Kể từ sau Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đến nay, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã tuân thủ nghiêm và thực hiện các quyết định, chỉ đạo của Trung ương Đảng về chiến lược phát triển xanh, lấy tiêu chí xanh và thấp carbon làm cơ sở để xây dựng và quản lý đô thị.
Bắc Kinh đẩy mạnh nghiên cứu và cho ra mắt nhiều công nghệ xây dựng xanh, thấp carbon
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh - với vai trò của một trong những thành phố đi đầu trong công tác thí điểm carbon thấp cấp quốc gia - đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong thực tế xây dựng và cải tạo các cộng đồng định hướng carbon thấp, từng bước hình thành mô hình kiểm soát hiệu quả lượng khí thải carbon ở các loại hình cộng đồng khác nhau. Một mặt, Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng và phủ xanh, triển khai nhiều dự án trồng trừng với quy mô lớn, thúc đẩy xây dựng, phát triển các đô thị rừng và nông thôn rừng, mở rộng không gian xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở cả thành thị và nông thôn; mặt khác, tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính ở các khu dân cư và khu vực sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong việc giáo dục, tuyên truyền kiến thức về môi trường cho người dân; trong sự tham gia của cộng đồng vào công tác chuyển đổi đô thị; thiếu đảm bảo về hệ thống vốn đầu tư để phi carbon hóa…Do đó, việc thực hiện chiến lược carbon kép và công tác chuyển đổi xanh, thấp carbon hệ thống đô thị còn vướng mắc. Cụ thể:
Thứ nhất, tỷ lệ phổ cập của công tác giáo dục, tuyên truyền về khái niệm “carbon thấp” chưa cao, kiến thức nền tảng và ý thức chung của người dân còn yếu. Theo kết quả khảo sát, có tới 40% dân số chưa bao giờ nhận được các thông tin tuyên truyền và giáo dục liên quan đến phát thải carbon; hơn nữa, tỷ lệ người dân được tuyên truyền, giáo dục về phát thải carbon giữa các nhóm tuổi khác nhau có sự chênh lệch đáng kể, nhóm tuổi trung niên và người già đạt tỷ lệ thấp nhất. Người dân còn mơ hồ về nguyên nhân và các hậu quả có thể xảy ra từ biến đổi khí hậu, nhầm lẫn giữa vấn đề phát thải carbon và ô nhiễm không khí.
Thứ hai, nhận thức chủ quan của cộng đồng về vấn đề giảm lượng phát thải carbon và cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu còn thấp. Hầu hết người dân đều tin rằng việc tiêu thụ năng lượng của cá nhân và hộ gia đình sẽ không tác động đến biến đổi khí hậu, và nhìn chung người dân cho rằng thực hiện các biện pháp giảm lượng phát thải carbon là công việc của Chính phủ chứ không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Người dân có nhận thức thấp đối với những rủi ro biến đổi khí hậu, đa số cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ tác động không nhiều đến từng cá nhân, và nếu có thì cũng chỉ xảy ra ở những khu vực hẻo lánh, vùng sâu vùng xa mà thôi.
Thứ ba, mức độ sẵn sàng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải của chính người dân còn khá thấp, và các chính sách dựa trên giá đều có nguy cơ gặp sự phản đối lớn từ công chúng. Người dân thường có xu hướng ủng hộ cao hơn đối với các chính sách mang tính vĩ mô như trồng rừng và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, nhưng lại ít ủng hộ các chính sách vi mô và giá cả liên quan trực tiếp đến lợi ích của chính người dân như tăng giá năng lượng và thu thuế. Đối với các chính sách và khái niệm mới trong lĩnh vực môi trường (như cơ chế mua bán phát thải carbon), tỉ lệ nhận thức và ủng hộ từ người dân còn tương đối thấp. Hầu hết công chúng ủng hộ việc thực hiện và cải thiện các hành vi tiết kiệm năng lượng hàng ngày nhưng rất ít hộ gia đình sẵn sàng đầu tư cải tạo nhà ở theo mô hình tiết kiệm năng lượng; đa số người dân cũng không quan tâm nhiều đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.
