1. Bối cảnh ra đời chính sách tái thiết đô thị ở Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ dân cư sống ở đô thị chiếm tới 90% dân số cả nước. Cùng với quá trình hình thành các đô thị mới, đặc biệt là các đại đô thị, đô thị thông minh, chức năng kinh tế - xã hội của các đô thị cũ ngày càng bị suy giảm, thoái trào. Biểu hiện cụ thể của tình trạng thoái trào tại các đô thị cũ của Hàn Quốc là dân số tại các đô thị cũ suy giảm và xuất hiện hiện tượng phan hóa tương đối lớn về kinh tế, dân số giữa các đô thị cũ và vùng thủy đô, đô thị lớn và các thành phố công nghiệp. Tại các đô thị cũ, hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng, kinh tế suy giảm và nảy sinh một số vấn đề xã hội. Cư dân sống ở các đô thị cũ hầu hết có thuu nhập thấp rất dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội. Cùng với sự phát triển của các đô thị mới, lượng bất động sản dư thừa tại các đô thị cũ ngày một nhiều. Giai đoạn 1995-2015, trong đó 42 đô thị vừa và nhỏ ở Hàn Quốc có tới 20 đô thị bị thu hẹp quy mô dân số. Các đô thị chỉ phụ thuộc vào một loại hình kinh tế nhất định như Uisan, Geojy, Gunsan gặp khủng hoảng kinh tế và suy giảm việc làm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thoái trào tại các khu vực như các hạn chế xây dựng của nhà nước để bảo tồn các công trình văn hóa, cư dân chuyển đến các đô thị mới, các cơ quan nhà nước, nhà ga…di dời khỏi khu vực phát triển của các đô thị mới. Bên cạnh đó, việc mở rộng khả năng di chuyển từ các vùng xa đến các thành phố công nghiệp trọng điểm dẫn đến chức năng kết nối của các thành phố vừa và nhỏ trực thuộc tỉnh bị giảm sút.
Với mục tiêu cải thiện chất lượng sống tại các đô thị thoái trào và góp phần vào việc phát triển đồng đều trên toàn lãnh thổ, giảm bớt chi phí cho giải quyết các vấn đề như mâu thuẫn giữa các tầng lớp dân cư, tình trạng dân số già, giải quyết việc làm và nhà ở cho người trẻ tuổi, đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch đẹp, tiện nghi, Hàn Quốc đã thực hiện: Một là, xây dựng và tổ chức thực thi chính sách để hồi sinh các đô thị. Hai là, mục tiêu đảm bảo phát triển đồng đều giữa các vùng miền, giải quyết vấn đề dân số già, cải thiện đời sống cư dân, đảm bảo điều kiện sống cho người trẻ.
2. Nội dung chính sách tái thiết đô thị của Hàn Quốc
Chính sách tái thiết đô thị của Hàn Quốc trải qua 2 lần thay đổi và trải qua 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn chuẩn bị với các hoạt động tái thiết chỉnh trang hạ tầng đô thị. Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn cất cánh với việc soát xét lại các dự án tái thiết cũ và hình thành mô hình “Xây dựng khu phố”. Sau khi có luật hồi sinh đô thị, chính sách tái thiết đô thị có những thay đổi lớn bước vào giai đoạn thứ ba là giai đoạn tăng trưởng với việc hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch để thực hiện chiến lược hồi sinh đô thị, các dự án hồi sinh đô thị được chi tiết hóa để có thể triển khai trên thực tế.
Giai đoạn 2000 đến nay, Hàn Quốc đã ban hành một số luật và các hành động cụ thể để thực hiện chính sách tái thiết đô thị. Luật chỉnh trang môi trường khu dân cư và đô thị ban hành năm 2000. Luật đặc biệt về xúc tiến chỉnh trang đô thị ban hành 2005 Luật đặc biệt về hỗ trợ và phát triển hồi sinh đô thị ban hành năm 2013 tạo dựng nền tảng pháp lý cho các dự án hồi sinh đô thị, với các chiến lược có quy mô và thống nhất hơn. Năm 2014, Hàn Quốc chỉ định 13 khu vực tiên phong trong hồi sinh đô thị. Năm 2016, chỉ định 33 khu vực dự án hồi sinh đô thị.
