Ngày đăng 28/05/2024 | 12:00 AM

Nâng cao năng lực thoát nước, chống lũ đô thị

(BXD) Một đô thị tươi đẹp là một đô thị đạt được sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, vào thời điểm mùa mưa, nhiều địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng ngập úng ở nhiều mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và đời sống đô thị, thậm chí gây thiệt hại về tài sản và thương vong về tính mạng.

Công tác kiểm soát ngập úng đô thị có liên quan mật thiết đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân, và cũng là hỗ trợ cơ bản nhất cho việc phát triển đô thị chất lượng cao, được xem như yêu cầu tất yếu bắt buộc để kiến tạo các đô thị tươi đẹp nói riêng và một “Trung Quốc tươi đẹp” nói chung. Nguyên nhân khách quan chủ đạo gây ra tình trạng ngập úng đô thị ở Trung Quốc là do lượng mưa phân bố không đều và tình trạng mưa lớn ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngập úng đô thị bao gồm các điểm sau: thứ nhất, thiếu sự phối hợp giữa việc bảo vệ các kênh dẫn nước mưa tự nhiên với không gian chứa nước và hoạt động xây dựng đô thị, thiếu không gian hấp thụ nước mưa; thứ hai, thiếu quy hoạch tổng thể để kiểm soát lũ lụt và tình trạng ngập úng, đặc biệt khi có lũ từ miền núi đổ xuống và lũ từ bên ngoài tràn vào các thành phố; thứ ba, việc xây dựng và phát triển đô thị diễn ra chủ yếu trên mặt đất, các hoạt động dưới lòng đất chưa được chú trọng, dẫn đến tồn tại những vấn đề bất cập về nước đọng theo thời gian.

Mô hình thiết kế không gian xanh trũng lưu trữ nước mưa

            Theo đó, trong “Ý kiến của Văn phòng Quốc Vụ viện về tăng cường kiểm soát ngập úng đô thị” được ban hành vào năm 2021 đã đề xuất phối hợp công tác quản lý môi trường sinh thái các lưu vực sông với công tác xây dựng, phát triển đô thị, phối hợp công tác quản lý tài nguyên nước đô thị với công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phối hợp kiểm soát lũ lụt với quản lý ngập úng, cải thiện, nâng cao kỹ thuật thoát nước và phòng chống lũ nhằm tăng cường hiệu quả thoát nước, chống ngập úng đô thị. Trong đó, việc triển khai dự án nâng cao năng lực thoát nước và phòng chống lũ lụt đô thị được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện những vướng mắc hiện tại trong vấn đề thoát nước và phòng chống lũ lụt, xây dựng những đô thị hài hòa giữa con người và nguồn nước, với sức sống mãnh liệt và tính bền vững trong phát triển – Hội nghị Công tác Xây dựng Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Toàn quốc năm 2024 cũng coi đây là một trong những trọng tâm công tác của năm 2024.

Quy hoạch mạng lưới đường ống thoát nước mới

            Để nâng cao toàn diện năng lực thoát nước và phòng chống lũ lụt đô thị, cần xem xét đến sự phân vùng thoát nước tổng thể theo cấp độ, tăng cường xây dựng mạng lưới thoát nước và phòng chống lũ lụt một cách có hệ thống trong toàn quá trình từ khi mưa xuống, đến khi mưa tạo thành dòng chảy cho đến khi nước từ các dòng chảy đổ ra sông, hồ, biển… Cụ thể, cần tập trung nâng cao năng lực của 5 khía cạnh chính sau đây:

            1/ Kiểm soát dòng chảy tràn và nâng cao năng lực giảm thiểu lượng mưa

            Tại các thành phố, hệ thống công trình, tòa nhà, cộng đồng xã hội, quảng trường, công viên, không gian xanh… là những yếu tố đầu nguồn để kiểm soát các dòng chảy tràn. Bằng cách thực hiện khái niệm “thành phố bọt biển” và tiến hành các giải pháp thấm hút, thu gom, lưu trữ và tái sử dụng nguồn nước mưa… sẽ giúp kiểm soát hiệu quả các dòng chảy tràn trên bề mặt, giảm thiểu lượng mưa cực đại do tình trạng mưa lớn, kéo dài gây ra, đồng thời giúp quá trình xả nước diễn ra từ từ, hợp lý, giảm áp lực lên hệ thống thoát nước và chống ngập úng.

