Đó là bài học kinh nghiệm từ đề tài “xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm, Hà Nội”của PGS.TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Dùng chế phẩm vi sinh phun khử mùi chuồng trại
Đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán
Nước thải nuôi bò chảy tràn trên đường, lõng bõng trong các vũng nước, còn hệ thống mương và ao hồ bốc mùi có thể nói là nỗi ác mộng của nhiều người khi bước vào các xã “thủ phủ” nuôi bò có truyền thống của huyện Gia Lâm, Hà Nội như Đặng Xá, Phù Đổng, Lệ Chi trước đây. Nhận thấy tất cả vấn đề này, các ngành môi trường và khoa học công nghệ của Hà Nội cũng như chính quyền các xã đã xây dựng các mô hình nuôi giun và biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng không thấm vào đâu vì lượng thải ra môi trường vẫn rất lớn. Ví dụ, riêng thôn Đổng Xuyên, xã Đổng Xá chỉ có 33/93 hộ chăn nuôi lắp đặt bể biogas, các hộ còn lại không áp dụng công nghệ nào để xử lý nước thải chăn nuôi cũng như nước thải sinh hoạt, tất cả nước thải lẫn chất thải rắn đều thải ra hệ thống mương chung của thôn rồi đi thẳng vào sông Giàng và bốc mùi nặng nề.
“Nên chị Nguyễn Thị Hiếu, Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường hỏi tôi ‘chị cứ đi làm ở đâu, làm rất nhiều như thế thì sao không làm cho Hà Nội một mô hình xử lý ở đây? Chị có giải quyết được không?’. Tôi trả lời rằng về công nghệ làm được”. Khẳng định của PGS Tăng Thị Chính xuất phát từ việc trước đây bà sử dụng nhiều giải pháp sinh thái, an toàn để xử lý rác thải thành công và được nhiều công ty xử lý môi trường ở Phú Thọ, Hà Tĩnh đặt hàng sử dụng.
Mặc dù rất tự tin như vậy nhưng khi khảo sát nhóm nghiên cứu vẫn không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy tổng thể vấn đề mà mình cần giải quyết ở đây. Các giải pháp công nghệ phổ biến là công nghệ tập trung với quy trình hiện đại hầu như không khả thi với hiện trạng ở đây: quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ vài ba con bò, chục con lợn, bởi không có nguồn chất thải tập trung để xử lý. “Ban đầu chúng tôi dự tính nếu có khu chăn nuôi tập trung và xử lý ngay tại đó thì việc xây hệ thống xử lý vi sinh này sẽ hiệu quả hơn là phân tán, nhưng cuối cùng người dân không ra khu chăn nuôi tập trung và chúng tôi ‘vỡ trận’ xử lý lần đó,” PGS Tăng Thị Chính kể lại. Chính quyền các xã, như Lệ Chi đã xây dựng quy hoạch một khu chăn nuôi tập trung nhưng sau hai năm phát động, có hỗ trợ kinh phí xây hầm biogas nhưng đến nay vẫn chưa hề có một hộ gia đình nào chuyển ra chăn nuôi. Thất bại trong việc xây dựng khu nuôi tập trung thực ra xuất phát từ tâm lý “con trâu là đầu cơ nghiệp” của đa số người Việt, như PGS. Tăng Thị Chính cảm thông “cũng phải hiểu tâm lý người dân, thường phải ở gần để trông nom tài sản nên ban đầu họ rất hồ hởi đăng ký cuối cùng lại không chuyển ra nơi tập trung”. Không chỉ ở Gia Lâm, đây là hiện trạng nan giải vẫn bị bỏ lửng ở hầu hết các tỉnh bởi chăn nuôi hộ gia đình vẫn đang là hình thức chủ yếu - cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình chăn nuôi, mỗi năm thải khoảng 84,5 triệu tấn chất thải, mà mới chỉ khoảng 20% được xử lý, còn lại 80% thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Thách thức thứ hai là nhóm nghiên cứu không thể áp dụng hết các kinh nghiệm đã từng có khi đi xử lý chất thải cũng ở quy mô nhỏ lẻ cho các hộ gia đình ở Ba Vì. Bởi vì, trước đây, nhóm chỉ cần xử lý chất thải rắn tương đối dễ dàng như ủ phân, nuôi giun là hoàn thành, còn ở Gia Lâm thì phải xử lý triệt để chất thải lỏng thì vẫn thải ra nơi công cộng và rơi vào tình trạng cả làng bốc mùi “cha chung không ai khóc”. “Mà người dân cũng không thực sự quan tâm vì không thấy [xử lý] mang lại hiệu quả kinh tế gì. Một nhà nuôi mười mấy nhà ngửi vẫn phải chịu, kêu chung vậy chứ không thể bắt nhà bên cạnh ngừng nuôi”, PGS Tăng Thị Chính nói.
