Ngày đăng 05/02/2020 | 12:00 AM

Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập học phần lập quy hoạch xây dựng vùng

(BXD) 1. Mở đầu Đồ án quy hoạch xây dựng vùng là một trong những thể loại đồ án quan trọng được thể hiện trong Luật Xây dựng. Quy hoạch Xây dựng vùng là tổ chức hệ thống điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội trong địa giới hành chính của một huyện hoặc liên huyện; tỉnh hoặc liên tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tron

Môn học quy hoạch vùng là một khoa học tổng hợp của nhiều khoa học: Địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lí dân cư, quy hoạch đô thị, nông thôn, kiến trúc, sinh thái và bảo vệ  môi trường, khoa học quản lý, pháp luật, xã hội học…và nhiều ngành kỹ thuật công nghệ khác. Mục đích tổng quát của quy hoạch vùng chính là đảm bảo cho sự phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, tạo lập môi trường sống tốt nhất cho dân cư; giữ gìn cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý đất đai và tài  nguyên. Thông qua môn học sẽ giúp cho sinh viên nắm được các kiến thức cơ bản về: (i) khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, gắn với việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; (ii) Phân bố lực lượng sản xuất, dân cư, cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên lãnh thổ một cách tối ưu nhất; (iii) Hình thành, tổ chức bộ khung không gian vùng hợp lý; (iv) Nghiên cứu, định hướng phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ; (v) Cân đối các nguồn lực phát triển vùng; (vi) Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 1992, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã thành lập khoa Quy hoạch, cùng với đó là bộ môn Qu y hoạch vùng cũng được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy các môn học lý thuyết và đồ án Quy hoạch Xây dựng vùng. Ở thời kỳ đầu nội dung, nhiệm vụ của đồ án quy hoạch vùng còn đơn giản, nguồn tài liệu số liệu và bản đồ phục vụ cho đồ án còn hạn chế. Những cải tiến, đổi mới nội dung học phần Lập Quy hoạch xây dựng vùng được thực hiện qua đề tài “Nhiệm vụ thiết kế đồ án quy hoạch vùng cho sinh viên ngành Quy hoạch” (2003) của GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng; Nhiệm vụ thiết kế đồ án môn học Quy hoạch xây dựng vùng (2006) của ThS.KTS Lương Tiến Dũng. Hàng năm, nhiệm vụ học phần đồ án Quy hoạch xây dựng vùng luôn được bộ môn Quy hoạch vùng chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa để phục vụ kịp thời cho đòi hỏi ngày ngày càng cao về chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng vùng. Tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng hiện nay nhiệm vụ, nội dung của học phần còn bộc lộ nhiều bất cập như: (i) Nội dung, khối lượng hồ sơ còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ của khoa học Quy hoạch vùng; (ii) Nhiệm vụ, nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng hiện nay chưa phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị cùng các quy định trong các Nghị định của Chính phủ và của Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch xây dựng vùng; (iii) Phương pháp giảng dạy đồ án chưa hiện đại làm hạn chế tư duy sáng tạo cũng như tính chủ động của sinh viên.

2. Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập

Hiện nay, hệ thống pháp luật cùng với những quy định của Nhà nước ngày càng đổi mới như Luật Quy hoạch (2017), Luật Xây dựng (sửa đổi bổ sung năm 2014), Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 về Quy định chi tiết về một số nội dung Quy hoạch xây dựng; Thông tư số 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã quy định cụ thể về hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng, đang là những đòi hỏi cao đã tác động lớn đến nội dung cải tiến phương pháp luận nghiên cứu và quy rình thiết kế đồ án quy hoạch xây dựng vùng ở Việt Nam. Vì vậy, việc đào tạo kiến trúc sư quy hoạch cũng cần quân tâm đổi mới cải tiến nội dung chương trình đào tạo nói chung và nội dung học phần Lập quy hoạch xây dựng vùng nói riêng nhằm đáp ứng những yêu cầu cao của xã hội cho công tác hành nghề của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Các quan điểm trong đổi mới, cải tiến nội dung học phần Lập Quy hoạch xây dựng vùng bao gồm: (i) Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về đào tạo kiến trúc sư quy hoạch nhằm giúp sinh viên có khả năng thích ứng và làm việc trong nghiên cứu và lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng; (ii) Áp dụng có hiệu quả các môn học lý thuyết về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, địa lí kinh tế và phân tích lãnh thổ, địa lí dân cư; quy hoạch vùng vào đồ án; (iii) Áp dụng các yêu cầu, nhiệm vụ về quy hoạch vùng theo pháp luật, chủ trương chính sách, các tiêu chuẩn quy phạm của Nhà nước vào đồ án quy hoạch vùng; (iv) Áp dụng các phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đào tạo kiến trúc sư quy hoạch.

