Ngày đăng 26/09/2023 | 12:00 AM

Một số sai lầm cơ bản trong quy hoạch đô thị của các nước châu Âu thế kỷ XX

(BXD) Những thành phố do con người kiến tạo nên, song bản thân con người cũng không tránh khỏi nhiều sai sót. Điều gì sẽ xảy ra nếu một thành phố thủ phủ của cả một quốc gia lại được xây dựng theo các nguyên tắc xây dựng nông thôn? Và giữa trung tâm lịch sử “sừng sững” những tòa nhà chọc trời? Tác giả bài báo sẽ nêu ra một số ví dụ điển hình nhất tại các thành phố của châu Âu.

Thế kỷ XX được coi là khoảng thời gian có nhiều biến động xã hội nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại, và diện mạo các đô thị lớn được kiến thiết trong thế kỷ XX đã phản ánh rất trung thực những biến động này. Chiến tranh và các cuộc cách mạng liên miên đã khiến các khu dân cư bị tàn phá nặng nề và được xây mới sau đó, song không hoàn toàn như đã từng có. Sự can thiệp thô bạo vào quá trình hình thành và phát triển tự nhiên của các đô thị đôi khi dẫn tới những hệ quả tiêu cực.



“Brusselization” hàm ý việc xây dựng các toà nhà cao tầng hiện đại ở những khu phố cổ kính mà thiếu sự quan tâm đến ngữ cảnh vốn có.

“Brusselization”

Trong lĩnh vực kiến trúc có một thuật ngữ khá phổ biến – “brusselization” ra đời từ sự phát triển và tái phát triển lộn xộn của Thủ đô Brussels (Bỉ) suốt thập niên 1960 – 1970. Sau Chiến tranh thế giới lần II, thành phố bị tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chính quyền thành phố thời kỳ này đã đưa ra những giải pháp quy hoạch thiếu định hướng, dẫn đến những mâu thuẫn sâu sắc giữa các phong cách kiến trúc hiện đại và truyền thống. Nhiều công trình có giá trị về kiến trúc bị hủy hoại; nhiều công trình cao tầng, trung tâm thương mại lần lượt mọc lên thế chỗ cho các tòa nhà cổ kính. Một nguyên nhân nữa khiến thành phố càng thay đổi hơn là World Expo 1958 - hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên sau chiến tranh có tầm ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống đô thị vốn chưa hoàn toàn hồi phục sau chiến tranh. Để chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều tòa nhà kiến trúc đẹp còn có thể khôi phục đã bị phá bỏ hoàn toàn, những cao ốc văn phòng - nhà ở hiện đại sừng sững mọc lên giữa các khu phố cổ; nhiều đường hầm, đại lộ mới được hình thành, cả thành phố là một công trường lớn, đặc biệt là khu vực phía bắc Brussels. Cho dù Expo 1958 để lại nhiều dấu ấn (tiêu biểu là Atonium - công trình kỷ niệm phục vụ cho Hội chợ; về sau trở thành biểu tượng độc đáo của Thủ đô Vương quốc Bỉ), nhiều kiến trúc sư và các nhà xây dựng đương thời đã phê phán sự vội vàng, thiếu cân nhắc của Chính quyền thành phố trong công tác quy hoạch đô thị thời kỳ này. 



Cuộc sống đô thị của Minsk được hình thành dọc theo các Đại lộ chính - từ cửa ngõ tới tận trung tâm - khiến giao thông đô thị luôn đông đúc 

Ở giai đoạn này, sự gia tăng dân số và lượng xe hơi trên các đường phố đã thúc đẩy các nhà quy hoạch đô thị cải tạo toàn bộ khu vực trung tâm; đổ bê tông nhựa asphan tại một số tuyến phố chính, trước đó để các xe ủi đất hạng nặng hoạt động tại những khu phố cổ kính. Một Brussels mới được định hình với vật liệu chủ đạo là kính và bê tông, cho tới tận bây giờ thực sự chưa thể lấy lại vẻ ngoài “ưa nhìn” nhất cho thành phố. “Brusselization” trở thành cách gọi cho phương pháp tái thiết và phát triển thiếu định hướng quy hoạch tại tất cả các thành phố, thị trấn trên thế giới. Thuật ngữ này cũng rất đúng với hiện trạng của Thủ đô Viena (Áo) sau chiến tranh – nơi công cuộc tái thiết diễn ra tương tự như Brussells.

