Báo cáo gần đây nhất của Hội đồng Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cho thấy một tương lai ảm đạm: việc thích ứng với BĐKH sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn nếu các quốc gia không đầu tư vào việc bảo vệ chính mình ngay từ bây giờ. Chỉ riêng những thảm họa trong thời gian qua đã cho thấy mức độ cấp bách ngày càng tăng. Nhiều cơn lốc xoáy đã tàn phá khắp miền Trung tây Hoa Kỳ, trong khi những trận mưa lớn làm ngập các vùng đất từ Trung Quốc đến Nam Sudan và cháy rừng thiêu rụi hàng triệu ha rừng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối với các cảnh quan khác nhau, có những NbS khác nhau có thể được triển khai để thích ứng với các nguy cơ BĐKH. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét đâu là những lỗ hổng chính và khai thác tiềm năng của NbS để xây dựng khả năng phục hồi cho cộng đồng.
Cơ sở hạ tầng vật chất là tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp này. Báo cáo của IPCC cho thấy, các tòa nhà ở khu vực thành thị đã phải đối mặt với những rủi ro ngày càng nhiều, do sự kết hợp của các hiện tượng cực đoan và dân số ngày càng tăng. Nhiều thành phố đã có kế hoạch thích ứng, nhưng rất ít thành phố thực hiện triệt để như mong muốn.
Đầu tư sớm để xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu tốt hơn ở những vị trí an toàn sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn, giảm thiểu chi phí và bảo vệ các khoản đầu tư phát triển. Lợi ích ròng của việc đầu tư vào khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ lên tới 4,2 nghìn tỷ USD. Bài viết đưa ra một số sáng kiến, dự án về hạ tầng thích ứng với các tác động của khí hậu.
Nature-based solutions (NbS) - giải pháp dựa vào thiên nhiên
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên liên quan đến việc hợp tác với thiên nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, mang lại lợi ích cho cả phúc lợi con người và đa dạng sinh học. Các hành động NbS bao gồm bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên và bán tự nhiên (hoặc được cải tạo) nhằm mang lại lợi ích môi trường và giải quyết các thách thức xã hội. Chủ đề này đã thu hút sự chú ý trong những năm gần đây do có bằng chứng cho thấy NbS có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính (tức là lợi ích giảm tác động tuwfbieesn đổi khí hậu) cũng như giảm tác động của lũ lụt và hạn hán (tức là lợi ích thích ứng với biến đổi khí hậu).
“Thích ứng ngay: Lời kêu gọi lãnh đạo toàn cầu về khả năng chống chịu BĐKH” của Ủy ban Thích ứng Toàn cầu
Mặc dù NbS đã có từ lâu nhưng gần đây mới được xem như một công cụ để tăng cường khả năng phục hồi của môi trường xây dựng và là giải pháp thay thế cho hạ tầng ‘xám’ truyền thống. Do đó, cần phải tích hợp các nghiên cứu, chính sách, hướng dẫn thiết kế kỹ thuật mới và các bài học thực tiễn về chủ đề này trong vòng đời của hạ tầng cơ sở để có thể phối hợp tiếp cận việc triển khai NbS.
Hiểu được lợi ích xã hội, kinh tế, môi trường mà NbS có thể mang lại là chìa khóa để mở rộng quy mô triển khai NbS trên toàn cầu. Việc triển khai hiệu quả NbS có thể mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội bên cạnh việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Lợi ích bao gồm: bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái; cải thiện chất lượng nước và các điều kiện nguồn nước; điều hòa vi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí; tăng cường sức khỏe và phúc lợi.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua SI-CoL
SI-CoL được thành lập vào năm 2020 sau đại dịch COVID-19, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về phục hồi kinh tế và mong muốn 'xây dựng lại tốt hơn' bằng cách đưa các cân nhắc về cơ sở hạ tầng bền vững vào các dự án.
SI-CoL được liên kết bởi các nhóm Sustainable Infrastructure Partnershi, Đại học Duke, Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Liên minh Quốc tế về Cơ sở hạ tầng Bền vững (The International Coalition for Sustainable Infrastructure - ICSI và Tổ chức bảo tồn quốc tế. Sứ mệnh của nhóm là “chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực trên toàn cầu” để cải thiện các phương pháp tiếp cận, kết quả và việc tiếp thu phát triển năng lực Cơ sở hạ tầng bền vững.
Năm 2021, SI-CoL đã thử nghiệm chuỗi hội thảo trực tuyến kéo dài một năm, có tựa đề Cơ sở hạ tầng bền vững. Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 650 kỹ sư, kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà kinh tế và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các chủ đề như lập kế hoạch chiến lược, đánh giá môi trường, khả năng chống chịu khí hậu, ra quyết định có sự tham gia, công bằng, tính tuần hoàn và quy hoạch hệ thống. Cách tiếp cận hợp tác và toàn diện của SI-CoL nhằm xây dựng một cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ nhu cầu về tính bền vững và khả năng chống chịu được đưa vào trong suốt vòng đời của cơ sở hạ tầng.
