Ngày đăng 08/11/2023 | 12:00 AM

Amsterdam với mô hình kinh tế bánh vòng

(BXD) Vào năm 2020, giữa đợt phong tỏa đầu tiên ở châu Âu do đại dịch Covid - 19, Chính quyền thành phố Amsterdam (Hà Lan) đã công bố chiến lược thoát khỏi cuộc khủng hoảng này thông qua khái niệm “nền kinh tế bánh vòng”. Mô hình được phát triển bởi nhà kinh tế học người Anh Kate Raworth và được phổ biến rộng rãi qua ấn phẩm “Donut economics: seven ways to think kike a 21st century economist” xuất bản năm 2017. Trong đó, K. Raworth lập luận mục đích thực sự của kinh tế học không nhất thiết là tăng trưởng mà là tìm cách cân bằng nhu cầu cung cấp cho mọi người những gì họ cần để có một cuộc sống tốt đẹp (“nền tảng xã hội”), đồng thời hạn chế tác động của con người đến môi trường (“trần sinh thái”). Với sự giúp đỡ của K.Raworth, Amsterdam đã thu nhỏ quy mô phương pháp này xuống quy mô thành phố. Mô

Mô hình kinh tế “bánh vòng”

K. Raworth đi đến hình ảnh “chiếc bánh vòng” bằng cách mô tả hai vòng tròn - vòng tròn nhỏ hơn nằm trong vòng tròn to hơn. Vòng tròn bên ngoài được lấy cảm hứng từ một mô hình mà bà bắt gặp khi làm việc cho tổ chức phi thương mại Oxfam chuyên đấu tranh chống đói nghèo. Tại đây, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu hệ thống Trái đất đã nghiên cứu các điều kiện môi trường tạo nên sự sống trên Trái đất. Họ đã xác định tập hợp các giới hạn mà nếu vượt qua sẽ gây những tổn thất không thể khắc phục đối với khí hậu, đất, đại dương, đa dạng sinh học, theo đó lấccđiều kiện sống còn của loài người. Vòng tròn bên ngoài này có liên quan đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, mất đa dạng sinh học, suy giảm tầng ozone và axit hóa đại dương.

Kate Raworth với mô hình “kinh tế bánh vòng”

Dù K. Raworth nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cố gắng duy trì dưới “mức trần sinh thái” , bà cũng hiểu đây chỉ là một mặt của vấn đề. Nếu vòng ngoài mô tả mức tối đa thì vòng trong thể hiện những điều kiện tối thiểu cần thiết cho mỗi người để có cuộc sống tốt đẹp. Dựa vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, vòng tròn bên trong giải quyết các nhu cầu thiết yếu như tiếp cận thực phẩm và nước sạch, nhà ở chất lượng, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công bằng xã hội, quyền có tiếng nói chính trị, sự công bằng và cơ hội việc làm - thu nhập .

Mục tiêu là sống cân bằng với hai nhóm điều kiện này, đạt được vùng giữa vòng trong và vòng ngoài, giữa trần sinh thái phía trên và nền tảng xã hội cơ bản.

Học thuyết của K.Raworth cụ thể hóa kết quả cuối, song không chỉ rõ cách  thức để đạt được kết quả này, mà chỉ khuyến khích các bên liên quan nhìn vào bức tranh toàn cảnh và hiểu ảnh hưởng từ các quyết định của họ đối với hàng loạt vấn đề đô thị.

Amsterdam vận dụng mô hình bánh vòng như thế nào và tại sao

Tháng 4/2020, Chính quyền Amsterdam đã phê duyệt chiến lược Amsterdam 2020–2025, với kế hoạch hành động thực tế đầu tiên trong hai năm. Chiến lược dựa trên phiên bản “bánh vòng” của K.Raworth, qua đó Amsterdam trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới chính thức áp dụng khái niệm này.

Hợp tác cùng K.Raworth, mô hình thu nhỏ được tạo nên - “chân dung thành phố” là bức tranh vẽ nhanh, toàn diện về thành phố, làm điểm khởi đầu cho tư duy tổng thể, đổi mới đồng sáng tạo và những chuyển đổi một cách có hệ thống, phù hợp với chiến lược đã ban hành; tạo động lực cho sự hợp tác liên ngành trong thành phố, thu hút nhiều thành viên tham gia quá trình thông qua các giải pháp xây dựng môi trường xung quanh.