Năm 2017, chính sách hồi sinh đô thị của Hàn Quốc chuyển sang giai đoạn mới với chính sách mới có tên gọi là “Chính sách mới về hồi sinh đô thị” và triển khai chỉ định 68 khu vực thí điểm dự án chính sách mới hồi sinh đô thị. Năm 2018 chỉ định 99 khu vực dự án chính sách mới hồi sinh đô thị. Nửa đầu năm 2019, chỉ định 22 khu vực dự án chính sách mới hồi sinh đô thị
Các dự án thực hiện từ năm 2000 đến nay được chia thành 57 mẫu dự án và được phân loại thành 5 mô hình tái thiết chính tùy thuộc vào tính chất, quy mô và điều kiện hỗ trợ.
2.1. Mô hình hồi sinh khu phố
Mô hình này thường được thực hiện trên diện tích khoảng 50.000 m2 với mức hỗ trợ 5 tỷ Won trong vòng 3 năm. Đối tượng hướng tới của mô hình này là các khu vực có hạ tầng cơ bản như đường xá nhưng nhà ở khu dân cư xuống cấp. Mô hình này hướng tới việc khôi phục lại sự kết nối cộng đồng thông qua mở rộng hỗ trợ hạ tầng phục vụ sinh hoạt của người dân. Tại thành phố Samcheok, Gangwon, các nhà cộng đồng cũ được cải tạo thành không gian mới với các chức năng đa dạng như phòng nghiên cứu khởi nghiệp, không gian làm việc chung, nhà ở chung cho thanh niên. Các khu phức hợp văn hóa của cộng đồng đã xuống cấp được xây dựng lại thành các không gian để tạo việc làm cho cư dân như xây dựng khu nhà kinh doanh thương mại cộng đồng cho thuê, khu cung cấp dịch vụ phúc lợi xã hội như cung cấp suất ăn tập thể, cung cấp dịch vụ tìm người giúp việc, hoặc cung cấp các dịch vụ giáo dục, các khu dành cho người già…
2.2. Mô hình hỗ trợ nhà ở
Mô hình được áp dụng cho các khu vực có diện tích từ 50.000 m2 đến 100.000m2, vốn hỗ trợ 10 tỷ won trong 4 năm. Mô hình này gồm các dự án chỉnh trang lại nhà ở quy mô nhỏ, chỉnh trang các ngõ, hẻm, bãi đỗ xe, cung cấp nhà ở xã hội. Theo đó, không gian công cộng như bãi đậu xe, hạ tầng giáo dục cho trẻ em như sân chơi, nhà trẻ được cải thiện, cung cấp nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cư trú của người mới di cư đến, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, cà phê sách, thành lập các khu vực không gian chung để hỗ trợ thanh niên và người về hưu bắt đầu công việc mới, tăng cường năng lực tự quản lý khu phố của người dân thông qua vận hành các hợp tác xã quản lý khu phố, các hợp tác xã này sẽ trực tiếp quản lý các công trình công cộng trong khu vực.
