Ngày đăng 14/10/2022 | 12:00 AM

Phát triển công trình xanh vì một tương lai xanh của Việt Nam

(BXD) Với chủ đề “Thúc đẩy Công trình xanh: hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”, Phiên toàn thể của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 đã diễn ra thành công vào chiều ngày 14/10/2022
Với chủ đề “Thúc đẩy Công trình xanh: hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26”, Phiên toàn thể của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 đã diễn ra thành công vào chiều ngày 14/10/2022. Tham dự phiên họp có lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường (Bộ Xây dựng); ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Sam Wood - Phó Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại Tp. Hồ Chí Minh; đại diện nhiều tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực liên quan. 


Tới dự và phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình tại rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các công trình xanh đầu tiên xuất hiện từ giữa những năm 2000. Đến nay, tuy có những tiêu chí, hệ thống đánh giá chứng nhận khác nhau, song về cơ bản, công trình xanh cần đầy đủ các yếu tố về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng.

Nhằm thực hiện các cam kết về giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam, ngành Xây dựng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng, đặc biệt tập trung phát triển công trình xanh. Việc khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng cũng được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. 

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hiện nay Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn, khi thời gian cán mốc năm 2050 đang đến gần hơn.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, Bộ Xây dựng tổ chức Tuần lễ Công trình xanh nhằm hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh thế giới diễn ra hàng năm; bên cạnh đó, qua mỗi lần sự kiện diễn ra lại ghi nhận nhiều hơn những nỗ lực, những kết quả tích cực của ngành Xây dựng Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2022 có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan như năng lượng và môi trường. Tại Phiên toàn thể, nhiều bài bài tham luận về chính sách, hành động giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 ở cấp độ quốc gia; kế hoạch và giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải của ngành Xây dựng; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh, công trình xanh...đã được trình bày và nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu tham dự. 

Trình bày tham luận “Phát triển công trình xanh vì một tương lai xanh: Vai trò của các tổ chức tài chính”, ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đã nêu những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đưa ra một số đề xuất về giải pháp khắc phục nên được thực hiện từ phía tổ chức lãnh đạo, doanh nghiệp, cộng đồng nói chung và các giải pháp về Công trình xanh của HSBC nói riêng, chỉ ra những ưu điểm và lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội - môi trường khi thực hiện chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong ngành xây dựng.  Ông Tim Evans nhận định, những giải pháp được thực hiện hiệu quả ở hiện tại sẽ quyết định tương lai phát triển xanh, lành mạnh và bền vững của ngành xây dựng Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu về “Giải pháp và kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết tại COP26”, TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đã đưa ra những phân tích đánh giá về bối cảnh chung và thực trạng ngành Xây dựng Việt Nam hiện nay trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất một số biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng trong quy hoạch và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng xanh, cũng như công tác xây dựng và quản lý công trình, dự án….


Phát biểu tại phiên họp, bên cạnh việc cập nhật một số chính sách mới sau COP 26 như  Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1//2022 quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô zôn và phát triển thị trường carbon, Quyết định 896 QĐ-TTg ngày 26/7/2022 ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó đưa ra định hướng, chiến lược, biện pháp, lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050..., ông Phạm Văn Tấn (Bộ Tài nguyên Môi trường) đồng thời nhấn mạnh, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Đối với lĩnh vực xây dựng và các tòa nhà/công trình, ông Phạm Văn Tấn phân tích một cách cụ thể lợi ích khi thực hiện các biện pháp thiết thực như sử dụng bóng đèn tiết kiệm, sử dụng điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh hiệu suất cao, tối ưu hóa chu trình đốt clinker và giảm tổn thất nhiệt lò nung clinker, áp dụng công nghệ CCS trong sản xuất xi măng..., theo lộ trình đến năm 2030 và đến năm 2050.


Từ các bài trình bày và tham luận chuyên đề, các đại biểu dự Phiên toàn thể cùng bàn bạc, trao đổi và thống nhất về hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình phát thải ròng băng 0; đề xuất các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, giải pháp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phát triển công trình xanh, tiến tới công trình phát thải ròng bằng 0. 

Phát biểu bế mạc, thay mặt lãnh đạo Bộ xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh gửi lời cảm ơn sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông và các đối tác đã đồng hành với Bộ Xây dựng trong việc tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 nói riêng và các hoạt động thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường nói chung

Thùy Dung - TTTT

Tin có liên quan

Loading ...