Tiến sĩ Mai Duy Thiện trao quyết định cho ông Hoàng Giang, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Hiền
Theo quyết định thành lập Văn phòng Đại diện của của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Văn phòng Đại diện của Hiệp hội đặt tại TPHCM có trụ sở đóng tại tòa nhà Mê Linh Point, số 2 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Tiến sĩ Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Pacifico Energy Việt Nam làm Trưởng Văn phòng Đại diện.
Các ông, bà: Đào Du Dương - Phó Trưởng Đại diện, Phụ trách Ban Điện Mặt trời; Bùi Văn Thịnh - Phó Trưởng Đại diện, Phụ trách Ban Điện Gió; Nguyễn Xuân Huy- Phó Trưởng Đại diện, Phụ trách Ban Thư ký, Pháp chế và Truyền thông; Đặng Quốc Toản - Phó Trưởng Đại diện, Phụ trách Ban Hợp tác Quốc tế; Ngô Thị Tố Nhiên - Phó Trưởng Đại diện, Phụ trách Ban Công nghệ và Chính sách; Hoàng Thanh lam - Phụ trách Văn phòng và các loại năng lượng khác.
Tại buổi ra mắt, Tiến sĩ Mai Duy Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ; nhiệt độ bình quân năm trên 21độ C; hơn 8% diện tích có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây)... Với lợi thế đó, Việt Nam xác định, đây là 2 nguồn năng lượng chính để phát triển điện sạch.
Và với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của Chính phủ và các địa phương những năm gần đây đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện bằng việc hàng loạt các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời được khởi công và đi vào hoạt động trên khắp cả nước. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến hết năm 2019, đã có 5.039MW điện năng lượng tái tạo chủ yếu là điện gió và điện mặt trời được hòa lưới điện quốc gia, xếp thứ 2 trong khối các nước ASEAN và xếp thứ 23 trên thế giới.
Ngoài ra còn khoảng 3.000MW điện mặt trời và điện gió đang xây dựng chuẩn bị hòa lưới, và hàng chục dự án năng lượng sạch khác chờ bổ sung quy hoạch với tổng công suất lên đến nhiều ngàn MW đầu tư trong năm 2020.
Trao hoa, quyết định cho các phó trưởng đại diện, lãnh đạo các ban của Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Hiền
Tiến sĩ Mai Duy Thiện cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu và yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, định hướng phát triển năng lượng tái tạo càng được Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. Đây là cơ sở để tin tưởng sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Do đó, việc mở Văn phòng Đại diện của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng với Hiệp hội, góp phần quy tụ, liên kết hoạt động của các tổ chức trong và ngoài nước và các nhà đầu tư liên quan tới lĩnh vực năng lượng sạch, nhất là ở khu vực TPHCM và khu vực miền Nam.
Còn theo Tiến sĩ Hoàng Giang, Việt Nam có 85 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động với tổng công suất 4.459 MW, 9 nhà máy điện gió với tổng công suất 304 MW, hầu hết từ miền Trung trở vào. Trong quy hoạch, điện mặt trời có 126 dự án, công suất 8.960 MW và hơn 100 dự án điện gió với công suất 4.700MW.
Trong thời gian tới, cùng với việc nhanh chóng mở rộng hội viên tại phía Nam, Văn phòng Đại diện của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TPHCM sẽ lắng nghe các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các hội viên, trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư trong lĩnh vực, tham khảo các nhà khoa học, nhà quản lý, tổng hợp các ý kiến, để tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Hiệp hội trình cơ quan có thẩm quyền, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn