phát điểm ban đầu là một khu đất bị bỏ hoang, mặt đường hư hỏng nghiêm trọng, vào những ngày mưa thường xuất hiện các ổ gà và bị đọng nước nghiêm trọng. Để nâng cao phúc lợi cho người dân, thành phố Trường Xuân đã tuân thủ nguyên tắc xanh và thấp carbon, đồng thời kết hợp những khái niệm bọt biển tiên tiến vào quá trình chuyển đổi cải tạo công trình.
Khung cảnh của Công viên Sinh thái Văn hóa Nước
Việc chuyển đổi bọt biển của công viên Lao Khiêm áp dụng nhiều phương thức lát đường bằng vật liệu thấm hút nước qua các kẽ hở, sử dụng các thiết bị lưu trữ nước mưa và lọc nước bẩn, các biện pháp này không chỉ phù hợp hơn với các đô thị bọt biển ở vùng lạnh mà còn giúp đạt được hiệu ứng lát đường tổng thể thông thoáng, sáng sủa. Các công trình bọt biển bổ trợ như hồ sinh thái, vườn mưa, mương trồng cỏ, các không gian xanh trũng, hệ thống phun nước mưa tái sử dụng…đã được xây dựng trong khuôn viên công viên, không chỉ giúp cung cấp phương tiện để tiết kiệm chi phí, giảm phát thải, mà còn giúp “hấp thụ carbon”. Các công nghệ bọt biển được sử dụng trong việc xây dựng công viên đều mang những đặc điểm tích cực về tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, thiết thực và có lợi ích kinh tế, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc xanh và thấp carbon trong xây dựng đô thị bọt biển, hình thành nên một mô hình “bọt biển chi phí thấp”.
Việc xây dựng, nâng cấp và cải tạo công viên Lao Khiêm mang lại hỗ trợ hiệu quả và đảm bảo tích cực cho thành phố Trường Xuân trong công cuộc kiến tạo một không gian bọt biển linh hoạt và xây dựng một thành phố sinh thái đáng sống.
Tập trung định hướng đổi mới công nghệ, xanh và thấp carbon
Trong bối cảnh toàn quốc thúc đẩy chiến lược carbon kép, thành phố Trường Xuân đã tích hợp khái niệm bọt biển vào dự án cải tạo các cộng đồng đô thị cũ, kết hợp với đặc điểm tự nhiên của 1 thành phố thuộc vùng khí hậu lạnh phía Bắc, dựa trên định hướng vấn đề, tối ưu hóa bố cục không gian để tập trung vào việc cải thiện môi trường sống đô thị với mục tiêu phát triển là xanh và thấp carbon, từ đó chuyển đổi, cải tạo xây dựng khu dân cư Cảnh Uyển trở thành một khu dân cư theo mô hình bọt biển có tính đàn hồi.
Vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, Dự án Cải tạo Bọt biển Khu dân cư phức hợp Cảnh Uyển đã trở thành một biểu tượng về phương pháp và kinh nghiệm thực tiễn trong việc đảm bảo kinh phí cho công tác cải tạo các cộng đồng đô thị cũ, được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia công nhận và thúc đẩy, đồng thời được coi như một trường hợp điển hình của việc tận dụng các công nghệ tiên tiến, xanh và thấp carbon để thúc đẩy chuyển đổi tổng thể các cộng đồng đô thị cũ.