Resilience4ports – Tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng cảng biển
Resilience4Ports là Phòng thí nghiệm đổi mới đầu tiên do Resilience Rising ra mắt, gồm các nhà hoạch định chính sách, kỹ sư, doanh nghiệp, nhà tài trợ cũng như chủ sở hữu và nhà điều hành cơ sở hạ tầng. Resilience4Ports là sáng kiến hợp tác nhằm nâng cao khả năng phục hồi của các cảng.
Thông qua chương trình này, nhóm điều hành mong muốn huy động một lượng lớn người dân quan trọng để tạo ra quy mô và động lực cần thiết để ngành cảng biển có khả năng chống chịu trước mọi rào cản. Resilience4Ports được xây dựng dựa trên “sự thay đổi khả năng chống chịu” trên các cảng và phong trào mà nó tạo ra nhằm huy động các chủ sở hữu cơ sở hạ tầng cảng biển nhằm thu hẹp khoảng cách về khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng.
Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai
Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) là quan hệ đối tác toàn cầu của các chính phủ quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, ngân hàng phát triển đa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật và tri thức nhằm thúc đẩy khả năng chống chịu của các hệ thống hạ tầng mới và hiện có trước các rủi ro về khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững. CDRI có nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, phát triển năng lực và tuyển chọn kiến thức. Ví dụ về các sáng kiến như: nền tảng phát triển kiến thức và năng lực, nền tảng toàn cầu cung cấp thông tin rủi ro trong phạm vi công cộng và chương trình hỗ trợ khả năng phục hồi ở các Quốc đảo nhỏ đang phát triển.
CDRI đã được thành lập năm 2019, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn trước các thảm họa khí hậu. Tổ chức này này đã sử dụng những mô hình rủi ro để tính toán thiệt hại do thiên tai, trong đó cũng bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng xã hội, chẳng hạn như trường học và bệnh viện, cũng như thiệt hại về kinh tế do tình trạng gián đoạn dịch vụ gây ra. CDRI đang làm việc với các quốc gia để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tạo ra một loạt các dự án thích ứng mà khu vực tư nhân có thể đầu tư.
Để thúc đẩy số lượng thành viên ngày càng tăng và đa dạng của Liên minh, CDRI đang phát triển một nền tảng tương tác, học tập và đồng sáng tạo kỹ thuật số thống nhất cho các bên liên quan của mình - DRI Connect - sẽ bao gồm các thành phần chính sau:
+ Không gian học tập, cộng tác và đồng sáng tạo thông qua các chức năng E-learning.
+ Cổng thông tin kiến thức, kho kiến thức toàn diện về DRI;
+ Thị trường, cho phép tiếp cận các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu;
+ Nền tảng DRI Connect sẽ là một trong những nền tảng đóng vai trò là không gian trực tuyến duy nhất để các bên liên quan của DRI kết nối, học hỏi và cộng tác nhằm cải thiện các phương pháp, quy trình và chính sách cho các hệ thống cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu rủi ro khí hậu.
Việc phát triển Chỉ số khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIRI) đang được đẩy nhanh. Đây là một sáng kiến cốt lõi của Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai. GIRI là đánh giá rủi ro xác suất đầy đủ đầu tiên cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng toàn cầu. Dự kiến sẽ cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, ra quyết định và đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với thiên tai và khí hậu bằng cách cung cấp các số liệu rủi ro xác suất đáng tin cậy và có thể so sánh được, giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. GIRI sẽ đo lường khả năng chống chịu trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như điện và năng lượng, giao thông, viễn thông và nước cũng như cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục và y tế. GIRI sẽ ước tính rủi ro đối với các mối nguy hiểm lớn như bão nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, lở đất, động đất và sóng thần, xem xét một loạt các kịch bản biến đổi khí hậu và cũng sẽ xem xét năng lực của các quốc gia trong việc quản lý và giảm thiểu rủi ro mà họ gặp phải.
Thủ tướng Narendra Modi đã ra mắt Cơ sở hạ tầng cho các Quốc đảo nhỏ có khả năng chống chịu (IRIS) - một sáng kiến chung với Liên minh Cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi sau thảm họa và các Quốc đảo nhỏ đang phát triển tại COP26 ở Glasgow.
Các quốc đảo nhỏ đang bị đe dọa đặc biệt bởi biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Hai hòn đảo ở Thái Bình Dương có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này và một số cộng đồng đã phải di dời. Sáng kiến IRIS tập trung vào việc xây dựng năng lực, có các dự án thí điểm, đặc biệt là ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển. IRIS sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về nhiều mặt của các vấn đề do hệ thống cơ sở hạ tầng đặt ra và thúc đẩy khả năng chống chịu của hạ tầng sau thảm họa, đồng thời chia sẻ kiến thức và bài học mới nhất nhằm vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng cụ thể. IRIS sẽ hỗ trợ các quốc đảo nhỏ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, kiên cường, có thể chịu được những cú sốc khí hậu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân,. cải thiện khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng trước biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; tăng cường kiến thức và quan hệ đối tác để tích hợp khả năng chống chịu BĐKH trong cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, thúc đẩy bình đẳng giới và sự hòa nhập của người khuyết tật thông qua cơ sở hạ tầng linh hoạt.
Nguồn: Báo cáo hạ tầng chống chịu BĐKH của Liên minh quốc tế về hạ tầng bền vững
ND: Mai Anh