Thứ tư, cơ chế đồng xây dựng, đồng quản trị và đồng chia sẻ thành quả của các cộng đồng xanh, thấp carbon còn chưa hoàn thiện. Các dự án phủ xanh đô thị và nông thôn ở Bắc Kinh chủ yếu được thúc đẩy bởi Chính phủ, các hoạt động trồng cây tình nguyện hầu hết được tổ chức và tham gia bởi các đơn vị, tổ chức khác nhau hoặc các cá nhân tích cực. Các cộng đồng xã hội chưa tổ chức và thực hiện hiệu quả việc trồng cây tình nguyện nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một ngôi nhà sinh thái chung cho cả cộng đồng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nhận thức cho công chúng về cộng đồng xanh, thấp carbon được chú trọng tại Bắc Kinh
Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, một số đề xuất đã được đưa ra. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, thí điểm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của quần chúng về bảo tồn năng lượng và giảm phát thải. Trước hết, cần khắc phục những nhầm lẫn và suy nghĩ chủ quan của người dân bằng cách nâng cao nhận thức về môi trường đối với toàn dân; đưa những hành vi thân thiện với môi trường trở thành những hành vi tự giác của công chúng. Cần nâng cao năng lực và động lực thực hiện các hoạt động giảm phát thải của công chúng bằng cách khuyến khích và hướng dẫn cư dân trong các cộng đồng thực hành các biện pháp bảo tồn, tiết kiệm năng lượng thấp carbon, phấn đấu trở thành những hộ gia đình xanh, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong thực tế. Cần nâng cao hiểu biết của công chúng về những rủi ro của biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng nhiều phương pháp để mở rộng quy mô, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo nhận thức và thói quen của công chúng về những hậu quả mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho nền kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người, hướng dẫn người dân hiểu đúng và sát thực tế nhất về những tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ hai, cần cải thiện cơ chế tham dự của quần chúng và mô hình quản trị từ trên xuống trong các cộng đồng xã hội carbon thấp. Cần tổ chức và thiết lập cơ chế tham gia dịch vụ công thấp carbon, chú trọng thúc đẩy công tác cung cấp đa dạng nhiều loại hình dịch vụ công thấp carbon như dịch vụ phân loại rác thải, tiết kiệm nước, hệ thống năng lượng mới, các thiết bị bảo vệ môi trường mới…Cần định hình lại cơ chế công khai thảo luận và lấy ý kiến đóng góp từ công chúng, khuyến khích các cộng đồng thành lập các nhóm chuyên gia, các ban cố vấn về tiết kiệm năng lượng và phát triển xanh, thấp carbon, việc này sẽ giúp tăng cường cơ sở khoa học của việc đưa ra các quyết sách phát triển và cải tạo các cộng đồng theo định hướng xanh và thấp carbon. Cần chú trọng đến việc đánh giá hiệu suất và tối ưu hóa sự tham gia của công chúng, cần tiến hành các biện pháp quản lý giám sát, đánh giá và điều chỉnh phương hướng theo từng giai đoạn của kế hoạch chuyển đổi xanh, carbon thấp trong các cộng đồng, các điều kiện, tiêu chuẩn và cam kết đối với các hoạt động xây dựng của công chúng sẽ được thống nhất thông qua việc lấy ý kiến và thảo luận rộng rãi, công khai.
Thứ ba, cần thiết lập hệ thống đa cấp độ, đa kênh, đa ngành để đảm bảo tài trợ cho các cộng đồng thấp carbon; mở rộng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác chuyển đổi xanh và thấp carbon. Chú trọng các công tác hỗ trợ bảo tồn và tiết kiệm năng lượng trong các công trình công cộng; nghiên cứu, phát triển và quảng bá các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường mới, đồng thời đưa ra các chính sách hỗ trợ như trợ cấp phát điện bằng quang điện, trợ cấp về thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao…Đẩy mạnh thành lập các quỹ đặc biệt cho công tác xây dựng cộng đồng thấp carbon theo các cấp địa phương; tăng cường đầu tư xây dựng thấp carbon thông qua việc huy động các trợ cấp tài chính, trao các giải thưởng, cho vay với lãi suất thấp…Cần tiêu chuẩn hóa công tác quản lý các hệ thống và các kênh tài trợ để đảm bảo việc thiết lập và huy động các kênh tài trợ, các quỹ đặc biệt…được tiến hành khoa học, an toàn, ổn định. Ngoài ra, cần huy động toàn xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng các cộng đồng xanh, thấp carbon, tạo mô hình đồng quản trị đa chiều giữa Chính phủ, doanh nghiệp và quần chúng; đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng xanh, thấp carbon.
Thứ tư, cần thực hiện các công tác cải thiện chất lượng môi trường sinh thái và cơ chế bồi thường thiệt hại sinh thái, nỗ lực phát huy tối đa vai trò của việc xây dựng hệ sinh thái rừng và cỏ trong quá trình xây dựng, cải tạo và phát triển các cộng đồng xanh, thấp carbon. Cần kiên trì thực hiện các dự án trồng và cải thiện chất lượng rừng, làm phong phú hơn nữa các hoạt động trồng cây tình nguyện, khuyến khích các cộng đồng phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý và tổ chức cho người dân tham gia vào quá trình mở rộng không gian xanh tại địa phương thông qua các hoạt động như trồng cây, quyên góp…; đưa việc trồng cây tình nguyện, tiết kiệm điện, nước, phân loại rác thải…vào các tiêu chí đánh giá hộ gia đình văn minh trong các cộng đồng. Việc xây dựng các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước còn giúp thúc đẩy các ngành dịch vụ như du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe xanh phát triển, tạo điều kiện thuận lợi đối với các ngành công nghiệp xanh như kinh tế rừng và nông nghiệp sinh thái, giúp hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng xanh. Thúc đẩy mở rộng thí điểm các dự án xây dựng cộng đồng xanh, thấp carbon; từ đó hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, thấp carbon trong công tác phát triển đô thị - nông thôn trong thời đại mới.
Sở Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn thành phố Bắc Kinh, tháng 8/2023
ND: Ngọc Anh