Trước khi được tiến hành chuyển đổi theo mô hình bọt biển, do được xây dựng từ rất lâu về trước, tồn tại lâu năm nên xuống cấp, cộng thêm không được bảo trì trong khoảng thời gian dài, nên khu dân cư Cảnh Uyển luôn ở trong tình trạng bẩn thỉu, lụp xụp và bừa bộn, các không gian xanh công cộng trở thành các vườn rau tư nhân, lòng đường bị hư hỏng nghiêm trọng, hệ thống thoát nước không đảm bảo nên xuất hiện tình trạng ngập úng, nhiều cơ sở hạ tầng đã xuống cấp và hư hại nghiêm trọng, trong toàn khu chỉ có duy nhất 1 mạng lưới đường ống thoát nước chung nên nước mưa và nước thải không được phân luồng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Khu chức năng bọt biển của Công viên Sinh thái Văn hóa Nước
Quá trình cải tạo, đổi mới khu dân cư tuân thủ khái niệm phát triển xanh và thấp carbon, đồng thời sử dụng rộng rãi các vật liệu mới và các biện pháp công nghệ hiện đại để tránh việc phá dỡ và xây dựng mới từ đầu trên quy mô quá lớn, nhưng vẫn đạt được mức tối đa trong việc giảm phát thải tại nguồn và hình thành nên một môi trường sinh thái xanh, thấp carbon. Trong bố cục của các vườn mưa áp dụng các chất độn và vật liệu pha trộn sinh học trong hệ thống lưu trữ nước mưa tổng hợp có khả năng tái chế toàn phần. Công nghệ này được Đại học Kiến trúc và Xây dựng Bắc Kinh cùng Viện Nghiên cứu và Thiết kế Kỹ thuật thành phố Trường Xuân phối hợp phát triển, đã trở thành tiêu chuẩn địa phương trong xây dựng đô thị bọt biển ở tỉnh Cát Lâm và đạt được bằng độc quyền về sáng chế. Cụ thể, các chất thải xây dựng như rơm, rạ và các vật liệu khác…sau khi được nghiền nát và xử lý sẽ được trải ra vườn mưa, giúp lược bỏ được các bước như xây dựng các lớp lót bê tông và bọc ống thoát nước bằng vải địa kỹ thuật, đồng thời giúp kiểm soát chính xác và hiệu quả hiệu suất thẩm thấu, với cấu trúc ổn định, khả năng chống chịu tốt, có tác dụng làm tan tuyết và lọc nước hiệu quả. Việc áp dụng phương pháp vừa giúp đảm bảo sự tồn tại và phát triển của thực vật, vừa tận dụng hiệu quả nguồn phế thải xây dựng, phù hợp với yêu cầu của định hướng xanh và thấp carbon cũng như các nguyên tắc của việc xây dựng đô thị bọt biển. Hệ thống nền đường sá trong khu dân cư được xây dựng bằng vật liệu lắp ráp đúc sẵn thấm hút nước, đá lát các vỉa hè được làm bằng gạch bê tông giả đá PC, giúp tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn về độ cứng và khả năng chống đóng băng; giúp đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao khả năng chịu lực và đáp ứng đầy đủ nhu cầu đỗ xe; hiệu quả đã được các chuyên gia trong ngành và người dân địa phương nhất trí công nhận.
Áp dụng các biện pháp phù hợp với điều kiện địa phương để xử lý ô nhiễm và ngập úng
Vùng đất ngập nước Nam Khê nằm ở thượng nguồn lưu vực sông Y Thông, thành phố Trường Xuân, và là một bộ phận quan trọng trong dự án cải tạo toàn diện hệ thống sông Y Thông. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là cải tạo những vùng hố trũng trước đây thành một công viên đất ngập nước. Thông qua việc cải tạo, xây dựng vùng đất ngập nước theo định hướng của mô hình bọt biển tích hợp sẽ giúp lưu trữ, điều tiết và cải thiện hiệu quả môi trường nước và hệ sinh thái nguồn nước tại khu vực này.
Để tối ưu hóa trong công tác phủ xanh và lưu trữ nước, đồng thời phát huy hiệu quả các chức năng thanh lọc, lưu trữ, sử dụng, bảo tồn và lưu thông dòng chảy, các biện pháp mở rộng diện tích mặt nước và tăng khả năng trữ nước đã được tiến hành trên cơ sở hệ thống kênh rạch, mương, ao cá… ban đầu của vùng đất ngập nước Nam Khê. Dựa theo nền tảng các nguyên tắc và điều kiện của dự án cải tạo là về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dạng lòng sông vốn có, nên phương pháp trồng cây cỏ thủy sinh dưới nước sẽ được ưu tiên và tăng cường áp dụng, đồng thời, việc xử lý các vấn đề phát sinh sẽ căn cứ vào hiện trạng thực tế trong mỗi giai đoạn và ở từng khu vực khác nhau để nghiên cứu định hướng và thực hiện phù hợp. Quy trình vận hành dự án còn kết hợp với vai trò đến từ cơ chế của các nhà máy xử lý nước thải. Nguồn nước thải đã qua xử lý từ Nhà máy Xử lý nước thải Đông Nam nằm tiếp giáp với vùng đất ngập nước sẽ tiếp tục được đưa vào tái sử dụng, 1 phần được trữ lại trong các bể chứa để trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhà máy, phần còn lại sẽ được xả ra vùng đất ngập nước; sau đó, vùng đất ngập nước với các chức năng từ mô hình bọt biển như thấm hút, lọc sạch, lưu trữ sẽ giúp phần nước thải tái chế này được tiến hành lọc sạch lại 1 lần nữa, và cuối cùng nguồn nước đó sẽ được đổ ra nhánh chính của hệ thống sông Y Thông, từ đó cung cấp thêm lưu lượng nước sạch cho lưu vực sông này. Công viên đất ngập nước Nam Khê được tiến hành xây dựng ở thượng nguồn sông Y Thông trên cơ chế cải tạo các bãi sông, mương ao và vùng trũng trước đó để hình thành nên một không gian đất ngập nước nhân tạo mô phỏng được đầy đủ các đặc điểm của một vùng đất ngập nước sinh thái tự nhiên.