Dự án Streindeland tại IJburg (Amsterdam) - quần đảo nhân tạo gồm sáu hòn đảo không làm tổn hại cho môi trường bản địa, đồng thời là giải pháp hữu hiệu chống lại mực nước biển dâng

Khi tiến hành nghiên cứu, chính quyền Amsterdam nhận thấy 20% ​​người thuê nhà trong thành phố không thể trang trải cho các nhu cầu cơ bản của mình sau khi thanh toán xong tiền thuê nhà. Ngoài ra, trong tổng số hơn 60.000 đơn đăng ký nhà ở xã hội trực tuyến, chỉ có 12% thành công (theo nhật báo Guardian). Giải pháp đầu tiên  là xây thêm nhà, nhưng với cách làm này Amsterdam đã tăng đáng kể lượng khí thải carbon trong những năm gần đây. Marieke van Doorninck - Phó Thị trưởng thành phố nhận định thành phố cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, song đồng thời cần điều chỉnh các sáng kiến ​​để đảm bảo các nhà xây dựng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường nhiều nhất có thể.

Một trong những dự án xây dựng hàng đầu của Amsterdam là Strandeiland - một phần của IJburg, một quần đảo nhân tạo gồm sáu hòn đảo mới được khai thác ở vùng biển phía đông nam thành phố. Trong quá trình xây dựng, một loạt quyết định đã được đưa ra nhằm giảm tác động của các công trình xây dựng. Vật liệu được vận chuyển trên những con thuyền chạy bằng nhiên liệu phát thải thấp, nền tảng được đặt bằng các quy trình không gây hại cho thiên nhiên bản địa đồng thời có thể bảo vệ cư dân khỏi mực nước biển dâng.

Amsterdam là thành phố đầu tiên chính thức áp dụng chiến lược “kinh tế bánh vòng”, và không phải là thành phố duy nhất quan tâm đến mô hình này. Theo tạp chí Time, năm 2019, C40 (mạng lưới các đô thị hành động khí hậu) đã làm việc với Kate Raworth để xây dựng các báo cáo về Amsterdam, Philadelphia và Portland, cho các thành phố thấy vị thế của mình trên “chiếc bánh vòng”. Amsterdam cuối cùng đã áp dụng nguyên tắc này trong khuôn khổ chiến lược chung toàn thành phố.

Tháng 6/2022, Copenhagen cũng quyết định noi theo Amsterdam. Còn Brussels đang thử nghiệm học thuyết này ở những quy mô khác nhau. Một trong những sáng kiến ​​của Bỉ là tái thiết sân Kho bạc của Bộ Tài chính bị bỏ hoang nhằm "tối thiểu hóa tác động đến môi trường và tối đa hóa tác động đến cộng đồng". Một sáng kiến ​​khác là dự án nhà ở Arc-en-Ciel tại Molenbeek, cho phép người dân thiết kế và xây dựng công trình theo nhu cầu của họ đồng thời tuân thủ các chuẩn mực, đưa đến việc giảm thiểu diện tích xây dựng thông qua sử dụng hệ thống điều chỉnh nhiệt thụ động. Đến cuối năm 2022, thành phố nhỏ Dunedin ở New Zealand, Portland, Oregon và Austin (Mỹ) đều có kế hoạch khởi xướng khái niệm theo các phiên bản riêng của mình. Mặc dù tất cả các chiến lược đều được lấy cảm hứng từ mô hình bánh vòng, song diễn giải khái niệm theo những cách phù hợp với nhu cầu và khả năng cụ thể của từng thành phố.

Đây không phải là mô hình mang tính quy định, không đưa ra một lộ trình cụ thể mà thể hiện kết quả cuối cùng cần nỗ lực hướng tới - bảo đảm chất lượng sống tốt cho tất cả mọi công dân, đồng thời không tạo áp lực quá mức cho môi trường. Cách thức đạt được điều này có thể khác nhau tùy theo từng khu vực. Các thành phố hoặc quốc gia giàu có hơn có thể nhận thức vấn đề chính của mình nằm ở vòng tròn bên ngoài, do đó giảm tầm ảnh hưởng của mình để phù hợp với “ranh giới hành tinh”. Còn các khu vực có thu nhập thấp và trung bình có thể cần nỗ lực để đưa người dân ra khỏi trung tâm và bước vào vòng tròn bên trong, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng các nhu cầu cơ bản (thực phẩm, giáo dục và cơ hội phát triển) cho mọi công dân của mình.

Nguồn: АrсhDаilу.ru

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...