2.3. Mô hình vùng ven
Mô hình được áp dụng cho các khu vực có diện tích từ 100.000-150.000m2, vốn hỗ trợ 10 tỷ won trong 4 năm. Mô hình này áp dụng với các khu vực mà nhà ở và hoạt động kinh doanh thương mại nằm cùng một khu vực. Mô hình này xây dựng các trung tâm kết nối cộng đồng dân cư, cửa hàng trên phố, cải tạo, chỉnh trang đường xá nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động cộng đồng và hồi sinh các hoạt động kinh doanh thương mại. Tại quận Geumchoen ở Seoul là quận có hạ tầng xuống cấp nhưng có tiềm năng trong ngành chế tạo khuôn đúc dệt may, có tài sản văn hóa nghệ thuật phong phú, các hỗ trợ tái thiết đã tập trung vào thúc đẩy kinh tế đô thị phát triển thông qua phát triển các ngành công nghiệp, thúc đẩy hoạt động của chợ bán các mặt hàng truyền thống địa phương. Khai thác triệt để lợi thế phát triển ngành chế tạo cũng như đặc điểm văn hóa truyền thống của khu vực.
2.4. Mô hình đô thị trung tâm
Mô hình được áp dụng cho các khu vực có diện tích khoảng 200.000m2, vốn hỗ trợ 15 tỷ Won trong 5 năm. Đối tượng hướng tới là các khu vực có dịch vụ công yếu kém, và hoạt động kinh doanh thương mại thoái trào trầm trọng. Các hoạt động hỗ trợ hướng tới là tăng cường dịch vụ công, thúc đẩy hoạt động kinh doanh khởi nghiệp và du lịch để khôi phục các hoạt động thương mại, kinh tế trong khu vực. Mô hình này hướng tới việc khôi phục chức năng của đô thị nhờ các không gian kinh doanh thương mại cộng đồng tại các khu vực đô thị cũ. Hạ tầng tại các đô thị cũ bị bỏ hoang được cải tạo lại và chuyển thành không gian để thanh nieenn khởi nghiệp. Xây dựng không gian kết nối đổi mới sáng tạo để tạo công ăn việc làm phù hợp với mô hình phát triển của mỗi địa phương. Ở Gunsan, các nhà kho bỏ hoang được tận dụng lại không gian khởi nghiệp cho thanh niên, gian hàng đặc sản của địa phương. Trong mô hình này, trường địa học trong khu vực kết hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và cải thiện môi trường xung quanh. Thành phố Gwangju kết hợp với Đại học Jeonnam xây dựng các studio khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên trong khu vực. Đại học Gyeongbuk ở thành phố Daegu cho mượn đất miễn phí trong vofngg 30 năm để tập đoàn LH quản lý tài sản và xây dựng nền tảng tích hợp công nghệ và sáng tạo cho thanh niên.
2.5. Mô hình hồi sinh kinh tế
Mô hình này áp dụng cho các khu vực thoái trào nghiêm trọng về kinh tế, khôi phục năng lực cạnh tranh của đô thị nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc khôi phục lại chức năng công nghiệp đã thoái trào trong đô thị. Chẳng hạn tại thành phố Taebeak, tỉnh Gangwon, Tập đoàn quản lý rủi ro do khai khoáng của Hàn Quốc, Tập đoàn công trình sưởi của Hàn Quốc và Tập đoàn Than Hàn Quốc đã cũng tham gia xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo thân thiện môi trường bằng việc biến các mỏ đá đóng cửa thành công viên chủ đề về khoáng sản và nông trại thông minh.
3. Những bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ chính sách tái thiết đô thị của Hàn Quốc
Một là, mô hình triển khai dự án tái thiết đô thị ở Hàn Quốc rất đa dạng. Mỗi mô hình được xây dựng phù hợp với từng loại đô thị, phù hợp với thực tiễn bất cập đang diễn ra tại mỗi đô thị. Với 5 mô hình tái thiết cơ bản là hồi sinh khu phố, hỗ trợ nhà ở, mô hình vùng ven, mô hình đô thị trung tâm, mô hình hồi sinh kinh tế, 500 đô thị và khu dân cư ở Hàn Quốc đã được tái thiết trở lại.