            Trong xây dựng và cải tạo đô thị, cần tăng cường kiểm soát, quản lý tuần hoàn đối với vòng đời của mỗi công trình từ quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành và bảo trì, xây dựng các công trình giảm phát thải khác nhau như mái nhà xanh, vỉa hè thấm nước, không gian xanh trũng, vùng đất ngập nước, ao trữ nước mưa… phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương để nâng cao năng lực giảm thiểu lượng mưa tại nguồn.

            2/ Nâng cấp mạng lưới đường ống thoát nước mưa và năng lực thoát nước mưa

            Mạng lưới đường ống thoát nước mưa là một thành phần cơ bản của hệ thống thoát nước và phòng chống lũ lụt đô thị, chủ yếu xử lý lượng mưa có chu kỳ tái diễn do tần suất xảy ra cao. Trước đây, do tiêu chuẩn thiết kế mạng lưới đường ống nước mưa ở Trung Quốc thấp, sự đầu tư không đủ và chưa được quan tâm nhiều trong quá trình xây dựng, dẫn đến năng lực thoát nước của mạng lưới đường ống ở nhiều thành phố, đặc biệt là các khu đô thị cũ trở nên kém hiệu quả và tụt hậu so với các khung tiêu chuẩn mới nhất hiện nay.

Thiết bị thu gom nước mưa

            Cần không ngừng tăng cường xây dựng, cải tạo mạng lưới đường ống thoát nước mưa, đồng thời lồng ghép việc cải tạo mạng lưới đường ống thoát nước mưa trong việc cải tạo các khu dân cư, khu đô thị cũ và quá trình chỉnh trang, nâng cấp đô thị - thông qua việc xây mới dựa trên các vật liệu hiện đại và liên kết mạng lưới đường ống với các trạm bơm và các công trình phòng chống lũ có liên quan… Các khu đô thị hiện đại mới cần thực hiện quy hoạch cấp cao và xây dựng mạng lưới thoát nước mưa tiêu chuẩn cao ngay từ đầu để đáp ứng đầy đủ, thậm chí vượt lên trên các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng và năng lực thoát nước mưa và phòng chống lũ đô thị.

            3/ Xây dựng các cơ sở điều tiết và lưu trữ nước mưa

            Khí hậu gió mùa lục địa ở Trung Quốc tạo nên sự phân hóa rõ nét về mặt địa lý, với đặc điểm nổi bật là sự khác biệt rất lớn về tổng lượng mưa và cường độ mưa giữa các mùa tại cùng một địa phương; bởi vậy, xét đến lợi ích kinh tế và kỹ thuật toàn diện, không thể thiết kế mạng lưới đường ống thoát nước mưa theo cường độ mưa tối đa. Khi lượng mưa thực tế vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của mạng lưới đường ống thoát nước mưa thì cần xây dựng các công trình lưu trữ nước mưa để kiểm soát lượng nước mưa dư thừa chảy tràn trên bề mặt.

Trong quá trình phát triển và xây dựng đô thị, cần chừa lại các khoảng trắng cụ thể để phục vụ cho việc thiết kế bổ sung các không gian xanh, cần áp dụng phương pháp thiết kế hợp lý theo chiều dọc, ưu tiên tận dụng các không gian ao, hồ và vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng đất trũng, không gian sân vườn… để thực hiện chức năng điều tiết và tích trữ nước mưa. Đồng thời, tích cực tận dụng tối đa các tiện ích công cộng và các không gian mở như quảng trường, bãi đỗ xe, sân thể thao và công viên trong các đô thị… để phát huy chức năng cân bằng dòng chảy khi lượng mưa đạt cực đại, từ đó hiện thực hóa mục tiêu “1 không gian cho nhiều mục đích sử dụng”. Đối với các khu vực có nguy cơ ngập úng cục bộ cao, lại thiếu các không gian lưu trữ tự nhiên, có thể tiến hành xây dựng các cơ sở lưu trữ “xám” như bể chứa nước mưa… phù hợp với điều kiện địa phương. Thông qua việc áp dụng toàn diện các biện pháp để xây dựng các cơ sở điều tiết và lưu trữ nước mưa, sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng dịch chuyển đỉnh mưa và đỉnh dòng chảy bề mặt, đồng thời giải quyết hiệu quả những vướng mắc do lượng mưa vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của mạng lưới đường ống nước mưa gây ra.