Những mục tiêu trong đổi mới, cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy và học tập của học phần được xác định: (i) Trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng trong quy trình và phương pháp luận nghiên cứu đồ án quy hoạch xây dựng vùng; (ii) Nắm được phương pháp luận phân tích, đánh giá tổng hợp tình hình hiện trạng, định hướng và dự báo phát triển vùng; (iii) Hình thành ý tưởng, cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng và triển khai theo các nội dung yêu cầu của quy hoạch xây dựng vùng; (iv) Phương pháp thể hiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng; (v) Nâng cao tính chủ động của sinh viên, tính độc lập tư duy và làm việc nhóm của sinh viên.

Đáp ứng mục đích, mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo hệ tín chỉ, đặc điểm riêng về nội dung môn học, thời lượng, quy mô…, học phần lập quy hoạch xây dựng vùng được đổi mới, cải tiến được xác lập với 3 tín chỉ (90 tiết) đáp ứng trình độ của sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Quy hoạch vùng và đô thị thuộc khoa Quy hoạch Đô thị và nông thôn. Thể loại đồ án là Quy hoạch xây dựng vùng huyện hoặc quy hoạch xây dựng vùng chức năng đặc thù thuộc các tỉnh của Việt Nam có quy mô đất đai, dân số tương đương cấp huyện Tính chất là vùng Nông nghiệp; Du lịch; Dịch vụ và Công nghiệp có mức độ đô thị hóa chưa cao. Quy mô diện tích từ 200km2 đến 500km2 đối với các huyện vùng đồng bằng và 400-800km2 đối với các huyện vùng núi. Quy mô dân số khoảng 50.000-200.000 dân.

Những yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng vùng huyện bao gồm: (i) Quản lý kiểm soát sử dụng đất đai đặc biệt là các khu đất xây dựng; (ii) Quản lý phát triển các điểm dân cư đô thị và nông thôn; (iii) Bảo vệ cảnh quan, môi trường ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện sẽ phải đáp ứng: (i) Quy định về sử dụng đất đai tại các khu đất xây dựng; (ii) Quy định về phát triển dân cư tại các thị trấn, xã, thôn, bản…cùng với việc xác định vị trí, hình dạng quy mô của các khu đất ở dự kiến phát triển; (iii) Định hướng phát triển các công trình dịch vụ xã hội; (iv) Định hướng phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật tới từng điểm dân cư nhỏ nhất (thôn, bản); (v) Quy hoạch hệ thống không gian xanh cùng với các biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, nội dung học phần Lập quy hoạch xây dựng vùng được đổi mới cải tiến như sau:

- Nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa vùng lập quy hoạch với các vùng xung quanh (liên vùng)

- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất đai, kinh tế, xã hội, dân cư, hệ thống không gian xanh, cảnh quan và môi trường của vùng.

- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống không gian xanh, cảnh quan và môi trường vùng.

- Xây dựng các tầm nhìn và chiến lược phát triển vùng

- Đề xuất phân vùng, mô hình cấu trúc và cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng.

- Xác định quy mô dân số, lao động và các chỉ tiêu kinh tế 0 kỹ thuật áp dụng cho đồ án, xác định quy mô đất đai, tổng hợp sử dụng đất theo các chức năng.

- Quy hoạch hệ thống các điểm dân cư đô thị và nông thôn.

- Định hướng quy hoạch sử dụng đất

- Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống không gian xanh, cảnh quan và môi trường vùng.

- Định hướng phát triển không gian vùng.

Quy trình nghiên cứu học phần Lập quy hoạch xây dựng vùng gồm 6 bước cơ bản như sau: (i) Bước 1: Lập nhiệm vụ thiết kế, (ii) Bước 2: Đánh giá vị trí, mối liên hệ vùng và hiện trạng của vùng, bao gồm các nội dung Phân tích vị trí và mối liên hệ vùng, đánh giá điều kiện tự nhiên, Hiện trạng đất đai và sử dụng đất, Hiện trạng dân cư và phân bố dân cư, Hiện trạng kinh tế, đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Hệ thống không gian canh, cảnh quan và môi trường; (iii) Bước 3: Xác định vấn đề, mục tiêu nghiên cứu, luận chứng dự báo phát triển vùng, bao gồm các nội dung: Xác định vấn đề và mục tiêu nghiên cứu, các luận chứng và dự báo phát triển vùng; (iv) Bước 4: Các nghiên cứu đề xuất và lựa chọn phương án cơ cấu quy hoạch vùng bao gồm các nội dung đề xuất các phương án phân vùng quy hoạch xây dựng, đề xuất mô hình cấu trúc không gian lãnh thổ vùng, đề xuất các phương án cơ cấu quy hoạch vùng; (v) Bước 5: Thiết kế triển khai phương án chọn, bao gồm các nội dung: quy hoạch các địa khu phát triển kinh tế, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống không gian xanh, khắc phục ô nhiễm bảo vệ môi trường, cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu; Quy hoạch định hướng phát triển không gian; (vi) Bước 6: Thể hiện đồ án và báo cáo.