Hai là, quá trình tái thiết đô thị ở Hàn Quốc có sự tham gia của chính quyền Trung ương, địa phương, người dân và các tổ chức xã hội. Trong đó, người dân tại đô thị là chủ thể chính của quá trình tái thiết, là người suy nghĩ, cùng bàn bạc với nhau để đưa ra ý tưởng và quyết định lựa chọn các ý tưởng tái thiết. Hoạt động quản lý để thực hiện các dự án cũng được thực hiện bởi tổ chức do người dân thành lập. Cơ quan hành chính nhà nước với sự tham gia của các chuyên gia, công chức quản lý nhà nước của các bộ và các địa phương, thực hiện nhiệm vụ tư vấn hướng dẫn người dân xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các dự án. Các dự án do người dân và chính quyền địa phương chủ động đề xuất và chính quyền Trung ương hỗ trợ.
Ba là, nguồn tài chính thực hiện tái thiết đô thị chủ yếu từ nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, 80% vốn dựa vào các quỹ của doanh nghiệp nhà nước cho vay, 20% vốn từ ngân sách hỗ trợ là vốn từ Tập đoàn xây dựng nhà ở LH và SH, mỗi doanh nghiệp cho vay từ quỹ của doanh nghiệp với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại. Sau khi dự án hoạt động, bên quản lý dự án đó phải có trách nhiệm trả lại phần vốn vay cho tập đoàn. Dự án do 2 tập đoàn xây dựng KH và SH trực tiếp tham gia tái thiết sẽ do chính 2 tập đoàn xây dựng và cho thuê, sau khi hoàn thành dự án, công trình do họ quản lý và quản lý lợi nhuận.
Bốn là, các dự án tái thiết đô thị được xây dựng vừa dựa trên năng lực của người dân tại khu vực vừa hướng tới nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng của người dân. Điều đó thể hiện ở việc người dân có cơ hội tham gia tất cả các hoạt động liên quan đến dự án. Người dân tại khu vực được mời tham gia hội thảo, được trưng cầu ý kiến, nêu ra ý tưởng để tái thiết khu vực đang sống. Thông qua chính người dân để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của những người dân khác để tất cả mọi người dân đều tích cực tham gia vào dự án. Sau khi dự án kết thúc, nhà nước không còn các chính sách hỗ trợ nữa thì người dân tại khu vực tái thiết phải tự mình tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được. Để đảm bảo điều đó, trong quá trình thực hiện dự án, nhà nước có các chính sách hỗ trợ như mở các lợp dạy nghề phù hợp với năng lực của người dân, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng triển khai, lên kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án.
Năm là, các dự án tái thiết đô thị được thiết kế với nhiều tiểu dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế…Các dự án tái thiết đô thị được xây dựng dựa trên khai thác tối đa lợi thế phát triển của mỗi khu vực, đó là lợi thế về thực hiện hoạt động thương mại, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, hoặc lợi thế phát triển các ngành kinh tế. Các dự án có quy mô nhỏ nhưng gắn kết trực tiếp với đời sống người dân, thiết thực với người dân. Các dự án được triển khai thí điểm, thực hiện ở các khu vực khác.
Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới. Cùng với các đô thị hiện đại, thông minh ra đời, quá trình dịch chuyển các cơ quan, các cơ sở cung cấp dịch vụ như giáo dục, y tế ra khỏi trung tâm các thành phố lớn, cũng sẽ xuất hiện hiện tượng thoái trào ở các đô thị cũ. Quá trình thoái trào ở các đô thị cũ ở Việt Nam có thể chưa diễn ra một cách nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu cho đời sống ở các khu vực xa trung tâm, hạ tầng xôi đỗ, tính thiếu kết nối của hạ tầng giao thông giữa các khu vực. Tuy vậy, thực tiễn đang diễn ra tại các khu nhà ở tập thể cũ tại các đô thị, tại các khu phố cổ, các khu vực hạn chế xây dựng, sửa chữa để bảo tồn di sản văn hóa… cho thấy Việt Nam cũng cần có chiến lược và kế hoạch chô việc tái thiết các khu vực này phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.
(Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 66/2019)