Trải qua quá trình cải tạo, xây dựng, Công viên đất ngập nước Nam Khê hiện đã trở thành một công viên sinh thái đất ngập nước đô thị tích hợp toàn diện các chức năng như phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn sinh thái, du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, đồng thời mang tính giáo dục cao, được mệnh danh là “Đảo Oxy” và “Tấm danh thiếp sinh thái tươi đẹp” của thành phố Trường Xuân, từ đó giúp nâng cao chất lượng, trình độ công tác quản lý ô nhiễm và ngập úng đô thị của địa phương.
Hòa nhập với thiên nhiên và đề cao tính nhân văn
Tiền thân của Công viên Sinh thái Văn hóa Nước là Nhà máy lọc nước số 1 của thành phố Trường Xuân được thành lập vào năm 1932 với sự tích hợp của 4 chức năng chính là thu nước, vận chuyển nước, lọc nước và phân phối nước, từ những năm 30 cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, đây được coi như nhà máy lọc nước duy nhất và quan trọng nhất của thành phố Trường Xuân. Nhà máy lọc nước này được coi như mô hình thu nhỏ của công tác cấp nước đô thị trong lịch sử và cũng là dấu ấn quan trọng nhất về sinh kế của người dân tại thành phố Trường Xuân.
Vào tháng 11 năm 2015, Nhà máy lọc nước số 1 của thành phố Trường Xuân được dời đến địa điểm mới, đã để lại 300.000 m2 không gian sinh thái xanh – một nguồn tài nguyên khổng lồ và khan hiếm đối với 1 vùng đô thị trung tâm. Trong khoảng từ năm 2016 – 2018, thành phố Trường Xuân đã thực hiện kết hợp một cách hoàn hảo giữa việc bảo vệ các di tích lịch sử công nghiệp đô thị với việc tạo dựng 1 không gian sinh thái xanh đô thị dựa trên mô hình đô thị bọt biển và chủ đề văn hóa nước, xây dựng nên một công viên sinh thái đô thị văn hóa nước tích hợp lịch sử và không gian xanh. Thiết kế của mô hình bọt biển chính là giải pháp tôn trọng tối đa các giá trị văn hóa và lịch sử, Thông qua việc mô phỏng các giá trị văn hóa và tái sử dụng các công trình lịch sử, cảnh quan của nhà máy lọc nước đã được tận dụng và cải tạo, thiết kế các dòng chảy được tiến hành dựa theo đặc điểm địa hình, cảnh quan vườn mưa được xây dựng theo mô hình bậc thang, cấu trúc của các hồ nước được giữ nguyên, đồng thời tích hợp thêm không gian sân vườn để phục vụ các hoạt động phức hợp.
Dựa trên các nguyên tắc tôn trọng hiện trạng ban đầu, bảo tồn kiến trúc, thảm thực vật và địa hình nguyên bản, kết hợp với cải tạo, đổi mới và áp dụng các biện pháp phù hợp với điều kiện địa phương, Công viên Sinh thái Văn hóa Nước đã sử dụng các ý tưởng và phương pháp thiết kế đô thị bọt biển để hoàn thành 3 mục tiêu trọng tâm về kiểm soát dòng chảy, xử lý ô nhiễm nguồn nước và tái sử dụng nguồn tài nguyên nước mưa. Ở các khu vực có mật độ xây dựng thấp, nguồn nước mưa và nước thải được thu thập để xử lý và lọc sạch thành nguồn nước tái chế, hình thành nên một công viên với hệ sinh thái tự thanh lọc hóa, giúp bảo vệ và sử dụng hiệu quả các quần thể thực vật nguên sinh.
