Theo “Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” của Chính phủ Liên bang Nga, năm 2025, tỷ lệ vận hành đường có lớp phủ bê tông xi măng phải đạt ít nhất 35% trong tổng khối lượng đường được xây dựng. Để thực hiện chiến lược này, với điều kiện là một khối lượng lớn bê tông xi măng được sản xuất trong thời gian khá ngắn, thì cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành - sản xuất vật liệu xây dựng, logistic và giao thông vận tải, xây dựng. và các nhà thầu. Việc lập kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết cho các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng một cách khách quan và nghiêm ngặt nhất đối với mặt đường hoàn thiện là bắt buộc; nếu không, mọi nỗ lực của các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà sản xuất hỗn hợp bê tông sẽ vô ích do công việc đổ và bảo dưỡng hỗn hợp bê tông không được thực hiện đầy đủ hoặc không đạt chất lượng.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn, khó khăn, việc đánh giá rủi ro và khả năng lập kế hoạch dài hạn còn hạn chế, ngành xi măng đang cho thấy khả năng thích ứng với điều kiện thị trường mới và phản ứng kịp thời với những thay đổi. Đặc biệt, trong năm qua, Cơ quan Đường bộ Liên bang và các cơ quan quản lý đã rất chú trọng đến việc sử dụng xi măng trong xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là xi măng được sản xuất theo GOST R 55224-2020 “Xi măng cho xây dựng giao thông. Các điều kiện kỹ thuật”. Tiêu chuân này tuy “sao chép” một số quy định của tiêu chuẩn liên bang GOST 33174-2014 “Đường ô tô. Xi măng. Các yêu cầu kỹ thuật”, song đưa ra được những yêu cầu rất cụ thể về chất lượng xi măng cần sử dụng để sản xuất các sản phẩm bê tông cốt thép phục vụ các công trình hạ tầng giao thông và xây dựng mặt đường sân bay.
Xi măng, ngoài việc sử dụng để sản xuất hỗn hợp bê tông và các sản phẩm bê tông cốt thép còn có tầm quan trọng ở hai lĩnh vực khác - xây nền đường từ đất được gia cố bằng chất kết dính khoáng, và tái tạo nguội mặt đường bê tông nhựa không còn đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của đường ô tô - cả 2 lĩnh vực đều rất quan trọng đối với sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước, và đều liên quan tới lượng công việc rất lớn đối với các nhà thầu và cả các nhà sản xuất xi măng.
Công nghệ gia cố đất ngày càng trở nên phổ biến và có những ưu điểm không thể phủ nhận, quan trọng hơn cả là khả năng tạo nền trực tiếp trên công trường bằng cách sử dụng đất sẵn có kết hợp với một lượng nhỏ chất kết dính (xi măng portland hoặc vôi). Ngoài ra, nhờ sự làm việc tích cực và nghiêm túc của nhóm công tác Ủy ban xây dựng đường bộ thuộc Hiệp hội xi măng Liên bang Nga, GOST R 70196-2022 “Đường ô tô. Chất kết dính khoáng tổng hợp để ổn định và gia cố đất. Các thông số kỹ thuật” đã có hiệu lực kể từ 1/1/2023. Quá trình nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn này có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất xi măng lớn trong nước. Tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất chất kết dính khoáng tổng hợp trong việc cung cấp và sử dụng sản phẩm tại các công trình hạ tầng giao thông.
Công nghệ tái tạo nguội mặt đường bê tông nhựa, bao gồm việc đào và làm lỏng lớp mặt đường bị hao mòn, thu giữ một phần nền, sau đó bổ sung lượng cốt liệu khoáng và/hoặc chất kết dính khoáng cần thiết và rải hỗn hợp này để thu được nền mới và phủ lớp áo đường lên trên. Công nghệ này ngày càng phổ biến, đặc biệt là do các nguyên nhân như tỷ lệ đường kém chất lượng ngày càng tăng, tăng áp lực giao thông đường bộ, khó khăn trong việc duy trì chất lượng ổn định và số lượng chất kết dính bitum.
Tất cả những điều trên tạo tiền đề để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng xi măng portland trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Các nhà sản xuất xi măng trong nước như AKKEMAN, Betomix... tự tin vào năng lực cung cấp các sản phẩm với chất lượng ổn định cần có. Một số công ty chuyên về công nghệ gia cố đất đang từng bước cải thiện việc tổ chức công việc và giảm sự phụ thuộc vào việc cung cấp xi măng (bằng cách có phương tiện vận chuyển xi măng riêng, lắp đặt silo, máy nén bơm tự động... ngay tại các địa điểm thi công).
Theo Tạp chí Công nghệ bê tông Nga, tháng 7/2023
ND: Lệ Minh