Thành phần hồ sơ của học phần được sinh viên thể hiện bao gồm phần thuyết minh và bản vẽ. Các yêu cầu của hồ sơ được bộ môn quy định cụ thể về hình thức, kết cấu và nội dung cho từng bản vẽ, từng chương mục của thuyết minh.

Học phần Đồ án Q7 – Lập Quy hoạch xây dựng vùng được tổ chức học tập theo nhóm, mỗi nhóm gồm từ 3-5 sinh viên do sinh viên tự chủ động thành lập và tổ chức nhóm, cùng với việc phân công nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm theo các nội dung nghiên cứu, kế hoạch thực hiện được báo cáo đến giáo viên hướng dẫn để quản lý và theo dõi học tập.

Thời gianhocj tập của học phần gồm 7,5 tuần học trên lớp, 1 tuần thể hiện đồ án tại nhà, 0,5 tuần trả bài, nhận xét cho từng nhóm sinh viên. Nội dung nghiên cứu thực hiện giảng dạy và học tập của giáo viên và sinh viên được thực hiện theo bảng kế hoạch chi tiết cho từng buổi từng tuần và từng giai đoạn của học phần.

Việc đánh giá cho điểm được thực hiện theo hai giai đoạn với thang điểm 10 với tỷ lệ áp dụng các phương pháp: (i) Phương pháp tiếp cận tổng hợp; (ii) Phương pháp tiếp cận địa lý kinh tế, (iii) Phương pháp tiếp cận quy hoạch đô thị, nông thôn và lãnh thổ; (iv) Phương pháp tiếp cận hệ thống; (v) Phương pháp tiếp cận địa - sinh quyền. Đối với việc học tập nâng cao kiến thức kỹ năng lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng sinh viên có thể áp dụng các phương pháp nghiên cứu như: (i) Phương pháp điều tra thu thập thông tin và xử lý số liệu; (ii) Các phương pháp phân tích, nhận dạng và chuẩn đoán xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết; (iii) Các phương pháp dự báo và cân đối; (iv) Các phương pháp quy hoạch tối ưu hóa.

Hiện nay, tại các trường đại học nói chung và đại học đào tạo kiến trúc sư quy hoạch nói riêng trên thế giới có những thay đổi lớn trong phương pháp giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Phương pháp đào tạo trình độ đại học hiện nay coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho sinh tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. Những yêu cầu áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy đại học vừa là cơ sở vừa là một nhu cầu cấp bách trong việc đổi mới cải tiến phương pháp dạy và học cho học phần lập quy hoạch xây dựng vùng. Những phương pháp có thể áp dụng cho việc giảng dạy học tập cho học phần đồ án quy hoạch xây dựng vùng có thể được áp dụng như: (i) Phương pháp động não; (ii) Phương pháp Suy nghĩ – Từng cặp – Chia sẻ; (iii) Phương pháp học dựa trên vấn đề; (iv) Phương pháp tư duy phê phán. Đó là các phương pháp sẽ giúp cho sinh viên dễ dàng thực hiện với cấu trúc nhóm đồ án, chia sẻ ý kiến riêng, tạo được sự tự tin trong việc xác định và hình thành vấn đề, đề xuất các giải pháp, troa đổi phê bình và lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu.

3. Kết luận

Những yêu cầu về đổi mới, cải tiến trong nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao trong đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch của trường Đại học Kiến trúc HN phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là cấp thiết. Các căn cứ pháp lý, yêu cầu khoa học về quy hoạch vùng và những yêu cầu thực tiễn của đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã là cơ sở co việc đổi mới, cải tiến học phần Lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng, phù hợp với chương trình đào tạo, kế hoạch của nhà trường và khoa Quy hoạch đô thị - nông thôn.

Những đổi mới, cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy và học tập có thể áp dụng trong thực tiễn, không chỉ trong giảng dạy, đào tạo tại trường Đại học Kiến trúc HN và các trường có học tập học phần Lập Quy hoạch xây dựng vùng mà có thể áp dụng trong công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện trong thực tiễn.


(Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 36/2019)

Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 36/2019

Tin có liên quan

Loading ...