Máy trồng khoai tây HAMCO mang lại năng suất cao
Doanh nghiệp chủ động
Nhận định ứng dụng KH&CN là con đường tất yếu của sự phát triển DN trong nền kinh tế thị trường, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) - cho biết, chúng ta đang chứng kiến sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều đó đồng nghĩa với quá trình chuyển giao KH&CN của thế giới vào nền kinh tế Việt Nam, sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại sẽ cạnh tranh quyết liệt với chúng ta ngay trên sân nhà.
Theo đó, việc ứng dụng KH&CN của ThaiBinh Seed đã được thực hiện chủ động, đồng bộ toàn diện phù hợp với từng giai đoạn. Nhiệm vụ cụ thể, gồm: Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hệ thống sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, marketing và quản trị DN… Trong đó, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới được coi là hướng mũi nhọn trong hoạt động KH&CN.
"Năm 2002, chúng tôi thành lập phòng nghiên cứu phát triển; năm 2007, thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; năm 2019, thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng. Đây là viện nghiên cứu trực thuộc DN đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam và khối DN Thái Bình" - ông Trần Mạnh Báo cho hay.
Hỗ trợ "sóng" đầu tư
Không chỉ có ThaiBinh Seed, một số DN, tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đã đầu tư mạnh cho KH&CN với mong muốn sớm đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ có chất lượng, nâng tầm giá trị thương hiệu, sản phẩm Việt Nam. Dự kiến, quý I/2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao trên diện tích 9,1ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tiếp theo đó, Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha. Đây được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn - vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT...
Theo Bộ KH&CN, để tăng cường sự chủ động cho các DN, đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong quá trình đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ; tập trung hỗ trợ xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ của DN.
Đặc biệt, hoàn thiện bản đồ công nghệ ngành cơ khí chế tạo ôtô và máy nông nghiệp đã ứng dụng để hỗ trợ Công ty Ôtô Trường Hải trong việc phát triển công nghệ phục vụ sản xuất linh kiện ôtô và máy nông nghiệp; triển khai xây dựng bản đồ công nghệ lĩnh vực công nghệ protein và enzyme; bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam; bản đồ phát triển ngành nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D.
Kết quả ứng dụng KH&CN trong thời gian qua ngoài sự cố gắng của DN còn nhờ sự giúp đỡ của nhà nước. Đặc biệt, nhờ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN như Luật KH&CN, Luật chuyển giao KH&CN, DN được tham gia các đề tài, dự án khoa học của nhà nước, được trích 10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ phát triển KH&CN của DN, miễn thuế thu nhập DN đối với DN KH&CN… Đây chính là nguồn lực nhà nước giúp cho DN phát triển hoạt động KH&CN.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của DN thông qua việc tiếp tục khuyến khích DN đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, DN KH&CN, DN khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Congthuong.vn