Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển không ngừng của xã hội, sự phát triển đồng bộ của giao thông đô thị, cấu trúc không gian đô thị, dịch vụ giao thông thông minh, kiểm soát vận hành thông minh...đã trở thành một phần quan trọng trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị toàn diện đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình đổi mới đô thị, giúp đô thị phát triển an toàn, bền vững và đáng sống hơn, giúp việc tổ chức các hoạt động đô thị trở nên hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng tầm hình ảnh quốc gia. Trong quá trình đô thị hóa của Trung Quốc, khung, mô hình và kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đã cơ bản được hình thành; tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc (thời gian di chuyển dài, giao thông đường bộ tắc nghẽn, giao thông công cộng kém phát triển, kết nối giữa giao thông đường sắt và sự phát triển đô thị còn rời rạc, cơ sở vật chất cũ kỹ, mức độ an toàn thấp...). Bởi vậy, trong giai đoạn chuyển đổi phát triển đô thị - từ phát triển về quy mô số lượng sang phát triển về chiều sâu chất lượng, từ phát triển gia tăng sang phát triển tích lũy tổng hợp - cần đẩy mạnh toàn diện việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ và chất lượng cao.
Công tác quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng được chú trọng và tiêu chuẩn hóa
Yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển mới
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông toàn diện có vai trò quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác xây dựng các đô thị văn minh, đáng sống. Theo định hướng của khái niệm phát triển đô thị của dân, do dân và vì dân, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông đô thị toàn diện cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ đạo là quan tâm đồng thời, bình đẳng đến việc xây dựng cơ sở vật chất và dịch vụ đô thị. Giai đoạn mới của công tác quy hoạch giao thông đô thị toàn diện cần dựa trên việc cung cấp các phương tiện phục vụ giao thông và cung cấp các dịch vụ vận chuyển tốt hơn cho người dân. Quá trình phát triển cần nhìn nhận đầy đủ những hạn chế về môi trường và tư duy cơ bản về sinh thái, đồng thời thích ứng với định hướng giao thông đô thị trong tương lai. Theo nguyên tắc từ những yêu cầu phát triển mới, cần bắt đầu từ việc nghiên cứu, khám phá các quy luật riêng và các đặc điểm của từng giai đoạn phát triển, chú trọng mục tiêu phục vụ nhu cầu của người dân, tập trung tận dụng hiệu quả nguồn lực thời gian và cơ sở vật chất, cải thiện mức độ phân bổ nguồn lực và nâng cao nhận thức về lợi ích của người dân. Là hệ thống hỗ trợ quan trọng nhất cho sự nghiệp phát triển đô thị, hệ thống giao thông đô thị toàn diện mang tính đồng bộ, là sự đảm bảo quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển của các đô thị đáng sống.
Mô hình trực quan cảm biến quản lý giao thông đô thị
Hệ thống giao thông đô thị toàn diện là đảm bảo quan trọng cho sự an toàn và khả năng phục hồi của đô thị. Trong những năm gần đây các tai nạn sập cầu đường, mất an toàn cơ sở hạ tầng, cứu hộ khẩn cấp không đảm bảo...ngày càng gia tăng. Bởi vậy, việc tăng cường khả năng phục hồi của các cơ sở trong mạng lưới giao thông đô thị, tăng cường tích hợp hạ tầng giao thông đô thị với hạ tầng kiểm soát và thoát lũ, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nâng cao chức năng vận chuyển và chất lượng hệ thống giao thông để tăng khả năng ứng phó với thời tiết khắc nghiệt và rủi ro tai nạn, đồng thời đảm bảo an toàn đô thị đã trở thành những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác xây dựng hệ thống giao thông đô thị toàn diện, đồng bộ và chất lượng cao. Để thực hiện các mục tiêu trên, cần đẩy mạnh thiết lập mô hình quản lý toàn vòng đời đối với từng giai đoạn của công tác xây dựng hệ thống giao thông - từ quy hoạch, thiết kế, đến xây dựng, nghiệm thu, vận hành và bảo trì, đổi mới. Đây cũng là một thách thức lớn đối với việc phát triển đô thị hiện đại, tiên tiến trong thời đại mới.
Hệ thống giao thông đô thị toàn diện là điểm khởi đầu quan trọng để xây dựng và phát triển các đô thị thông minh. Sự phát triển của công nghệ tiên tiến, thông minh sẽ cung cấp các phương tiện hiệu quả cho công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống giao thông đô thị toàn diện. Việc tuân thủ nguyên tắc định hướng đổi mới và thúc đẩy sự phát triển thông minh hóa đối với hệ thống giao thông có thể tạo điều kiện mạnh mẽ cho việc xây dựng đô thị thông minh. Do đó, cần điều phối hợp lý toàn bộ quá trình quy hoạch, xây dựng và quản lý các phương tiện giao thông đô thị, xây dựng nền tảng thông minh với chức năng cốt lõi là “dự báo vấn đề - đưa ra giải pháp – đánh giá hiệu quả thực hiện”, hình thành chuỗi giải pháp và cơ chế ra quyết định giải quyết các vấn đề giao thông đô thị một cách toàn diện, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật và hiện đại hóa quản lý giao thông đô thị. Đồng thời, tích cực thúc đẩy thông minh hóa, chuyển đổi kỹ thuật số và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, thực hiện thu thập, quản lý và ứng dụng kỹ thuật số cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cấp trình độ và dịch vụ thông minh đối với hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ truyền thống, thiết lập hệ thống hạ tầng đường bộ kỹ thuật số thông minh mới để thích ứng nhu cầu giao thông hiện đại trong tương lai.
Đề xuất phát triển hệ thống giao thông đô thị tổng hợp
Lấy quy hoạch làm điểm đầu, thiết lập hệ thống giao thông đô thị “1+3” một cách toàn diện. Nội dung cốt cõi trong Ý kiến chỉ đạo về việc thúc đẩy toàn diện công tác xây dựng hệ thống giao thông đô thị tổng hợp do Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn ban hành được định hướng bởi công tác quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tổng hợp, triển khai 3 hành động trọng tâm: vận chuyển nhanh chóng, lưu thông phân phối hàng ngày, phát triển xanh, nỗ lực tạo ra hệ thống giao thông đô thị tổng hợp “1+3”, tập trung chuyển đổi phát triển từ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất sang tập trung đầu tư vào dịch vụ và chất lượng, thúc đẩy toàn diện sự phát triển chất lượng cao của giao thông đô thị từ góc độ người sử dụng.
Mô hình giám sát trực quan thông minh các nút giao thông quan trọng
Hệ thống giao thông đô thị tổng hợp “1+3” là kim chỉ nam nhằm phối hợp xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị khác nhau, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ giao thông vận tải, dẫn đầu công tác phát triển đô thị và định hình hợp lý, hiệu quả cấu trúc không gian đô thị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành và triển khai “Tiêu chuẩn Quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tổng hợp”, “Tiêu chuẩn Quy hoạch mạng lưới vận tải đường sắt đô thị” và “Tiêu chuẩn Quy hoạch hệ thống giao thông dành cho xe đạp và người đi bộ” đã trở thành những định hướng chỉ đạo cơ bản cho công tác phát triển giao thông đô thị tổng hợp “1+3” ở giai đoạn hiện tại, yêu cầu cần chuyển trọng tâm phát triển hệ thống giao thông từ mục tiêu duy nhất là xóa bỏ ùn tắc sang phát triển đa dạng, xanh thông minh. Một số đề xuất đã được đưa ra, điển hình như cần ưu tiên phát triển nhiều loại hình giao thông chuyên sâu và xanh hóa, đồng thời phối hợp nhiều phương thức di chuyển; tuân thủ nguyên tắc “xanh, công bằng, an toàn và hiệu quả”; tỷ lệ mạng lưới giao thông xanh đô thị trong tương lai không được dưới 75%, các nguyên tắc cụ thể của việc đặt giao thông xanh lên định hướng phát triển hàng đầu được thể hiện qua cấu hình cơ sở hạ tầng và phương thức bố trí các không gian giao thông. Bên cạnh đó, cần kết hợp với các đặc điểm và yêu cầu phát triển giao thông đô thị Trung Quốc trong thời kỳ mới, cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng dịch vụ của hệ thống giao thông tổng hợp. Đẩy mạnh các cuộc thanh tra, khảo sát thực tế về giao thông đô thị, dựa trên thực trạng khảo sát để tiến hành cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó tập trung nâng cấp và chuyển đổi thông minh hệ thống các tuyến đường, bãi đỗ xe, trạm sạc công cộng…
Thúc đẩy chuyển đổi thông minh hệ thống đường bộ dựa trên các nền tảng ứng dụng đa dạng, đẩy nhanh quá trình thiết lập hệ thống quản lý kỹ thuật số cho cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và các phương tiện giao thông đường bộ. Đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng, nâng cấp các bãi đỗ xe trong các khu dân cư, khu đô thị cũ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, mở rộng quy mô các bãi đỗ xe một cách hợp lý, khai thác hiệu quả tiềm năng nội bộ, tiêu chuẩn hóa việc quản lý bãi đỗ xe. Nâng cao chức năng của các bãi đỗ xe tại những khu vực trọng điểm như trường học, bệnh viện, các đầu mối giao thông lớn, các điểm du lịch…để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây để nâng cao hơn nữa tính khoa học và sự hoàn thiện của công tác quy hoạch hệ thống giao thông đô thị toàn diện.
Viện Thiết kế và quy hoạch đô thị Trung Quốc,tháng 11/2023
Ngọc Anh