Trong những năm qua, Dự án Công viên Sinh thái Văn hóa Nước được cải tạo từ nhà máy lọc nước công nghiệp của thành phố Trường Xuân đã đạt được 5 giải thưởng trong nước và quốc tế (2019MIPIMAward – Giải Nobel về Kiến trúc Toàn cầu, Giải thưởng Chuyên nghiệp ASLA 2019 – Giải thưởng Danh dự về Thiết kế Toàn diện, Giải thưởng Hạng mục Không gian mở Nổi bật của IFLA năm 2019, Giải thưởng Kiến trúc Cảnh quan LA 2021 – Giải thưởng Đóng góp Sinh thái, Giải thưởng Chung về Đổi mới Đô thị Tốt nhất Hàng năm của Golden Pan Awards lần thứ 13); hiện thực hóa mục tiêu chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên và lịch sử, đồng thời tích hợp toàn hảo giữa tính nghệ thuật, tính thời đại và tính văn hóa.
Bố trí và xây dựng hệ thống hợp lý
Con đường mô hình bọt biển tại thị trấn Anh Tuấn đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hóa mới của thành phố Trường Xuân, và cũng là con đường kiểu bọt biển lớn nhất ở tỉnh Cát Lâm.
Khác với việc xây dựng đường đô thị trước đây, điểm nổi bật lớn nhất của dự án này chính là đã tích hợp khái niệm bọt biển vào việc xây dựng đường thông qua các phương pháp bố trí hợp lý và tiến hành một cách có hệ thống. Con đường bọt biển của thị trấn Anh Tuấn được thiết kế trên một vành đai xanh trũng, rộng 1,5m, nằm giữa làn đường dành cho phương tiện có động cơ và làn đường dành cho phương tiện không có động cơ, có chức năng thấm hút nước thải từ 2 bên làn đường và giảm việc tưới nước thủ công trên vành đai xanh. 2 bên vỉa hè của làn đường cũng được lát bê tông màu và gạch màu thấm nước. Nước mưa sau khi rơi xuống mặt đường sẽ trực tiếp được thấm hút, lọc sạch và lưu trữ; khi thảm thực vật trong vành đai xanh cần nước, lượng nước dự trữ này sẽ được giải phóng và tái sử dụng cho mục đích tưới tiêu, từ đó giúp giảm bớt tình trạng đảo nhiệt đô thị và giải quyết hiệu quả vấn đề ngập úng đô thị.
Cho đến hiện nay, con đường bọt biển tại thị trấn Anh Tuấn đã được hơn 20 phương tiện truyền thông chú và đưa tin, khái niệm xây dựng đô thị theo mô hình bọt biển đã được lồng ghép sâu rộng vào quá trình đô thị hóa mới.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sâu sắc của Trung ương Đảng, chính quyền các cấp của địa phương và sự chung sức của người dân, thành phố Trường Xuân luôn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, thực hiện nhiều công tác, biện pháp để chuyển đổi và cải tạo xây dựng theo định hướng đô thị bọt biển. Trong tương lai, thành phố Trường Xuân đặt ra phương hướng tiếp tục nỗ lực, kiên trì và phấn đấu tạo ra một “mô hình đặc sắc Trường Xuân” cho toàn bộ hệ thống quản lý quy trình và công nghệ xây dựng đô thị bọt biển đối với các vùng có khí hậu lạnh. Đồng thời, tích cực khám phá các con đường phát triển “+bọt biển” để kết hợp giữa bảo tồn di sản và đổi mới đô thị tại các cơ sở công nghiệp cũ của vùng Đông Bắc Trung Quốc, góp phần hiện thực hóa chiến lược carbon kép, nâng cao trình độ phát triển đô thị và kiến tạo nên không gian an toàn, đáng sống, hạnh phúc, tươi đẹp và mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Viện Nghiên cứu và Phát triển Khoa học Công nghệ Xây dựng Trung Quốc
11/05/2023
Người dịch: Ngọc Anh