Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo với Hội đồng, TS. Nguyễn Ngọc Thuyết - Chủ nhiệm đề tài cho biết: hiện nay, tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các công trình ngầm được xây dựng ngày càng nhiều, tiềm ẩn rủi ro đối với tính ổn định của chính công trình và các công trình xung quanh. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, với những công trình sử dụng công nghệ mới thì nguyên nhân lớn nhất là thiếu kinh nghiệm của nhà thầu nước ngoài trước điều kiện đất nền đặc trưng của Việt Nam, cùng với việc thiếu kiến thức kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam. Để hạn chế xảy ra sự cố, rất cần những hướng dẫn, những quy trình quản lý và xử lý rủi ro trong quá trình thi công đào ngầm trong khu vực đô thị. Do đó, việc thực hiện đề tài là rất cần thiết, mang tính thực tiễn cao.
Mục tiêu của đề tài nhằm làm rõ những tác động từ việc thi công ngầm đến các công trình trên mặt đất; xây dựng các công cụ theo dõi, quản lý để giảm thiểu tác động không mong muốn lên các công trình lân cận trong quá trình thi công hầm ngầm.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tích cực sưu tầm, tham khảo nhiều tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau để hoàn thành các sản phẩm theo hợp đồng, gồm có Báo cáo tổng kết về việc triển khai công nghệ thi công hầm ngầm tiên tiến trên thế giới và tình hình áp dụng tại Việt Nam; Chỉ dẫn kỹ thuật về việc đánh giá tác động của thi công ngầm đối với các công trình hiện hữu lân cận; Chỉ dẫn về cách thức sử dụng quan trắc để quản lý chất lượng trong quá trình thi công ngầm.
TS. Nguyễn Ngọc Thuyết cho biết, các sản phẩm của đề tài đã cung cấp hệ thống tài liệu tương đối toàn diện về ảnh hưởng lẫn nhau giữa hầm - nền đất - công trình lân cận trong quá trình đào hầm. Những tài liệu này giúp các bên liên quan có am hiểu chung, nhờ đó phối hợp hiệu quả hơn. Thông tin trong các sản phẩm đề tài đã được chọn lọc, hệ thống nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng. Nếu được phổ biến rộng rãi, tài liệu này sẽ góp phần giúp các công nghệ mới về thi công hầm áp dụng vào Việt Nam dễ dàng hơn, đồng thời góp phần xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn trong thi công hầm ngầm tại các đô thị Việt Nam.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, ban hành các quy định với cấp độ ràng buộc, trong đó yêu cầu các nhà thầu thi công hầm trong tương lai cung cấp số liệu quan trắc thực tế quá trình thi công cho các nhà quản lý đề làm nguồn số liệu phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ thi công hầm đô thị Việt Nam, giúp Việt Nam làm chủ những công nghệ này.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nội dung theo đề cương được phê duyệt; các sản phẩm được thực hiện công phu, thông tin, dữ liệu phong phú; các Chỉ dẫn có bố cục hợp lý. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm đề tài, nhóm nghiên cứu cần rà soát, điều chỉnh phạm vi áp dụng của các Chỉ dẫn đảm bảo hợp lý hơn; chỉnh sửa một số nội dung trong Báo cáo tổng kết; lưu ý sử dụng thống nhất thuật ngữ chuyên môn.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài, với kết quả đạt loại Khá.