4/ Xây dựng các kênh thoát nước để nâng cao năng lực thoát lũ

Sau khi lượng nước mưa chảy tràn được thu gom bởi các mạng lưới đường ống và được giảm thiểu bởi các cơ sở lưu trữ và điều tiết nước mưa, sau đó sẽ được dẫn vào các kênh thoát nước như sông mương, rãnh cỏ… trong phạm vi các đô thị và cuối cùng được xả ra hạ lưu các con sông. Do đó, cần lấy các vùng thoát nước làm đơn vị để đánh giá lượng nước mưa và khả năng thoát nước, từ đó có những biện pháp xây dựng các kênh thoát nước phù hợp, nâng cao năng lực thoát lũ.

Đối với các khu đô thị mới, các kênh thoát nước như sông, mương, rảnh cõ… phải được xây dựng phù hợp với yêu cầu quy hoạch, đồng thời nghiêm cấm việc xây dựng, phát triển đô thị lấn chiếm không gian thoát nước. Đối với các khu đô thị cũ, vấn đề phổ biến còn tồn tại là thiếu kênh thoát nước và diện tích mặt nước; do đó cần thực hiện các dự án cải tạo các kênh thoát nước một cách có trật tự, lồng ghép trong quá trình cải tạo đô thị thông qua việc áp dụng các giải pháp như: đào kênh, nạo vét lòng kênh mương để mở rộng quy mô mặt nước, khôi phục, cải tạo các đoạn kênh mương đã xuống cấp, hoặc xây dựng mới các công trình điều tiết lũ kết nối với các kênh thoát nước… Khi mực nước trong các kênh thoát nước dâng cao, nước lũ tràn sẽ được dẫn đến các cơ sở điều tiết, trữ nước; khi mực nước trong các kênh xuống thấp, nước dự trữ sẽ được xả ra từ các cơ sở điều tiết để phục vụ đời sống sinh hoạt.

5/ Nâng cao năng lực ứng phó lũ lụt khẩn cấp

Hệ thống kỹ thuật thoát nước và phòng chống lũ lụt của mỗi đô thị đều có những tiêu chuẩn phòng lũ nhất định. Khi lượng mưa vượt quá tiêu chuẩn phòng thủ, các biện pháp ứng phó khẩn cấp phải được thực hiện theo các kế hoạch khẩn cấp có liên quan. Phần lớn cơ sở hạ tầng thoát nước và phòng chống lũ lụt đô thị của Trung Quốc hiện nay đều chưa hoặc chỉ đang trong quá trình hoàn thiện; vậy nên, để đề phòng xảy ra rủi ro, ngay cả khi lượng mưa chưa vượt quá tiêu chuẩn cũng nên kích hoạt sẵn các phương án khẩn cấp để kịp thời xử lý mọi trường hợp. Mỗi đô thị được khuyến cáo nên trang bị cho nhu cầu ứng phó khẩn cấp của mình các thiết bị cứu hộ khẩn cấp chuyên nghiệp như xe bơm di động máy hút nước… để bù đắp những thiếu sót của các phương tiện cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ, cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp lũ lụt và đảm bảo rằng các thành phố có thể “sống sót” sau lũ lụt một cách an toàn.

Viện Quy hoạch và Thiết kế Trung Quốc,

28/02/2024

ND: Ngọc Anh

Tin có liên quan

Loading ...