Sau khi nước thải qua các lần xử lý bằng chế phẩm vi sinh trong mương, chảy vào bể lọc đứng và lọc ngang thì sẽ được đổ vào bể thủy sinh. Bể thủy sinh này hấp thụ các chất hữu cơ và kim loại nặng lần cuối cùng và cho ra nước đạt tiêu chuẩn an toàn
Do đó, nhóm nghiên cứu xây dựng một mô hình tổng thể gồm: sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi ngay tại chuồng trại; xử lý nước ở hệ thống mương sau đó đưa nước thảy vào hệ thống các bể lọc đất ngập nước và cuối cùng đẩy sang bể thủy sinh. Nhóm nghiên cứu sử dụng chế phẩm vi sinh vật Sagi Bio, gồm các chủng vi khuẩn Bacillus và xạ khuẩn Streptomyces chịu nhiệt và ưa nhiệt sinh tổng hợp mạnh các enzym ngoại bào (xenlulaza, amylaza và proteinaza) để xử lý mùi và làm hoai phân nhanh chóng. Ưu điểm của chế phẩm mà PGS Tăng Thị Chính đã đăng ký bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích từ năm 2016 tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là các chủng vi khuẩn đều được phân lập từ nguồn đất tự nhiên của Việt Nam và được lưu giữ trong bộ sưu tập giống vi sinh tại phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ môi trường, có hoạt tính sinh học đặc hiệu cao, đặc tính ưa ấm, phù hợp để phối trộn và ủ phân. Các chủng này vừa có khả năng sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ cao, vừa sinh tổng hợp các enzym ngoại bào, đồng thời các xạ khuẩn còn có khả năng sinh một số chất kháng sinh ức chế các vi sinh vật có hại trong chất thải của vật nuôi.
Nhờ đó, các chế phẩm này không chỉ rút ngắn thời gian hoai mục của phân (từ 1 tháng rưỡi xuống còn khoảng 3 tuần) mà sinh nhiệt cao (55-600C) giúp diệt trừ hết các mầm bệnh, giúp giun nuôi bằng phân hoai mục này khỏe hơn, sạch bệnh. Còn hệ thống nước qua xử lý bằng vi sinh vật và ba bể lọc đã được hấp thụ hết các chất hữu cơ và kim loại nặng, đạt các tiêu chí về môi trường sau khi kiểm định độc lập. Theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu, hệ thống này có kinh phí đầu tư rẻ hơn các phương pháp xử lý môi trường hiếu khí hoặc yếm khí tới hơn một nửa.
Nước thải qua các lần lọc
Hiệu quả có được duy trì?
Như vậy, hệ thống xử lý với nguồn năng lượng bằng không này chính là câu trả lời “làm được” của PGS Tăng Thị Chính cho ngành môi trường của Hà Nội, nhưng đây mới hoàn toàn chỉ là giải pháp công nghệ. Ngay cả khi nhà khoa học đã tối ưu giải pháp này cho phù hợp với quy mô nhỏ lẻ, với tập quán chăn nuôi và bảo vệ môi trường của người dân đi chăng nữa, thì vấn đề tiếp theo là gì?
“Tôi nghĩ là triển vọng giải quyết rất tốt nhưng hơi khó áp dụng, bởi vì nếu tôi cấp phát miễn phí chế phẩm sinh học này cho người dân thì họ dùng ngay. Nhưng phải mua thì e rằng rất khó”, PGS Tăng Thị Chính nói. Mặc dù đề tài của bà chỉ được ngân sách chi cho khoản chế phẩm vài trăm lít và đến nay đã hết nguồn này, nhưng bà vẫn phải cung cấp miễn phí thêm cho các hộ dân, vì như bà phân trần: “khi ngừng cung cấp miễn phí thì người dân không dùng chế phẩm này nữa, lại có mùi thì rất mang tiếng”. Trái với các công ty xử lý môi trường đô thị có nguồn thu để xử lý, Hợp tác xã làng Gióng, đơn vị hiện tại đang đảm nhiệm thu phân bò của người dân để ủ nuôi giun quế không có nguồn nào để mua thêm chế phẩm vi sinh về xử lý môi trường trong các khu công cộng ở trong làng. Chủ nhiệm hợp tác xã làng Gióng than thở rằng rất oải, vì trên thực tế, việc thu phân bón của các hộ gia đình này không mang lại bao nhiêu lợi nhuận, chỉ đủ chi trả cho các khoản tiền thuê nhân công thu gom, mua chế phẩm ủ hoai cho việc nuôi giun. Chưa kể, hệ thống xử lý nước thải này vẫn cần người quét dọn, vận hành máy bơm, dọn dẹp các bể lọc và phải thay mới máy bơm sau vài năm sử dụng.
“Kinh phí ở đâu” không chỉ là bài toán của HTX làng Gióng hay các xã Đổng Xá, Lệ Chi, mà đây cũng là bài toán của tất cả các mô hình dự án xử lý môi trường nói chung, theo PGS Tăng Thị Chính. “Thực sự ra hiện nay các mô hình, giải pháp về môi trường ở Việt Nam hoàn toàn có và rất khả thi. Nhưng sau khi dự án rút đi, có thể áp dụng vào thực tế hay không? Sẽ cần một bài toán tổng thể và chính sách chung, chứ công nghệ chỉ có thể giải quyết được khâu đầu tiên”, PGS Tăng Thị Chính nói.
Theo moitruongvadothi.vn