Thành phố - làng quê

Thủ đô Minsk (Belarus) có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời từ giữa thế kỷ XI, song không thể gọi là thành phố cổ. Chiến tranh thế giới II đã biến thành phố cổ kính xinh đẹp thành một đống đổ nát, và ngay sau chiến tranh, một đô thị hoàn toàn mới được nhanh chóng xây dựng. Có thể nói Minsk là tác phẩm trọn vẹn của các kiến trúc sư Xô viết - những chuyên gia ưu tú đương thời nhưng thiếu tầm nhìn để đưa ra những dự báo có chất lượng về sự gia tăng dân số, nhận diện trước một số tình huống cũng như giải pháp quy hoạch trong tương lai. Sai lầm lớn nhất trong quy hoạch đô thị của Minsk là trung tâm thành phố được biến thành một nút giao thông mở khổng lồ.



Berlin (Đức) - thành phố lịch sử không có trung tâm lịch sử

Khác với các thành phố được hình thành một cách tự nhiên, từ trung tâm tới ngoại ô Minsk có kết cấu các khu vực dân sinh đặc trưng của một làng quê – nhịp sống diễn ra dọc theo một số tuyến phố chính. Tại Minsk, không khó để nhận ra sơ đồ: thành phố được hình thành dọc theo trục các đại lộ Độc lập và Chiến thắng. Mô hình này có một nhược điểm lớn – giao thông của toàn thành phố cần đi qua khu vực trung tâm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thực trạng sinh thái, đồng thời là nguyên nhân phát sinh ùn tắc trong nội đô.

Thành phố lịch sử không có trung tâm lịch sử

Thành phố Berlin (Đức) đóng vai trò then chốt trong lịch sử hiện đại của châu Âu, song điều khiến nhiều người bất ngờ là thành phố không có trung tâm lịch sử. Giai đoạn giữa Chiến tranh thế giới I và II, khu vực trung tâm Berlin từng có diện mạo đặc trưng của phần lớn các thành phố Tây Âu - những con phố dài và hẹp, nhiều công trình di tích từ thời Trung Cổ…Tuy nhiên, kiến trúc cổ điển của khu vực trung tâm đã bị Đức Quốc xã xâm phạm nhiều, với tham vọng đưa Berlin trở thành thủ phủ của một đế chế hùng mạnh. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, khi khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng Berlin tháng 5 năm 1945 đánh dấu sự tàn phá cuối cùng, khiến trung tâm thành phố bị xóa sổ hoàn toàn trên bản đồ. Cho dù cả thành phố chưa hoàn toàn bị hủy diệt, song chính sách quy hoạch đô thị thời kỳ đó cũng không xem xét việc tái thiết những công trình đã bị phá hủy. Ngày nay, trung tâm Berlin là một mạng lưới mô phỏng các công trình khu vực trung tâm cũ, xen kẽ bằng các vườn hoa và công viên mới xây, về mặt mỹ quan khá tẻ nhạt.

Khách sạn cao cấp Azimut và nhiều công trình cao tầng hiện đại khác đang xâm phạm không gian lịch sử trong trung tâm lịch sử St. Peterburg (Nga)

Saint Peterburg với các mâu thuẫn nội tại

Một trong những thành phố đẹp nhất của châu Âu, “Thủ đô phương Bắc” của nước Nga cũng không tránh được những sai lầm đáng tiếc trong chính sách quy hoạch và thiết kế đô thị. Rất nhiều bài báo, nhiều công trình khoa học đã đề cập tới vấn đề này từ nhiều năm nay, song tình hình chưa được cải thiện. Thống kê gần đây của Chính quyền Saint Peterburg cho thấy, ngay trong trung tâm lịch sử của thành phố có hơn 70 công trình cao tầng mới (con số vẫn đang tiếp tục tăng lên) xâm phạm thô bạo cảnh quan khu vực này. Trong đó, có nhiều công trình hiện đại như “Làng Thế vận hội” trên đảo Krestov, khách sạn Azimut, tổ hợp thương mại Monblance bên bờ sông Neva, Regent Hall trên quảng trường Vladimir…Điều làm người dân Saint Peterburg bất bình nhất là khối lượng lớn các công trình này đã gần như phá vỡ không gian lịch sử vốn có - niềm tự hào không chỉ của công dân thành phố mà của mỗi người dân Nga.


Tác giả: Dmitri Valenko

Tạp chí Quy hoạch đô thị Nga (tháng 1/2020)

ND: Lệ Minh

Tin có liên quan

Loading ...